Vườn cây, nắng sớm chói chang. Vương bà níu dây khổ qua, quyết hái bằng được mấy quả già căng tít trên cao. Bà tính sẽ thái mỏng khổ qua, phơi cho khô nỏ, phần pha nước uống cho mẹ sữa, phần tắm cho đứa nhỏ sơ sinh. Khổ qua lành tính, mẹ mát sữa, con mát da mát thịt. Vân sinh hạ lần này là lần thứ tư. Kể ra vợ chồng ăn ở với nhau hơn 10 năm mà có bốn đứa con thì cũng mặn nồng. Vương bà mừng thầm. Kiều vừa mới đoàn viên với gia đình, năm nay mà có tin vui nữa là coi như song thân toại nguyện, một nhà cùng vui. Kiều chưa đến băm xuân. Còn hãy tươi nhuần. Mộng ái ân hãy còn ăm ắp. Cứ vận vào bà là hiểu. Hạ sinh hai ả tố nga rồi cậu Vương Quan nối dõi, bà mới vừa tròn đôi mươi.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Vương ông nhàn nhã sự vụ phó quan vô thưởng vô phạt, việc thu lợi hoa màu đã có Vương bà và gia nhân lo liệu, lòng ông vẫn hằng tơ tưởng vui thú tiêu tao đàn hát nơi dập dìu tài tử giai nhân. Tuổi đôi mươi, một nách ba con, bà vẫn còn xuân chán. Vương ông ham vui nhưng hiếm khi quên mất đường về. Thiên hạ bảo Vương bà khéo chiều chồng. Mấy ai hiểu được cơn hứng tình dồi dào của bà mẹ ba con mới là vũ khí níu chân phu quân. Một khi đã trót sa chân vào mê cung tình ái nồng nã của Vương bà, dại gì mà tháo chạy để thiệt thân. Kiều thừa hưởng nét phong nhã của Vương ông nhưng lửa đàn bà phừng phực châu thân vẫn là di truyền từ mẹ. Dẫu Vương bà chưa từng trải nhưng cũng mấy bận bốc lửa ghen tuông ngấm ngầm với phường ca kỹ. Bà thừa hiểu tâm tình kiếp chồng chung. Vân thì đã yên bề, ấm thân rồi. Một mai vật đổi sao dời, ai còn biết được lòng người như nhất thủy chung. Có đứa con, Kiều vừa có của để dành, vừa có tín vật của lòng trung trinh chồng vợ.
Vương bà đang mải suy tư, cô người làm bên nhà Kim – Vân chạy bổ sang, gọi tru tréo: “Thưa bà, xin bà sang bên nhà. Phu nhân đang chuyển dạ”. Tay chân luống cuống, Vương bà cố bình tĩnh hối thúc: “Mau đi gọi bà đỡ”.
Lúc Vương bà hớt hải tắt vườn băng qua, Thúy Vân đã rướn người theo những cơn gò. Ba lần sinh nở, Vân đã sành sỏi chuyện trở dạ và điều chỉnh sao cho những cơn gò nhịp nhàng cùng phản ứng rặn đẻ. Bà nhũ mẫu mới từ dưới cố quận lên từ hôm Kiều về đang nửa ngồi nửa quỳ thổi tai cho Vân. Vương bà nhìn quanh không thấy Kiều đâu, kịp lúc cô người làm với bà đỡ tất tả chạy vào. Cô gái nhanh ý ghé sát tai Vương bà thì thầm: “Sáng ngày cô Kiều cùng Kim gia vừa rời nhà”. “Chắc có công việc quan trọng”, Vương bà nói át đi. Bà không muốn người ăn kẻ ở trong nhà chõ mắt rồi, mang chuyện chồng chung của Kiều – Vân ra để thầm thì với nhau.
Vân mẹ tròn con vuông. Vương bà cũng khéo kịp dò hỏi, cho người tức tốc triệu Kim – Kiều về. Từ ngày Vương ông gặp nạn, tiếng là Kiều bán mình chuộc cha nhưng những việc tối trọng trong gia đình đương cảnh rối ren, đều một tay Vương bà lo liệu. Vương Quan vốn thư sinh chỉ biết đèn sách. Còn nàng Vân, nết hiền lành vô sự bẩm sinh, cáng đáng việc nữ công đỡ mẹ đã là may. Vân kết duyên cùng Kim Trọng. Bận rộn sinh con và chăm con, biếng lười điểm trang, đâu còn thời giờ để vướng bận nhà đẻ. Vương ông tai qua nạn khỏi, lấy thư phòng làm nơi chốn dưỡng thân - tâm. Một tay Vương bà xoay xỏa chuyện thành gia thất cho Vương Quan, qua lại đỡ đần, chỉnh đốn Thúy Vân nết ăn thói ở. Trước ngày đón Kiều từ thảo đường của sư Giác Duyên về đoàn viên cùng gia quyến, cũng là Vương bà đã nhỏ to, bày vẽ cho Thúy Vân hô ứng lẽ phải điều hay.
Tấm lòng người mẹ muôn phần xót xa cho tấm thân lưu lạc đoạn trường của khúc ruột ngọc ngà. Vương bà đau đớn như chết đi sống lại khi nhận ra bức họa đoàn viên, tái hợp mỹ mãn mà bà nhúng tay điều khiển, vẽ vời kia lại một lần nữa dìm sâu cõi lòng đã thừa đớn đau, ê chề của Kiều nhi. Những lời vân vi thưa gửi, giãi bày một hai, lớp lang hoàn hảo của con gái thứ của Vương bà khó lòng tránh được bao kể lể nỗi đoạn trường của con gái cả. Nuốt từng lời hô - ứng của hai đứa con dứt ruột đẻ ra, giờ đây phải đứng trước kết cục nhãn tiền là chung chồng, Vương bà tê tái trong nỗi day dứt rằng bản thân mình là kẻ đồng lõa đầy tội lỗi. Những ngày sau đó, dù tế nhị không hỏi han, dò xét nhưng tim óc người mẹ vẫn âm thầm dõi theo những dịch chuyển tế vi trong cuộc sống của hai con.
Lòng Vương bà dịu đi đôi phần khi Kiều vừa lại nhà đã xắng xở phụ mẹ lo liệu săn sóc cuộc nằm cữ của Vân. Hỏi ra thì biết những ngày độ thân nơi cửa Phật, nàng đã cùng sư bà, sư cô cứu giúp cho mấy thai phụ cùng đường phải tìm đến nhà chùa làm nơi sinh nở. Đương mùa liên nhục, bữa nào Kiều cũng hầm canh tẩm bổ cho em. Nàng không ngại gió bụi đi điền dã tìm cây bồ công anh về sắc lấy nước dỗ Vân uống gọi sữa. Nhìn những thứ tã áo Kiều tự tay khâu cho đứa trẻ sơ sinh, đến nhũ mẫu là người khéo tay cũng phải xuýt xoa.
Kim gia thì vẫn như mọi khi, bốn con rồi vẫn mơ màng bầu rượu túi thơ. Có về nhà, cũng chỉ ghé qua khuê phòng, hỏi thăm lấy lệ. Hiếm hoi đàn con lít nhít có quẩn chân, chàng chơi với con lấy lệ rồi gọi nhũ mẫu trông nom bọn nhỏ. Với đứa trẻ sơ sinh, chàng cũng ít thể hiện niềm quấn quýt. Phần vì không quen bế ẵm, phần bởi đàn bà con gái trong nhà, nhất là Kiều, thấy chàng lóng ngóng đã vội đón tay cháu bé. Linh thị, vợ Vương Quan bị chồng giục giã, cũng thi thoảng, lúc rỗi rảnh băng vườn qua nhà húng hắng giúp rập. Nhưng Kiều và nhũ mẫu đã luôn lo lắng chu toàn. Từ ngày Vân sinh, Kiều gần như ở hẳn Kim gia. Vài tháng đầu, nàng ngủ cùng phòng với Vân, giúp bế bồng, dỗ dành đứa trẻ khi quấy khóc. Những tháng tiếp sau, trừ những lúc bé ăn sữa mẹ hay việc khẩn, Kiều đều giành lấy việc trông nom. Nhũ mẫu đương nhiên sẽ chăm sóc ba đứa lớn. Vương bà thường xuyên lai vãng phụ hai con bếp núc. Kim gia thấy nhà đông người mà vẫn không hết việc, lắm hôm đến bữa, cơm nước muộn màng thì có phần suy nghĩ.
Một chiều hè, lúc này bé Thái đã mười lăm tháng tuổi, nhân buổi ngồi hóng gió cùng Vương ông, Vương bà, chị em Kiều, Vân, Kim gia tỏ bày ý định muốn tìm thêm người đỡ đần việc nhà. Thấy phải, Vương ông, Vương bà và nàng Vân đều khẽ gật đầu ra chiều đồng tâm. Kim gia nhìn qua Kiều, ra điều muốn nàng có ý kiến. Từ ngày đoàn viên, nội việc trong gia đình, chàng đều có ý tôn trọng lời nói của Kiều. Như chỉ chờ có vậy, Kiều cúi đầu thổ lộ: “Lâu nay con có điều này muốn thỉnh ý cha mẹ và vợ chồng Kim – Vân. Từ ngày em Vân hạ sinh bé Thái, con gần gũi chăm nom bổi hổi tình thân mà càng gắn bó sâu nặng. Phận con bảy nổi ba chìm, dãi dầu châu thân, tan nát tâm can, còn mong chi nữa nảy chồi mọc cây.
Con cúi đầu xin cha, xin mẹ, xin vợ chồng Kim gia cho con được nuôi dưỡng bé Thái, cậy nhờ lúc tuổi già”. Nghe đôi câu phân trần, toàn thể bùi ngùi. Kim gia không màng mắt nhìn, thứ bậc, đứng vụt dậy đỡ lấy đôi vai Kiều run rẩy. “Chẳng phải nàng vẫn luôn chăm nom bé Thái đó thôi. Ta và Vân nương, cả bé Thái và toàn gia, vẫn coi nàng như mẹ bé”. “Thiển ý muốn đưa bé Thái về nuôi dưỡng ở tư gia. Bao năm dãi dầu, cũng có chút vốn dắt lưng, đã tậu được căn nhà ở ngõ Hạnh…”. Giọng Kiều đã thôi thổn thức, ráo hoảnh chẻ hoe ra điều đã suy nghĩ cẩn trọng. Nàng tránh đại từ xưng hô với Kim Trọng, dù khi chỉ có đôi bên, vẫn thắm thiết tình chàng, ý thiếp.
Vài tháng sau, Kiều và bé Thái đã ổn định ở tổ ấm ngõ Hạnh. Nhờ em dâu Linh thị chỉ trỏ, Kiều mướn được một thiếu nữ tên Huyên thị, vốn con nhà nghèo khó, đông em, phụ giúp việc nhà. Kiều vẫn tự tay đảm nhiệm việc chăm nom cho bé Thái. Nàng lấy sự bận rộn làm hạnh phúc. Thảng, Vương bà ghé qua, thấy mọi sự đều yên ổn, cũng lấy làm yên tâm. Trong tâm bà đã thầm đồng lõa với Kiều ngay giờ phút nàng thổ lộ ý định nuôi cháu làm con. Nhưng bà vẫn im lặng lắng nghe Kim gia quyết định. Lòng bà hoan hỉ khi con gái được thỏa nguyện. Xót thương con 15 năm lưu lạc, bà chỉ mong được đền bồi cho Kiều, bao nhiêu cũng được, nghịch lý cũng xuôi. Đằng này, tâm ý của nàng mới tốt đẹp, mới vẹn toàn làm sao. Nàng ở hoài Kim gia, kẻ trên nhòm xuống, người dưng nhòm vào, coi sao được. Nàng đi là giữ cho hạnh phúc Kim – Vân.
Nhưng Vương bà không hay biết rằng Kim – Kiều xa mặt nhưng chẳng cách lòng. Kiều về ngõ Hạnh, không còn vướng mắt nhìn gia nhân, Kim gia càng tỏ tình thắm thiết. Chàng ghé ngõ Hạnh luôn. Và vì bé Thái ngoan ngoãn, ít quấy khóc, Kiều hiếm khi khiến chàng phật ý. Hai bên dìu nhau từ thi ca qua nhạc điệu. Kim luyến khúc Tương phùng, Kiều gảy bài Tương ngộ. Kim mê thi cổ, Kiều họa văn xưa. Vì qua Kiều luôn nên Kim gia cũng nhiều gần gũi với bé Thái. Chàng ru con ngủ, chàng dỗ con ăn, chàng nô con cười, điều chàng chưa từng làm với ba đứa con trước. Chẳng phải bỗng dưng chàng cảm tình phụ tử rồi yêu đứa trẻ bội phần mà bởi nết ân cần của người yêu dấu in hằn nơi đâu, nơi đó thành xiết bao niềm tận tụy vô bờ…
Võ Thị Hà