.

Trở về từ Ả Rập Xê Út (*)

.

Đừng chết ở Ả Rập Xê Út, cuốn tự truyện của Nghiêm Hương vừa mới ra mắt hơn một tháng trước đã gây được sự chú ý của bạn đọc trong cả nước khi đây chính là lời tự trấn an mình của tác giả, là những dòng tự sự về 285 ngày sống ở xứ sở này.

Ngay trong trang đầu tiên của cuốn sách, tác giả đã viết “Cảm ơn Ate Shaira! Không có chị, tôi đã chẳng thể trở về”. Lời cảm ơn của tác giả dành cho người cùng làm giúp việc đã giúp đỡ chị được trở về nước ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa. Vì nếu đọc xong cuốn sách người đọc sẽ hiểu được rằng lời cảm ơn đó không chỉ đơn thuần là cảm ơn mà đằng sau đó là sự hàm ơn sâu sắc dành cho người đã cứu mình thoát khỏi những ngày lao động khổ cực dưới mác đi xuất khẩu lao động.

Đừng chết ở Ả Rập Xê Út kể về quãng thời gian đi xuất khẩu lao động làm giúp việc nhà của chính tác giả tại Ả Rập Xê Út. Cuốn sách cũng khéo léo cho người đọc thấy được phần nào góc khuất của thân phận những người đi làm giúp việc tại nơi giàu có bậc nhất thế giới nhưng lại bị đối xử rất hà khắc.
Mọi thứ đều không như chiếc “bánh” mà các công ty môi giới vẽ ra với công việc nhàn nhã, lương cao. Nếu có những lời cảnh báo về những khó khăn nguy hiểm mà người lao động phải nếm trải thì chắc hẳn đã không có nhiều phụ nữ lâm vào cảnh cùng cực như Nghiêm Hương đã trải qua.

Bên trong những ngôi nhà rộng rãi, giàu có kia là một cách hành xử hà khắc của những chủ nhà. Những người phụ nữ từ nơi khác đến giúp việc bị coi là thân phận thấp hèn có thể bị sàm sỡ, đánh đập mà không có sự bảo vệ - kể cả công ty môi giới đã đưa họ đến đây. Vì vậy bản thân mỗi người giúp việc hoặc là cắn răng chấp nhận hoặc là phản kháng tự vệ. Mọi nỗ lực của tác giả để thoát khỏi sự bóc lột về sức lao động cũng như mối nguy hại đến thân thể cũng chỉ là đổi từ chủ này sang chủ khác chứ không thể về nước ngay được. Thậm chí người giúp việc còn có thể bị biến thành một món hàng rất hời được đem bán qua lại giữa các gia đình giàu có. Và những con người bé nhỏ vừa không biết ngôn ngữ địa phương, vừa lạ lẫm về văn hóa biết làm gì để kháng cự, để thoát ra ngoài việc cam chịu, chấp nhận.

Trong cuốn sách, Nghiêm Hương kể lại 3 lần phải đổi chủ, cũng có những lúc được chủ đối xử tốt nhưng phút giây đó không nhiều, chủ yếu là quãng thời gian lao động tay chân quần quật, thậm chí phải đi làm cả ở trang trại với những công việc nặng nhọc chỉ dành cho đàn ông dưới thời tiết lạnh tê tái hoặc nóng như nung giữa sa mạc… Có những ngày chỉ được ngủ một vài tiếng, không có cả thời gian để ăn hoặc dù cố gắng lấy lòng để được chủ tin tưởng một chút nhưng chỉ cần một vài chi tiết không hài lòng chủ như pha ga-òa (một loại cà-phê của nước sở tại) không đúng theo ý của chủ cũng bị đánh đến xây sẩm mặt mày, hay bị hất nguyên hũ tiêu xay vào mặt…

Chỉ với gần 200 trang sách của một cây bút nghiệp dư, nhưng những câu chuyện, những tình tiết được kể đã thu hút người đọc ngay từ những trang đầu tiên. Với những cảm giác hồi hộp, lo lắng như đang xem một bộ phim vì không biết sẽ còn những rủi ro, rắc rối gì sẽ xảy ra với cô gái ấy, và những người giúp việc ở đây rồi họ sẽ thoát ra bằng cách nào. Họ không có tiền, không có tiếng nói và chẳng ai có thể bảo vệ được họ.

Những nhân vật được tác giả nhắc đến trong cuốn sách có nhiều lý do để chọn đi xuất khẩu lao động nhưng phần đông trong số đó họ muốn thoát khỏi cảnh nghèo ở quê nhà. Có thể tác giả chưa kể hết tất cả những điều mà chị đã trải qua, song qua những trang viết của chị như một lời chia sẻ trải nghiệm, một lời cảnh tỉnh đối với những người muốn đi xuất khẩu lao động. Có thể hoàn cảnh mỗi người đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út hoặc một số nơi khác không giống nhau nhưng đây vẫn là một kênh thông tin tham khảo giá trị giành cho những ai đang đứng trước lựa chọn đi hay không đi xuất khẩu lao động.

Nghiêm Hương sinh năm 1974 tại Bắc Giang, đi xuất khẩu lao động tại Ả Rập Xê Út tháng 11-2014, trở về nước tháng 7-2015. Hiện chị sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

SONG KHUÊ

(*) Đọc Đừng chết ở Ả Rập Xê Út - Nghiêm Hương, Sống và NXB Thế giới ấn hành tháng 8-2019.

;
;
.
.
.
.
.