.
TRUYỆN NGẮN

Tháng tư chị về

.

Chị Bưởi từ Mỹ điện về:

Cuối năm chị về Việt Nam, sẽ ra Đà Nẵng thăm gia đình cậu.

Ừ thì lâu quá, 12 năm rồi chứ có phải ít mô. Tôi nói

Ngưng một lát, chị ngập ngừng: Nhưng cũng có việc. Việc chi? Thôi chị về rồi bàn với cậu sau. Việc ni gặp mới bàn được. Tôi sốt ruột: Việc chi, chị nói luôn đi… Việc thằng Beo, mà thôi… nói sau. Cúp máy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Gia đình anh chị qua định cư ở Mỹ cũng đã gần 25 năm. Ở Việt Nam thời bao cấp, cả hai anh chị đều đi dạy tương đối nhàn nhã. Nhưng lớn tuổi rồi nên qua bên đó chỉ biết đi làm thuê. Chị rửa chén bát làm phụ bếp ở một nhà hàng.

Anh bán ở cây xăng. Gia đình đông con, anh chị phải làm thêm ngoài giờ. 6, 7 năm đầu đắp đổi cũng nuôi được 4 đứa con ăn học, 2 đứa qua đại học. Rồi cả mấy đứa đều đi làm. Chị mua một căn nhà khá lớn, đầy đủ tiện nghi cho cả một đại gia đình ăn ở và sinh hoạt. Nghe đâu tới 270.000.000 đô. Mua chi lớn dzậy. Tôi nhại giọng Sài Gòn.

Chị bảo. Mua trả góp. Hồi đó trong nhà tất cả là 7 người, hằng tháng con cái cha mẹ đều đếm đầu chia xôi, cứ thế mà góp vào trả tiền nhà, tiền ăn. Còn chừ thì tụi nhỏ lấy vợ lấy chồng ra riêng cả, anh chị thì nghỉ làm, phụ cấp tuổi già của cả vợ chồng gom lại không đủ trả tiền nhà.

Tính tới tính lui, đành phải bán nhà. Tiền mua nhà mình đóng được gần 15 năm nay rồi, giờ bán - trừ đi phần đã đóng cũng dư ra, đem nộp vào ngân hàng lấy tiền lời. Hai vợ chồng với thằng Beo mướn nhà chính phủ hỗ trợ cho người nghèo, người già, neo đơn. Nhà có phòng khách, phòng ăn, bếp, 1 phòng ngủ - rứa ở cũng đủ mà nhẹ người.

Chị kể, dù qua điện thoại, giọng có vẻ lạc quan hơn mấy năm về trước. Hồi mới qua, gặp đủ tai ương đeo riết vào gia đình chị, hết chuyện này đến chuyện khác: đứa con trai út chơi bi-da ồn ào gây sự sao bị bắn chết, đứa con dâu bị tai nạn xe hơi tàn phế ngồi một chỗ, con vợ thằng Beo trốn nhà theo người khác; anh thì bị ung thư tá tràng phải mổ…

Chị về với chồng.

12 năm gặp lại. Vẫn trẻ, đẹp. Vẫn cái thói quen người ở nước ngoài về. Mấy thùng hàng khủng, nhìn muốn oải luôn! Anh chị đã bảy mấy tuổi rồi mà anh lại bệnh, đi còn không nổi nữa huống chi phải mang vác từ Sài Gòn ra Huế rồi vào Đà Nẵng.

Tôi bực mình, chị mang vác chi cho cực, giờ áo quần ở Việt Nam rẻ lắm, mà thứ gì cũng có… Chị ấm ứ, đem cho mấy đứa cháu bên anh, tụi nó lao động, có mấy đứa làm nông ở quê. Trong thùng đồ làm quà cho gia đình tôi, chị khui ra và giữ lại một gói đồ được bọc giấy ca-rô đẹp và dán kín. Chị nhờ vợ tôi cất riêng, “đồ ni người ta gởi” để chuyển cho họ sau, giọng chị không tự nhiên lắm…

Thú thật tôi rất sốt ruột với cái câu nói bỏ lửng… “để chuyển cho họ sau” của chị, sao có vẻ úp úp mở mở. Nội cái chuyện chị ghé nhà tôi theo kiểu lộ trình rất lạ, vì nói cho cùng gia đình tôi không phải là “nhân vật chính” trong cái lịch trình đi của chị.

Về Sài Gòn vì mộ ba mẹ ở đó và gia đình ông anh tôi, về Huế để thăm bà mẹ chồng đã 100 tuổi mà Huế còn là quê chồng nữa nên phải ở lâu. Lần trước trên đường ra Huế, chị ở lại thăm tôi mấy ngày rồi ra Huế.

Xong, từ Huế bay thẳng vào Sài Gòn. Còn lần này, từ Sài Gòn ra Đà Nẵng thăm tôi 4 ngày rồi ra Huế 15 ngày, anh chị quay lại Đà Nẵng thêm 6 ngày nữa mới vào Sài Gòn. Anh bị tá tràng phải mổ, phần dưới phải đưa thức ăn ngoài, đi lại vệ sinh không tiện nên về Đà Nẵng cũng phải ở khách sạn, sướng sung chi mà quay tới quay lui Đà Nẵng, chắc phải có chuyện chi.

Vậy mà… Chắc có việc gì quan trọng lắm. Mà sao gặp rồi lại không nói. Tôi nghĩ hình như có anh nên chị ngại. Tôi đoán đúng. Buổi chiều hôm sau anh đi uống cà-phê với người bạn, chị đến nhờ con bé nhà tôi chở đi mang theo gói quà đưa vợ tôi giữ giùm bữa mới về.

Chị đi về, mặt hớn hở, tôi mới vỡ lẽ: Té ra, chị đi coi mắt, cưới vợ cho thằng Beo. Chuyện giữ kín không nói với ai được vì ai cũng chống. Họ hàng bên vợ bên chồng đều chống, kể cả chồng chị.

Chuyện thằng Beo lấy vợ ai cũng chống là có cái lý của nó. Hồi mới sinh thằng Beo, cháu nó bị động kinh liên tục, bác sĩ mới cho tiêm một loại thuốc an thần. Tiêm nhiều lần nên lớn lên thằng Beo không được bình thường. Nhưng phải tiếp xúc lâu mới biết nó có một chút thiểu năng trí tuệ. Ở Mỹ, cháu khó mà lập gia đình. Trong khi 4 đứa em đều lấy vợ gả chồng. Cháu là anh cả, 40 tuổi mà vẫn sô-lô. Chị mới nhờ tôi mai mối một đứa con gái của người quen.

Đám cưới được tổ chức rầm rang. Trừ chồng ra, mấy cháu con bà chị ở nước ngoài đều về dự. Đông đủ bà con ở trong nước đều có mặt. Con bé qua Mỹ được mấy năm rồi bỏ trốn theo người khác cuỗm luôn một số tiền lâu ni thằng Beo gom góp, dè sẻn.

Chị tức đến ói máu. Uổng công cả nhà, bầy đàn thê tử về ăn đám cưới thằng Beo, tốn không biết bao nhiêu mà kể. Còn thằng Beo, mấy năm như kẻ mất hồn. Ăn rồi ngồi ngơ ngơ đờ đẫn nhớ vợ.  Chị gọi điện nguyền rủa tôi đủ điều. Bà con, cháu chắt bàn chuyện. Nhiều người nói, cũng đừng trách con bé, kể ra làm vợ thằng cháu thì cũng tội, thua thiệt vì thằng Beo rất ít nói, cả ngày hầu như chẳng nói năng chi cả, có lẽ chả biết chuyện chi mà nói. Sống với một người như thế, ai chịu nổi, bỏ đi là phải. Người khác thì cho là đã có ý đồ từ trước, lấy chồng là cái cầu để xuất cảnh thôi. Qua được đến nơi rồi tính chuyện khác…

Thế mà giờ nghe chuyện thằng Beo lấy vợ lại, có phải là chuyện ấm ớ không. Người có chút máu họ tộc ai mà không phản đối. Người ta đồ rằng là chuyện cũ sẽ lặp lại. Huống chi giờ thằng Beo cũng đã gần 50 tuổi chứ có trẻ nỏ chi nữa mà vợ với con. Có đứa cháu ở Sài Gòn biết chuyện trước khi chị về, do là chị định nhờ nó mai mối cho cháu Beo mà nó không chịu. Nó bàn với chị như vầy: Đề phòng chuyện cũ, qua đó người ta bỏ mình. O cứ bỏ tiền ra làm đám cưới giả cho anh Beo, nhớ là giả mà thật, mình lấy tiền bảo lãnh bên nhà gái để lo hết mọi việc.

Đám cưới xong, qua ở bên đó nếu chị dâu gắn bó lâu dài với anh Beo thì mình gửi lại số tiền mà nhà gái đã bỏ ra làm đám cưới, tiền bảo lãnh ấy mà… Tính vậy mới ổn, dù chuyện có tiếp diễn theo hướng nào mình cũng không thiệt gì hết. Hay, hay, kế thằng nhỏ hay, chị cứ rứa mà làm, tôi góp chuyện. Ai ngờ thằng cháu tính hay vậy mà chị không nghe.

Chị tính khác.

Mình chẳng muốn lường gạt ai hết. Thì mình có gạt ai mô, tôi ngắt lời. Không gạt nhưng không thật lòng, chị tính - cứ bỏ tiền tổ chức đám cưới đàng hoàng, mọi thứ tốn kém chị lo hết, không tính toán. Tội nghiệp cháu, hai chục năm nay làm bao nhiêu nó đưa hết cho chị nên tiền lo việc ni, là tiền cháu Beo, cậu ạ.

Vợ chồng chị cũng vào cái tuổi “không biết khi mô”, 76, 77 rồi. Khi mô vợ chồng chị không còn, tội nghiệp cháu Beo trơ trọi một mình trong khi em út nó gia đình hạnh phúc cả. Càng nghĩ càng thương đứt ruột đi cậu ạ. Chuyện này chị nghĩ cũng có phần đắn đo, áy náy… Đám cưới nó xong, sau khi con dâu qua bên đó, chị sẽ giữ hết giấy tờ của hai đứa, để lỡ có ý đồ gì cũng khó mà cựa quậy… Nói vậy, cũng cái duyên thôi, tùy cái lòng của người ta, có ngăn cũng chịu… Thôi đừng bàn nữa, tháng tư chị về.

HỒ SĨ BÌNH

;
.
.
.
.
.