Sáng tác

TRUYỆN NGẮN

Đêm khô

17:20, 10/04/2016 (GMT+7)

Ô hay, hắn khóc cả khi cười.

Bản mặt hắn dài như cái bơm. Thộn hơn khi thọc tay vào đáy túi và khoắng, vẻ ngớ ngẩn ra cái thể không may để quên mất cái ví ở nhà. Kỳ thực, ví vẫn trong túi hắn, thậm chí lúc nào cũng căng phồng. Nhưng chả bao giờ có quá năm chục ngàn đồng. Chỉ toàn vụn giấy, với nguệch ngoạc mấy câu hắn lia vô như người ta chộp lại kẻo mớ này theo cùng quẫn lại bay biến mất. Để rồi khi đủ hứng thì hắn lọ mọ ghép vần...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Giờ tậu được con máy rẻ của Tàu. Dỏm nhưng ghi được hình, ghi được chữ, và nhắn nhiếc, chát chít, trao qua đổi lại cho qua buồn, cũng đỡ phần trống trải. Con máy còn hay phết, còn chụp hình, ghi lại... những bữa cao hứng nghêu ngao của hắn, thì là còn mơ gì nữa đối với gã túi rỗng?

Ờ, hắn khóc cả khi cười. Hai vệt thời gian hằn bên mép như hai cái rãnh nước cạn khô cời cời. Khỏa lấp ráo trọi niềm vui của hắn, làm biến dạng nụ cười như... mếu của hắn. Nhưng kiểu người hắn chả để ý ba cái vụ hình thức, nên cái mớ tóc xoắn bù xù lúc nào cũng mặc sức tung tỏa lòa xòa phủ che khuôn mặt với cái mũi bè và miệng mếu xệu của hắn. Cũng hóa ra hay, giúp hắn đôi khi bớt lộ liễu đau buồn.

Nhược điểm lớn nhất của đời hắn là thích chui vào xó hóc, lúng búng mấy sợi đàn, khàn khàn hơi già làm đà cho mấy kẻ nghiện ngưỡng dòng nhạc Bolero. Hắn gầy nhóm nổi tại nơi chòi canh của gã nghèo kiết xác một tụ điểm chuyên trị loại này.

Khi xung trận, ưu việt của Bolero là có thể dụng cả đũa thìa, chén dĩa... làm nhạc cụ. Và càng tâm trạng thì càng cao hứng. Càng cao càng hứng thì càng bốc. Càng bốc thì càng thấm đẫm. Bolero chơi bằng hết cả nỗi niềm quặn thắt thì thiệt là mùi mẫn chịu không nổi. Đã đời ông địa mỗi cuộc tới bến, các chiến hữu bá vai nhau lắc lư nhồi cho ra phần hồn nhất của mình, của nhạc...

Tàn cuộc, ngầy ngật trong men và đại loại sực của mùi nhào ra sau men, hắn một mình với đêm say sưa, cặm cụi chùi rửa kỹ lưỡng từng xí mỗi thứ, từ cái chân bàn thức ăn lúc tung hứng các ca sĩ bất đắc dĩ vung ẩu. Bạn bè cám cảnh mà khóc thay hắn, thương thằng lương còm cõng thằng nhạc sĩ vô danh gầy.

Nhưng hắn vui kiểu của mình. Hắn tìm được ý nghĩa và cái giá của đồng lương bảo vệ quá chừng là rẻ rúng. Rất ý nghĩa đằng khác, ấy là được tiếp cận với toàn những “bách khoa từ điển” sống. Cho hắn cảm thức về cái đẹp mà tiền và nhiều tiền, chưa chắc chạm mó được. Hơn hết là cái chữ Tình mà vợ hắn dị ứng mỗi khi đề cập.

Tình ấy cần vá lấp mồm vào, thì sống nổi. Nó không tạo ra đủ hạt gạo cho nồi cơm, thì sức đâu mà nghĩ đến tình này nọ! Mụ vợ đúng, nhưng hắn không sai. Vì hắn là người chả thiết và cũng chả biết ăn. Với hắn, gói mì tôm rẻ nhất bóp vụn trong nước nguội cho mềm... thế cũng là ngon, và sang trong những đêm hậu Bolero.

Và từ những lọ mọ, chênh chao, những đêm ép bụng sôi ục cơn đói sau nhậu khan khan, hắn rứt trong tim khô ra những từ ngữ, hình ảnh, nốt nhạc chả giống ai... cũng đẹp tựa tiếng hót độc của loài chim kia trước khi lao vào mớ gai nhọn tự kết liễu sự sống.

Cái đẹp được thăng hoa, kết đọng từ đau đớn, hy sinh thường lảng bảng một sức nặng với độ cảm dày không phải ai cũng lãnh nhận được. Những bản nhạc của hắn là như vậy, theo hắn. Chứ người đàn bà của hắn thì ngày càng giống các con hắn, chẳng còn nhận ra hắn. Nói chi đến nhạc hắn. Nó cứ mang máng, quen quen, lạ lạ. Quen ở cái chậm rì, bất biến cái khổ người khô quắt.

Lạ là... ngày càng xuất hiện trong hắn nhiều ý tưởng... trên trời. Đại loại, hắn bỗng ngả ngớn nồng nàn trong câu chữ trên giấy, trên cái máy nút xanh nút đỏ. Nhưng lạt nhách, lạc phách mất tiêu trên các cung bậc, bình diện sống.

Đời này, chẳng có quái ông nào tiếp đón sui gia bằng... nhạc. Hắn hát mải miết đến độ ông sui chả chen vô nổi nửa câu mà gửi gắm thằng con về ở rể. Hà hà... cũng may ông sui hiền khô cứ cười khỏa lấp mặc cho hắn nghiêng ngả một mình với cái đờn. Ờ, còn cái vụ rùm beng hát mừng đám cưới con gái, chẳng chọn bài nào mà ca ngay về cái... cầu.

Vì bài này hắn đã có đêm và rất chi là nhiều đêm trắng vắt kiệt sức vào đấy. Người cười khẩy nghĩ hắn không dị biệt cũng là điên xếp hạng. Kỳ thực tâm ý hắn trong veo đến ngờ nghệch. Ngờ nghệch đến thảm thương. Hắn quý “con tinh thần” như con đẻ đứt ruột. Hắn chỉ có bấy là thứ quý giá nhất để tặng con làm tài sản khi về nhà chồng!

Than ôi, hắn khóc cả khi cười. Khóc mà làm bể cả những nốt la thăng vang trong chính ngón tay nhấn phím của hắn. Nhiều người quở chính hắn phá tàn hoang các con đẻ tinh thần viết bằng đêm khô của mình. Là bởi vì hắn hát đại dở. Khi hắn lướt phím cho người ta có thể bay. Nhưng khi hắn cất tiếng thì chẳng khác âm thanh của thần chết đến đòi mạng. Từ lơ lửng mà bổ nhào theo từng âm thanh thoát thai trong khuôn miệng có hai cái rãnh nước của hắn.

Ôi hắn hát... cảm giác như những lời ca thán ai oán thật khủng khiếp, càng khiếp đảm trong những đêm tàn hậu nhậu còn mình hắn ngầy ngật dư âm cũ, vọng ngày thơ trẻ và nỗi niềm ẩn dật lẩn khuất bấy lâu... Được cái các bạn hữu và hắn đồng điệu, dễ tính như nhau.

Xị trắng, với chút chút mồi là có thể ngà ngả tàn trăng. Nói đến chuyện thưởng trăng, y như bật cái lò xo nén khí sắp bung bể trong con người hắn vậy. Mẹ ơi, vì là hắn phải chịu trách nhiệm cho sự an ninh của cả một cơ quan chớ ít chi, nên nhiều đêm trăng hắn phải đóng kín bưng tất cả các cửa. Nhưng vẫn chả thể nào mà ngủ cho quên đời.

Hắn đã cố nốc và tìm một góc khuất nhắm tịt con mắt, co quắp như một con tôm nướng nục. Vậy mà... vậy mà... cái con trăng vằng vặc cứ lách luồn qua khe cửa, như lay gọi, như khiêu khích, như dỗ dành... Hắn lọ mọ vớ công tắc đèn theo thói quen, nhưng lại lọ mọ thọc đôi chân bẩn lem xuống sàn lạnh đi bâng quơ vài vòng trước hiên, rồi trở vô bó xọ bên góc bộ salon. Ngó quanh. Mong... mong, thậm chí một tiếng dép quẹt vu vơ. Thậm chí khuôn mặt của... thằng ăn trộm, miễn là người... cho đêm bớt  trống đến chếnh choáng.

Không một động tĩnh quen thuộc, ngoài thi thoảng tiếng khô khốc của những chiếc lá bàng gõ độp xuống nền đường, ngoài vỉa hè trước cổng cơ quan. Bất giác, trong hắn trỗi dậy một bản năng đã quá quên. Hắn sè sẹ khóa trái cổng và tiếng xe rè rè xa dần nơi chỉ có những chồng giấy ẩm mùi mực và những quầng ánh sáng chỉ quen thuộc với nỗi riêng của hắn. Hắn về nhà. Lưỡng lự rất lâu trước khung cửa sắt im lìm đã lâu quen với sự thiếu vắng hắn. Chỉ có lũ mèo vốn quen hơi người thường cho ăn, thi nhau lao ra cào bấu ống quần hắn, tựa dựa ngả ngớn thân mềm vào đôi tay gầy nhẳng khét lẹt mùi mồ hôi của hắn...

Hắn biết là trời về sáng, vợ con hắn cần thông giấc để bắt đầu một ngày mưu sinh mới, mà không thể nào trông cậy gì vào cái túi rỗng của hắn. Hắn vuốt ve lũ mèo nhà, rồi nhẹ trở ngược xe quay về phía cũ. Nơi đêm đêm hắn vẫn chong chao với tiếng lá khô rụng rơi âm thầm, bên những khuông nhạc kẻ sẵn. Như một phản xạ tự nhiên, hắn ôm ghì cây guitar cũ mèm, mắt hoang hoải nhìn như thâu tận bóng đêm đang lướt qua, lùi dần.

Bình minh ủ nhú đã hắt hơi ấm chiết tỏa từ phía biển. Với tiếng sóng âm ỉ dậy trong lòng hắn, không dứt.

NGUYỄN KHÁNH HỒNG

.