.

Lắng nghe tiếng đời

.

Khi mất mẹ, tôi đi vào ngôi chùa quen thuộc cầu siêu cho Người. Thực lòng mà nói, tôi không quá tin vào chuyện có hay không một thế giới tâm linh khi chưa bao giờ chứng kiến nơi ấy. Nhưng suốt những ngày cuối cùng của mẹ vẫn thường nghe kinh Phật, và vì thế, có một cảm giác gần với mẹ hơn khi đến chùa vào những ngày tháng hoang mang ấy.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Khi tôi đang quỳ dưới chân Mẹ Quan Âm cầu siêu cho mẹ mình thì những lời cầu nguyện của người phụ nữ bên cạnh vô tình lọt vào tai: “Con lạy trời lạy Phật phù hộ cho chồng con sớm siêu thoát, cho con có đủ sức khỏe để nuôi ba đứa con của mình khôn lớn”... Nhìn len lén qua, bên tôi là một góa phụ tầm chưa tới 30, tóc búi hở cổ cao cao xanh gầy. Mắt cô ấy vẫn còn sưng mọng sau những ngày khóc chồng. Một đứa bé tầm bốn tuổi cũng quỳ bên mẹ nó, mắt ngơ ngác ngước nhìn ánh hào quang lấp lánh. 

Tôi không thể nói gì với cô gái ấy trong hoàn cảnh tréo ngoe này, dù một lời hỏi han, sẻ chia. Bất giác, tôi cũng khẩn cầu cho người mẹ trẻ có đủ sức khỏe để nuôi con khôn lớn khi một mình chống chọi với đời. Và trong một khoảnh khắc rất ngắn, biết rằng mọi sự so sánh là khập khiễng nhưng tôi tự thấy sao mình cứ hoang mang chi với nỗi đau của mình hoài vậy. Nỗi đau của người phụ nữ kia còn nặng trĩu hơn nhiều, và sẽ còn bao nhiêu nỗi đau ngoài kia nữa, chắc gì nhẹ hơn mình đau?

Sáng nay, sau khi đưa con đi học, quay ra gặp anh bán cam vui tính nên đứng lựa cam. Khá nhiều người cũng dừng lại đây vì cam ngon, bán rẻ hơn ở chợ, bởi theo anh, bán ở cổng trường chuyên biệt
mà nói thách chi cho tội. Lại gặp câu chuyện cay sè mắt:

- Sao mặt chị buồn hoài vậy? (Là anh bán cam hỏi chị kia, đang đứng lựa trước mình, có vẻ như là khách quen).

- Thì đó, cứ nhớ đến ổng hoài. Sao không buồn được.

- Thôi mà, người mất thì đã mất rồi chị ơi...

- Ờ, hồi trước hôm ổng mất ba ngày, đang nằm mê man bất tỉnh cả tuần, ổng đột ngột hồi dương. Ổng dặn, nhớ thương lấy thằng con nha, thằng nhỏ bệnh vầy, kiểu gì cũng phải thương lấy nó. Rồi ổng lại bất tỉnh tiếp cho tới chết.

Chị cúi gằm mặt lựa cam, giấu tiếng thở dài rất nhẹ. Vậy mà có đứa đứng cạnh bên cũng nghe thấy, cũng phải lén cúi mặt giấu nước mắt. Chị chừng gần 40. Con chị, tự kỷ, hơn 10 tuổi. Tôi ngoài ba mươi, cũng mang bên mình đứa trẻ tự kỷ, lắm phen thở dài trách phận rằng sao lại phải bó chân bó tay bởi một đứa trẻ đặc biệt. Dù cạnh mình là chồng, anh chị em, bố mẹ chìa tay, chung vai chia sẻ. Tôi mãi mãi không thể hình dung rằng làm sao có thể chống đỡ với đời khi chỉ một mẹ một con tự kỷ, đối diện với nỗi đau mất chồng.

Chị là nhà văn, nhà báo nổi tiếng, đẹp. Vẻ đẹp kiêu hãnh của chị khiến phụ nữ cũng phải mê nhìn. Một lần nói chuyện với chị, ngỏ ý viết bài về gia đình của một phụ nữ thành đạt, giọng chị nhẹ bẫng: “Chị chia tay rồi em ạ”. Tôi vẫn vào facebook chị mỗi ngày, vẫn thấy chị kể chuyện ngắm một đóa hoa, thưởng thức chút tinh dầu buổi sáng, uống một ly trà, cùng con gái ngắm bình minh ngang qua nhà… nên không tránh khỏi ngạc nhiên. Chị nói, cuộc sống có lúc vui lúc buồn mới là cuộc sống. Việc của mình là hướng tới những gì vui vui chứ đừng nghĩ nhiều tới chuyện buồn. Mẹ vui thì con cái mới vui. Mình không có quyền để nỗi buồn của mình đánh mất niềm vui và sự hồn nhiên của con cái. Mình không có quyền chọn những lối rẽ số phận nhưng luôn có quyền chọn thái độ sống tích cực hay tiêu cực cho cuộc sống của mình.

Con chị, nó đang cùng bước với chị qua những quanh co số phận. Mẹ và con đồng hành cùng những đóa hoa, cây cỏ. Chị nói, người thì có thể đổi thay, nhưng những đóa hoa, cây cỏ chẳng bao giờ đổi thay. Cứ hết lòng dành tình yêu cho nó, đến ngày hoa sẽ nở, mỗi sáng mỗi chiều như đợi mình ở đó. Chỉ cần mình về đến nhà, mở cửa ban công ra là lá hoa lại nhún nhảy tràn ngập yêu thương dành cho mình. Và mỗi ngày, chị vẫn hỏi con: Hôm nay con có gì vui không? Và chỉ cần dăm ba câu chuyện vụn của nó ở trường, chỉ cần thấy nụ cười tíu tít của nó, bên những đóa hoa hé mở kia, đó đã là hạnh phúc.

Cũng có khi mỏi mệt, bạn ước mình có đôi cánh. Ước mình có phép màu kiểu như nhắm mắt tỉnh dậy mọi rối bời, đau đớn của cuộc sống không còn đó. Nhưng thật ra chỉ cần đơn giản lắng nghe những tiếng thở dài rất khẽ trong cuộc đời này đã đủ để thấy rằng chẳng có nỗi đau, nỗi lo nào là tận cùng cả. Hoặc đơn giản hơn nữa, nhận ra niềm vui từ những điều rất nhỏ như đón nhận tình yêu thủy chung của một bông hoa chiếc lá. Chỉ đơn giản là đối diện, lắng nghe và bước tới. Bạn đã làm thử chưa?

Khôi Nguyên Thảo
 

;
;
.
.
.
.
.