.

Đêm lặng dần

.

Vừa bước vào Kết đã oang oang:

- Bác ơi cho cái Nga đi đằng này với con một lúc.

Bà Nhi cười.

- Lại đi chơi chứ gì. Mà hôm nay đền làng làm lễ to lắm đó, ra mà coi. Mấy đứa con không biết chứ ngày xưa đền là nơi hội hè đình đám của cả làng. Đêm nào chẳng có hát hò.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Kết hỏi:

- Đền trước đây nó như thế nào bác?

- To hơn nhiều. Sợ bom đạn phá hoại, làng mang sắc bằng và kèo cột cất giấu đi. Hôm nay tôn tạo lại, đền không to bằng trước nhưng vẫn mang dáng xưa.

- Cây đa chắc phải to cao lắm bác nhở?

- Lớn tới bảy tám người ôm, cành vươn dài mấy chục mét. Dưới gốc vào ngày hè có quán nước chè, người quang gánh bộ hành qua ai cũng ghé nghỉ chân. Thiêng lắm. Có một đêm trời nhờ nhờ tối người ta thấy một tinh lạc, ánh lửa vây quanh xoay tròn từ trên cao xuống sa thẳng vào trong đền...

Nga từ trong nhà bước ra:

- Ta đi Kết hè.

Thằng Nơm đang nhai cơm miệng bóng nhẫy mỡ, phụng phịu:

- Em cũng đi!

Kết nói liền:

- Em qua đi với thằng Nhỏ, nó cũng sắp đi. Bọn chị có việc riêng.

Thằng Nơm không đòi nữa. Nó thường vậy, nếu không vừa lòng sẽ nói ngay, đòi ngay, còn sau đó ít khi nhắc lại. Trong gia đình ai hứa cho cái gì, không giữ lời nó cũng thuận.

Cách dăm năm về trước chim chóc râm ran ở xóm Cầu, đậu và làm ổ nhiều nhất là ở lùm Bù Lú. Người xóm Cầu thừa nhận lùm ấy có ma, cũng nhờ vậy chim chóc mới yên. Thằng Nơm cùng bọn trẻ hay vào lùm đào củ mài, bắt chim. Có lần về bị mẹ đánh tội bắt con chim còn quá non; nó nghe lời vào lùm thả lại trên tổ.

Thằng Nơm không được phép ra sông lấy bùn nhưng thỉnh thoảng vẫn kiếm được bùn ở các con mương gần ruộng về nặn tò he cho vào bếp than của mẹ nướng lên; thường thì nó thích loài chim gì là nặn rất giống. Nhiều lần Nơm làm bếp lửa của mẹ tắt, khói um lên. Bà Nhi nạt, xúc đổ hết tác phẩm của nó ra ngoài. Dần dà nó cũng thôi cái trò rình bắn chim chuột.

Nga và Kết ra tới đường lớn ôm nhau nhảy cà khiễng, tung tăng như hai đứa trẻ.

- Mày thấy tao có đẹp hơn mọi ngày không?

- Chả thấy gì hết.

- Hâm. Cả sáng tao với cái Mai lên thị trấn làm đầu.

Nga hỏi giật:

- Mai nào?

- Mai con ông Đống chứ Mai nào.

- Không phải. À đúng... chả là ngày còn làm ở nhà máy tao có đứa bạn cũng tên Mai. Nhà nó nghèo lắm... Ờ, mà mày đi với con Mai thật à?

- Sao?

- Chả sao cả. Tao chỉ thấy... nhà nó giàu quá.

- Dào... thế mày soát xem trong xóm, lứa như tao với mày còn mấy đứa?

- Mấy đứa? Ừ... ừ, vào Nam hết. Lấy chồng cả rồi. Chúng đi từ hồi nào mà nhanh thế nhỉ, sạch trơn.

- Cái con T hỏi rồi, cũng đi. Thằng M theo vào luôn, cưới trong đó.

- Lâu chưa?

- Chắc đã sinh con. Này, mày có ưa có con không?

- Đồ điên, hỏi vậy cũng hỏi. Có chồng thì có con.

Lễ được các cụ tổ chức rất trang trọng. Xúng xính trong bộ áo tím, đen, đỏ.
Đình làng trước đây gồm ba tòa hạ, trung và thượng điện, so với bây giờ lớn gấp khoảng ba lần. Từ ngoài hạ điện vào thượng điện khoảng mười lăm mét. Sân đình to rộng đủ cho dân trong làng vui hội với những trò như ném còn, đi cầu kiều, đánh đáo...

Đền đầy ắp trẻ làng; các bà, các mự ngồi với nhau trên các dãy ghế. Thanh niên trai gái hơi ít, lũ trẻ thì lóng nhóng chạy quanh, lâu lâu tới ông bà cha mẹ xin vài đồng đi mua cái kẹo chanh ngậm đến mỏng lét.
Nga nhìn vào trong thấy An đứng bên ông chủ tịch xã. Không muốn An thấy mình, Nga quay chỗ khác.
Thuấn cũng có, đứng bên lão Tít, hình như hắn cố ý tới bên lão. Từ nhỏ Nga thấy lão thiệt thà với xóm làng. Nga thương. Lão bạn với thằng Thuấn, sợ lại bị lợi dụng… Rồi chẳng hiểu sao Nga lại nghĩ, lão Tít với Thuấn như cha con vậy. Nếu cha con chắc là hợp, chắc cả xóm phải góp bày tiệc ăn mừng mới được.

Nga tránh mặt.

Kết đứng bên hích vào người:

- Mày làm gì mà lẩn như chạch chun bùn vậy. Thấy oai chưa, chàng An đứng bên ông chủ tịch, oai chưa.

- Oai gì!

- Này, không khéo ông xóm trưởng An của mày rồi thành phó chủ tịch đấy. Ngon nha.

Kết thọc tay vào sườn Nga:

- Coi tề, thằng Thuấn cũng tới. Đồ...

- Nhiều lúc nhìn hắn thấy cũng đâu đến nỗi Kết nhỉ.

Kết không mảy may nghe lời Nga.

- Hắn được cái đẹp trai. Giá tính hắn được một góc của chàng An xóm trưởng của mày. Nhưng mà…

- Đấy, mày lại đay hắn nữa. Ờ, mà tao hỏi: Sao mày ghét hắn thế? Sao thế?

Kết nhìn thẳng vào Nga, mặt Kết hơi tái.

- Thì… hắn từng đánh em tao... Không nghề ngỗng, ăn bám cha mẹ già, còn chửi mắng nữa.

- Thật ra tao chỉ ghét cách hắn đối xử với cha mẹ thôi. Đại bất hiếu. Là cha mẹ nuôi, nuôi từ lọt lòng người ta vứt lại thì với hắn cũng như cha mẹ ruột chứ.

- Thôi, đừng tranh cãi về hắn nữa, ta đi.
Kết kéo Nga. Nga còn ngoáy nhìn, nói:

- Mong sao đêm nay thần làng sẽ gội rửa cho hắn.
Kết hắt hủi:

- Có trụng nước sôi cạo cũng chả trôi nhơ nhớp.

Chuông trống vang lên hồi dài.

Hai đứa ra trạm bơm. Những đám ruộng đã gặt phẳng phiu đen xám. Nga cởi dép cầm trên tay, chân giẫm lên từng gốc rạ. Cảm giác êm êm ngưa ngứa lòng bàn chân. Gió đêm lướt thướt. Trong làng từng có nhiều nhà cấy dưới ánh trăng. Năm ấy trời đại hạn, ruộng đồng đâu đâu cũng nứt vết chân vịt. Buổi tối, loa xóm thông báo ngày mai sẽ có nước ở đập Cu Lân về. Cả gia đình Nga tập trung thắp đèn ra đồng làm đất để mai kịp cày gieo mạ. Trăng vằng vặc.

Trên đồi phi lao và bụi cây hoang, tiếng côn trùng loạn xạ ù cả tai. Chốc chốc lại nổi lên tiếng kêu thất thanh của một con nhái bị rắn ngoạm. Đồi um tùm bụi cây thấp đè đẹt. Nhiều hơn hết vẫn là thứ cây thân gai nhọn. Tiếp đến hoa bông trang màu đỏ thùy mị, hồn nhiên và man dại.

Xa lắm rồi. Cái thời Nga mót lúa khoai và lạc nẩy mầm sau những trận mưa dông. Những tháng ngày đói kém. Cuộc sống phần nào bình lặng khi gia đình Nga làm đơn xin xã cấp đất nông nghiệp. Từ cô học sinh chỉ biết học đã phải lên đồng. Có một chị lúc cấy lúa ngón tay vô tình xâu vào chiếc nhẫn vàng, cả làng đồn um lên rằng trời cho...

Lúa vụ đông xuân đủ phân và nước, khoảng đầu tháng tư là làm đòng. Lúc hạt lúa đang là bụng sữa, Nga thường dạo trên những khoảnh ruộng ngăn ngắt xanh thưởng thức cái hương vị ngọt ngào đồng quê. Lúa phơi mao như vô vàn hạt tuyết li ti rây trên bông. Bước giữa ngút ngàn lúa ai cũng dễ nhận ra trong gió nhẹ cái mùi hương khó liên tưởng với bất kỳ một loại hoa nào.

Nó cứ ám ảnh Nga trong nỗi hoài vọng xa xăm... Nhớ một chú cò ngơ ngác nghển cổ ngóng vào thôn xóm, thấy người thì bay vút lên, đôi cánh bồng bềnh trên làn khói trắng đậm mùi rơm dìu dịu. Ngày mùa ở khắp xóm thôn, những cuộn khói đùn lên giữa bầu trời quê thênh thang gió. Một cuộc sống thanh bình sau từng rặng tre vi vu gió...

Mặt sông trong đêm không một gợn sóng. Chốc chốc lũ cá lại đớp hờ trên mặt nước. Kết và Nga hồi tưởng lại những lần đi cất rớ. Cha Kết vót tre, lấy cái mùng cũ cắt ra; mẹ khâu viền quanh những tấm mùng vuông vức buộc bốn đầu ngọn tre, uốn cong - thành rớ. Chiều chiều hai đứa lại rủ nhau đi tới khoảng sáu giờ mới về. Tép nhảy nhiều chừng chập choạng, mặt trời au au đỏ đen dần và gió từ bên kia rào pha hơi lạnh lùa đàn sóng tiến vô bờ chầm chậm.

Kết ngả người nằm giang tay. Mắt lim dim dưới vòm sao.

Nga nhìn, gắt:

- Bẩn đó mi.

- Tí về tao tắm. Tao muốn nằm ngủ ở đây đến sáng.

Nga nạt to:

- Dậy đi!

Kết bật dậy nhìn Nga ngơ ngác.

- Sao thế. Tao nằm dài vậy không được à. Có ai đâu.

- Ừ, nhìn tục.

Kết dịu lại:

- Ngày mai họ mang lễ hỏi tới, thấy ngại ngùng thế nào. Đôi lúc cứ nghĩ mình chưa đến tuổi lấy chồng...
Nga cười như mẹ hiền:

- Thôi đi, xin bà. Trong làng tuổi như bà con cái lúc nhúc đầy ra rồi. Để vài năm nữa rồi ế. Mà chẳng phải mày bảo thằng Thuấn hay theo như ma sao. Mày hỏi rồi cưới chồng xong, thằng Thuấn hết đường dám theo nữa.

Kết áp tay vào bên má.

- Tao thấy... buồn!

- Chuyện gì?

Kết ngậm ngừng:

- Tao… mất… cái gì…

- Mày sao thế. Nói rõ xem nào?

Kết quay người hướng về cuối nguồn sông tối om.

Nhớ đêm đầu tiên trở về quê, Nga đã tìm ra Kết tại trạm bơm. Hai đứa ôm chầm lấy nhau. Niềm vui len trong giọt mắt rớt vội. Rồi Kết khóc. Vẫn tưởng cái Kết nó mừng…

Kết chợt hỏi:

- Này, nghe nói thằng Thuấn con hoang của lão Tít phải không?

- Ừ thì tao cũng nghe đồn như vậy. Chỉ là lời đồn, chả ai làm chứng được.

- Sao con hoang lại hư hỏng Nga nhỉ?

- Nỏ biết. Mà, sao mày hỏi vậy?

- Hắn…

Kết chợt im bặt.

Bao nhiêu năm Nga đi làm công nhân nơi xa xôi thành phố, giờ hai đứa gặp lại. Chỉ vừa nhớ quãng thời gian lấm lem trên ruộng, tối nào đi đâu cũng rủ nhau bằng được kẻo sợ trai làng chọc ghẹo. Thế rồi xa nhau. Thế rồi lần gặp lại, Kết kể bao chuyện xóm làng, về lũ trai làng. Kết lan man kể về thằng Thuấn, rồi giữa chừng tắt lịm. Rồi lại khóc, bảo “Nga ơi nhớ hồi xưa hai đứa mình đêm nào ra khỏi nhà cũng có nhau, không thằng con trai nào lường gạt được…”.
Đêm nặng dần rồi chìm xuống lòng sông.

NHỤY NGUYÊN
 

;
;
.
.
.
.
.