Sáng tác

Tản văn

Giếng làng

15:51, 12/09/2014 (GMT+7)

Những ngày nắng nóng kéo dài, thành phố liên tục mất nước. Mỗi trưa đem chậu hứng từng giọt nhỏ chảy chậm từ chiếc vòi nhựa cũ, lòng lại thầm ao ước được trở về bên giếng làng nơi quê nhà yêu dấu.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Giếng nằm giữa trung tâm làng, đoạn giao nhau của hai con ngõ. Xung quanh giếng là những ô gạch xếp so le nhuốm màu thâm xanh rêu cũ. Bên cạnh có cây bàng già tỏa bóng mát rượi cho những trưa nắng đổ chói chang. Nghe ông tôi kể giếng được khơi đào tự thuở lập làng. Mà tuổi làng cũng đã có mấy trăm năm thăng trầm biến động. Từ bấy đến nay, giếng lặng lẽ đồng hành cùng nhịp sống tất bật của người dân quê tôi như một người bạn tri âm, tri kỷ.

Cũng như những đứa trẻ khác, tuổi thơ tôi gắn liền mật thiết với giếng làng từ thuở long nhong chân đất đầu trần cho đến khi trở thành một chàng trai chững chạc. Ngày còn bé, mỗi chiều, mẹ vẫn thường dẫn tôi ra giếng khơi để tắm rửa, cọ kỳ. Cứ thế, tôi lớn lên. Đầu tiên là biết tự tắm gội cho mình, rồi dần dần biết giúp mẹ vượt dốc dài gánh nước. Có lẽ quyện hòa cùng dòng huyết đỏ chảy nơi trái tim tôi, có một phần nước giếng làng trong đó.

Ngày nào cũng vậy, giếng luôn tấp nập người ghé đến. Tiếng cười nói bông đùa, tiếng rửa rau đều đều, tiếng bát đũa va vào nhau khe khẽ,… tất cả tạo nên một bản hợp âm ấn tượng. Để rồi, một ngày nào đó, đến với những miền đất mới, dẫu đứng giữa những thanh âm rộn ràng hiện đại, nhưng thật kỳ lạ, sức sống của bản hợp âm nơi giếng làng thân thuộc vẫn luôn thao thức mãi nơi trái tim những người con xa xứ nhắc nhớ về nguồn cội thiêng liêng…

Có phải vì đã được đất sỏi quê hương qua mấy tầng thanh lọc mà khi nấu bằng thứ nước giếng làng tự nhiên này, dường như, hạt cơm cũng trở nên mềm dẻo hơn, nồi canh rau muống ngọt ngào, mát mẻ, củ sắn luộc thơm bùi, hấp dẫn, bát nước chè xanh lóng lánh, đậm đà. Thế nên mặc dù đã có giếng khoan, nhà tôi vẫn giữ thói quen mang thùng đi gánh nước giếng khơi về nấu.

Nhiệt độ nước giếng làng chuyển biến ngược chiều so với vòng xoay thời tiết. Mùa đông, nước ấm. Mùa hè, nước mát. Có những năm hạn hán kéo dài, nước ở ao hồ, sông suối quanh vùng đã khô kiệt, nhưng giếng làng vẫn ăm ắp nước. Giếng làng âm thầm dành dụm, gom góp, chắt chiu những mạch ngầm nước quý để phục vụ cho đời sống sinh hoạt của người dân chất phác thôn quê. Giếng mở rộng tấm lòng bao dung đón nhận những bước chân tìm về nhộn nhịp.

Giếng là nơi kết nối nghĩa xóm, tình làng, nơi viết nên những câu chuyện tình mộng mơ, lãng mạn. Ngày ấy, anh trai lưu luyến chị dâu bây giờ bởi vì mê một làn tóc dịu dàng thơm hương bồ kết. Rồi qua tìm hiểu, chuyện trò, tình yêu lặng thầm nảy nở, cũng êm đềm và trong trẻo như nước giếng khơi.

Mỗi lần có dịp về quê, tôi đều ra thăm giếng làng, múc một gàu nước đầy uống thỏa thích để cảm nhận cái dòng chảy mát mẻ ấy từ từ thấm đều vào da thịt. Bao năm nay giếng làng vẫn trong xanh như một mảnh gương. Tôi soi mình vào đấy để thấy tôi của hôm nay có gì đổi khác so với tôi của những ngày xưa cũ. Giật mình nhận ra, nơi tâm hồn nhiều khát khao thuở trước giờ đã phủ dày một lớp bụi ưu tư. Muốn gạt bỏ hết những toan tính, bon chen, sống chậm lại, thanh tịnh, thâm trầm…

Dáng dấp quê nhà đang từng ngày thay đổi. Đã dần mất đi hình ảnh thân thương của những lũy tre, bến nước, gốc đa. Và sự tồn tại của giếng làng cho đến ngày nay là điểm tựa, là niềm an ủi cuối cùng để những người con đi xa hoài vọng cố hương.

PHAN ĐỨC LỘC

.