Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Mưa tương tư

15:27, 26/09/2014 (GMT+7)

Mùa hạ năm ấy tôi được về Huế. Điều tôi rất băn khoăn chính là dù tôi là một cô gái mang nửa dòng máu Huế, nhưng cho đến năm 20 tuổi tôi mới tìm gặp được quê ngoại của mình. Mẹ tôi là một cô gái Huế thuần túy, dù cho cả thời thơ ấu của bà đã phải rời khỏi miền đất ngập tràn những dấu chân vua ấy, lưu lạc lên tận Pleiku sinh sống, cuối cùng gặp ba tôi - một thầy giáo tiểu học và bà ở lại nơi miền đất vang vọng tiếng cồng chiêng cùng những buổi sáng ngợp mắt những đám sương mù bồng bềnh.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Trước khi tôi lên đường, mẹ dặn dò tôi: “Mẹ không biết O Thơm, O Hạnh có nhận ra con không? Nhưng con phải về thôi, bề gì con phải biết quê ngoại của mình ở nơi mô. Sang năm mẹ sẽ về”. Tôi mang theo bên mình một túi quà là măng khô, mật ong và cà-phê bột. Tôi náo nức chạm mặt Huế.

Tôi khỏi phải tả dài dòng về chuyến đi của tôi. Tôi chỉ có cảm giác thú vị khi được biết quê ngoại tôi ở thôn Vỹ Dạ (điều tôi ngạc nhiên là khi đến nơi tôi thấy ở đây gọi là Vỷ Dạ (dấu hỏi) chứ không phải là Vỹ Dạ. Vỹ Dạ được tôi nao nức tìm đến ngoài chuyện là quê ngoại, nó còn lãng đãng trong thơ Hàn Mặc Tử:

“Sao em không về chơi thôn Vỹ?
Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Nhưng có lẽ cuộc sống đã thay đổi quá nhiều, cho nên khi bác xích lô chở tôi đi vào thôn, tôi chỉ thấy nhà cửa san sát nhau, chỉ thấy những hàng cau san sát nhau như trong thơ ông Hàn Mặc Tử.

O Thơm nhận ra tôi ngay, O chạy ra tận xích lô, xách hành lý cho tôi:

- Ui chao, An con chị Nguyệt đó phải không? Răng mà mi đẹp rứa?

Tôi cười, gương mặt O Thơm cũng hao hao như gương mặt mẹ tôi, cho nên tôi đoán ngay đó là O Thơm.

- O Thơm.

O Thơm cười, hàm răng O trắng đẹp đến nỗi tôi cứ nghĩ là chắc O Thơm có xài một loại kem đánh răng nào đó vẫn thường được quảng cáo trên báo.

Tính ra thì O Thơm chẳng lớn hơn tôi bao nhiêu, bởi O Thơm thua mẹ tới 10 tuổi mà mẹ thì sinh ra tôi khi mẹ mới có 20 tuổi. Theo lời mẹ thì O Hạnh đã lập gia đình (O Hạnh là chị O Thơm) và ra riêng nghe nói ở tận Quảng Nam. Ngôi nhà thừa tự của cả nhà “đi ra đi vô” cũng chỉ có O Thơm. Có tôi, O Thơm vui lắm. O Thơm lăng xăng nấu nước lá dứa để tôi tắm cho thơm da (tôi chỉ thấy người ta dùng lá dứa nấu xôi, nấu chè chứ chẳng thấy ai nấu nước dứa tắm cho thơm như O Thơm làm), O Thơm thích bắt tôi ra ngồi dưới gốc cây Nguyệt Quế, nắng nhỏ nhẹ tìm đường lọt xuống những chiếc lá Nguyệt Quế nho nhỏ, bám trên mái tóc tôi. Như thế đủ để cho O Thơm líu lo:

- Chao ơi, An đẹp lắm.

Rồi O Thơm dắt tôi đi ăn bánh bèo. Ở Vỹ Dạ có mấy hàng bánh bèo nhưng không phải bán ở trong quán, mà người ta bán trong vườn. Khu vườn có cả cây vú sữa, mít, có cả hai hàng cau và những loài cây lạ tôi chẳng nhớ nổi tên. Bánh bèo mỏng tang, một tép mỡ và ít bột tôm rắc lên làm nhụy. Tôi vừa bỏ vào miệng thì có cảm giác như “chiếc bèo” đã tan mất. Tôi ăn và chợt thoáng thấy gương mặt của O Thơm chợt buồn. Tôi chưa hiểu tại sao thì chợt O Thơm thở dài:

- Rứa là anh Thân vẫn không về.

Yêu một người, kín đáo suốt đời thì đau khổ lắm. Nỗi khổ đó giống như vết kim chích nhẹ trên da, cứ lăn tăn lăn tăn từ ngày này qua ngày khác, O Thơm của tôi đã có một mối tình tương tư kiểu đó với anh Thân nào đó ở quán bánh bèo tôi vừa được O dắt tới ăn.

O Thơm đẹp lạ, cái đẹp nhỏ nhẹ của người con gái Huế dù O đang ở tuổi 35. Tuổi 35 xưa kia do điều kiện sống khó khăn khiến cho người ta già đi, còn bây giờ thì biết bao nhiêu sự hỗ trợ của mỹ phẩm, O Thơm giống như một đóa hoa nở và vẫn đang nở.

Tối, tôi dụi đầu vào lồng ngực căng đầy sức sống của O Thơm.

- O Thơm ơi, kể chuyện anh Thân đi.

  O vuốt tóc tôi:

- Có chi mà kể!

Tôi trở người:

- O tương tư người ta bao nhiêu năm rồi, sao O không qua nhà người ta mà bán bánh bèo?

- Thế An yêu ai chưa?

Tôi cười:

- Cháu hả. Cháu yêu là cháu nói, cháu chẳng chờ đợi mỏi mòn như O đâu!

Có thể tôi không ở Huế, tôi chẳng sinh ra ở Vỹ Dạ nên tôi không hiểu nỗi lòng của O Thơm. Tôi chỉ bắt gặp tấm ảnh của anh Thân được gắn trong cuốn sổ ghi chép của O Thơm. Một người đàn ông đẹp trai, đôi mắt sáng và đôi môi mím chặt. Nhưng ở cả tháng trời với O Thơm, tôi mới khám phá ra mối tương tư lạ kỳ, thầm lặng đợi chờ của O, nhưng tôi không hiểu rằng O đang đợi như thế nào?

Anh Thân là một nhạc công chuyên chơi đàn cho một nhóm ca Huế phục vụ khách du lịch trên sông Hương. Có khi nhạc cụ chỉ là hai chiếc ly nhưng đủ để anh tạo ra những âm thanh kỳ điệu. Quán bánh bèo Huế do mẹ anh mở ra, có khi quán đông khách bởi tài giới thiệu của anh khi lênh đênh trên sông nước cùng khách, O Thơm biết anh từ nhỏ, như O nói là ngày đó những hàng cau ở thôn Vỹ Dạ vẫn còn nhiều như trong thơ của Hàn Mặc Tử. Anh Thân học đàn, O Thơm vẫn thường đến xem anh đàn để rồi trái tim cô gái Huế bỗng mở ra đợi ngọn gió tình yêu đến lúc nào không hay. Yêu, nhưng O Thơm cứ chờ đợi, thỉnh thoảng tìm cớ ghé hàng bánh bèo để đợi anh Thân về. Rồi có khi O Thơm bỗng thở dài nói một mình:

- Mùa này khách du lịch đến Huế nhiều. Chắc anh Thân bận lắm.

Tôi phải rời Huế, mẹ gọi điện nói nhớ tôi lắm. Nhưng tôi về trễ hơn dự định bởi cơn bệnh của O Thơm.

Đêm đó mưa lưa thưa. Mưa hạ như làm dịu bớt đi cái nóng nung người khiến cho những hàng phượng vĩ trên con đường “phượng bay” (mấy ông nhà thơ đặt con đường nằm dọc theo sông Hương cái tên như vậy), cứ bung nở những chùm hoa đỏ rực. Hôm đó, anh Thân không đi đàn, anh ghé nhà O Thơm, nhưng với một người con gái khác. Hai người nói chuyện gì đó tôi không biết, đến khi anh Thân ra về tôi thấy gương mặt của O Thơm đầy bóng tối. O Thơm nói một mình trong phòng ngủ: “Dám dắt đứa con gái tới nhờ mình xem tướng. Đồ tệ bạc”. Rồi O Thơm đi ra đường, nói với tôi là tự dưng O thích ăn chuối chiên. Tôi đợi mãi không thấy O Thơm về nên ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau O Thơm ngã bệnh, trên bàn còn hai miếng chuối chiên đã mềm nhũn ra vì để qua đêm. Tôi lấy khăn nhúng nước để lên trán cho O Thơm hạ cơn sốt. Cơn sốt mê man, O Thơm cứ nhắc tên anh Thân.

Khi tôi ra ga, O Thơm nhất định lấy xe đạp chở tôi. O nói: “Đi xe đạp mới ngắm được những con đường ở Huế”. Gương mặt O còn xanh xao, nhưng đôi mắt đã rạng rỡ lên nhiều. Hai dì cháu chẳng nói gì với nhau vì tôi còn bận ngắm Huế, bận lắng nghe giọng Huế đang ríu rít trên đường như chim kể chuyện.
O dúi vào tay tôi một túi nhựa, trong đó là mè xửng và có cả một lọ mắm tôm do mẹ anh Thân làm. O nói nhỏ nhưng tôi nghe rất rõ trước khi rời Huế:

- O cám ơn An lắm!

Tại sao O Thơm cám ơn tôi, tôi biết rồi. Giữa lúc O mê sảng, tôi đã qua hàng bánh bèo, kéo anh Thân qua. O Thơm nói mê mà đâu biết anh Thân đang đứng bên cạnh, O đã nói mê: “Anh Thân, anh không biết em yêu anh sao! Em yêu anh. Em buồn lắm Thân ơi!”.

Tôi vẫy tay với O Thơm, nói theo tiếng gió:

- O Thơm ơi, O hãy cám ơn cơn mưa tương tư.

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

.