.
Tản văn

Bóng mẹ mùa đông

Cái lạnh đã thấm vào vạt áo, len lỏi trong hơi thở gấp gáp ngày mùa. Những đốm lửa trẻ chăn trâu đốt trên đồng không đủ làm không khí ấm lên. Chỉ có hương thơm nưng nức mùi khoai nướng đã thắp lên chút nắng, để những giọt tinh nghịch ấy đu đưa trên hàng cây.

Con đứng lặng tìm miền ký ức. Khoảng đồng mênh mông còn lưu dấu những kỷ niệm no tròn như những chú trâu mộng trong cổ tích, no tròn như ông trăng đêm rằm. Con tìm bóng mẹ như bao chiều. Mẹ vẫn ở đó, khuôn mặt làm ấm mùa đông, bàn tay làm giàu có cánh đồng quê hương. Mẹ cùng với cả trăm nghìn người mẹ khác, cùng ngàn vạn người phụ nữ, người con gái khác. Cứ làm xanh cho đồng, cho những mùa tốt tươi và mẹ lại già, những người khác cũng già. Như thể tuổi trẻ đã vặn mình, chắt chiu tất cả nhựa sống và sức lực, mà làm nên những hạt thóc chắc mẩy trong vụ mùa nắng ruộm vừa qua. Những thửa ruộng nằm nghỉ ngơi. Những chú trâu đi cày vỡ đất, làm ải, để khi đông qua xuân tới, những bàn tay lam lũ lại ra đồng, mang cả nụ cười và những vành trăng trên má lúm, mà cấy cho xanh đồng. Mẹ ơi, mẹ đã làm xanh bao mùa cấy? Mẹ đã làm no bao mùa gặt? Mẹ không nhớ nổi. Chỉ mái tóc pha sương chia sẻ ghi nhận và đếm từng ngày công lao, những giọt mồ hôi mẹ đổ xuống.

Mùa đông này mẹ bước sang tuổi bảy mươi. Cái tuổi đúng ra đã được nghỉ ngơi, và con cháu giục mẹ nghỉ ngơi thôi. Nhưng mẹ vẫn gắng gỏi chắt chiu công sức mình, như thể mẹ muốn cống hiến mãi chút sức lực tuổi già ấy. Gió đồng mừng tuổi mẹ. Sắc diệp lục mừng tuổi mẹ.

Tháng mười một êm ru. Những con đường nhỏ dẫn ra đồng bàng bạc hơi sương. Con nghe chân mình vướng vào một bài hát cũ, nhớ lại một câu chuyện đã theo suốt đời con. Ngày bé, mẹ thường gọi con là “cu Bi”. Một hôm mẹ hỏi: “Cu Bi có yêu cánh đồng?’’. Con trả lời: “Con yêu mẹ, nên yêu cánh đồng”. Mẹ nhắc lại: “Thế không yêu mẹ thì có yêu cánh đồng không?”.

Con chỉ cười. Rồi mẹ đã chia cho con một khoảnh đất, để con tự chăm những cái cây, chăm chút cho màu xanh tuổi nhỏ của mình. Vâng, đầu tiên là vạt đậu tương. Con tự gieo cùng với thời gian mẹ gieo trồng. Con chăm chút cho khoảnh đất gieo đậu đó và dường như, dành tất cả khả năng chắt chiu và tình yêu cây của một đứa trẻ mười tuổi cho nó. Đậu tương lớn nhanh. Đậu tương lớn như những cái cây mẹ đã gieo trồng. Đậu tương cho quả sai và theo mùa, được thu hoạch đại trà. Mẹ vui lắm, nhưng niềm vui của tôi còn được nhân lên gấp đôi. Có lẽ, về kỹ năng vun trồng và khẳng định khả năng làm việc nhà nông, đó là lần đầu tiên trong đời tôi thành công.

Tiếp đó, mẹ vẫn để tôi tự quyết định gieo hạt gì cho khoảnh đất. Tôi thưa: “Mẹ gieo gì, con cũng gieo thứ đó”. Mẹ gợi ý: “Cu Bi có muốn trồng một thứ cây khác mẹ không?”. Nghe thú vị, con đã xin phép mẹ trồng cải bắp, còn mẹ gieo cải củ trên thửa ruộng. Nhìn thành quả của mình, sau hơn hai tháng chăm bẵm và hồi hộp, như mẹ cha chăm bẵm cơm ăn áo mặc hằng ngày, như thầy cô chăm bẵm con chữ cho con, khoảnh cải bắp cho thu hoạch. Những cây cải bắp cuốn chặt, no tròn, to như những chiếc mũ, đều tăm tắp… con vô cùng tự hào và có lúc hãnh diện về khả năng của mình.

Sau này lớn lên, con mới hiểu, làm sao con chăm được chúng. Chính là mẹ, đã giấu con, chăm cho khoảnh đất riêng của con. Nhưng từ cử chỉ của mẹ, từ sự giao phó tạo cho con trách nhiệm, con đã có bài học bổ ích. Cánh đồng mùa đông không xanh, hơi thở nằng nặng, cánh chim bay như trĩu cả góc chiều. Kìa bóng mẹ, dáng mẹ, vẫn nhỏ nhoi, nhưng lồng lộng một tình yêu. Hình như mẹ sẽ gieo thêm màu xanh, trong bóng tuổi già in hằn những vết thời gian nặng nhọc ở giữa đồng. Và con hiểu, có một bài học sẽ theo con suốt cuộc đời, là khi gieo tình yêu thương, chúng ta sẽ gặt được lòng nhân ái vị tha.

NGUYỄN VĂN HỌC
 

;
.
.
.
.
.