Trái ngược với hình ảnh ngày tựu trường hân hoan ở nhiều nơi, ngày tựu trường ở Muhammadiyah - ngôi trường nghèo nhất hòn đảo Belitong (Indonesia) diễn ra trong tâm trạng âu lo, thấp thỏm. Con đường đến trường của 10 đứa trẻ con những người culi như một cuộc chiến. Trong cuộc chiến đó, chúng đã trở thành những “chiến binh” biến niềm khát khao học chữ thành hiện thực trong cuốn “Chiến binh cầu vồng”, cuốn sách có tầm ảnh hưởng sâu rộng nhất Indonesia.
“Chỉ có chín em thôi, thưa thầy”, giọng cô Mus lặp đi lặp lại trong suốt buổi tựu trường đầu năm học mới. Nỗi âu lo hiện lên trong ánh mắt của 9 đứa học trò nghèo khiến tim người đọc thắt lại, nghẹt thở. Nỗi âu lo ấy chỉ được giải tỏa khi bước chân xiêu vẹo của Harun - một đứa trẻ thiểu năng tiến vào cổng trường vào lúc đứng ngọ. “Đủ mười rồi đấy”, thầy hiệu trưởng nhún vai như trút xuống gánh nặng: “Không đủ 10 học sinh thì đóng cửa trường!”.
Belitong là một hòn đảo nhỏ giàu có nhất Indonesia: có những tỷ phú mỏ thiếc, có ngôi trường dành cho con em của điền trang đầy đủ cơ sở vật chất. Đối lập với sự giàu có ấy là những thân phận culi cực nhọc, là ngôi trường Muhammadiyah tuổi thọ 120 năm, mục nát do không được sửa chữa trong thời gian dài. Điều duy nhất có thể so sánh giữa Muhammadiyah và ngôi trường của điền trang là khát vọng học chữ và sự hy sinh thầm lặng của thầy Harfan, cô Mus.
Đủ quân số nhưng thầy trò trường Muhammadiyah lại tiếp tục đối mặt với những khó khăn khác do thanh tra Samadikun luôn “vạch lá tìm sâu”, tìm mọi lý do để đóng cửa trường. Mà lý do dễ bị “soi” nhất là ngôi trường xập xệ chực sập, tủ trưng bày thành tích trống trơn, bục giảng không có quả địa cầu, không cờ và quốc huy của đất nước theo quy định… Một năm học của thầy Harfan, cô Mus và 10 đứa học trò quả thực là một cuộc chiến. Họ trở thành những chiến binh trong cuộc chạy đua miệt mài để được học, được đến trường.
Ngày đầu tiên của năm học mới đầy ấn tượng. Khi cô Mus phát mẫu tờ đơn để cha mẹ kê tờ khai cho con em mình, đến lượt cha Lintang nhận đơn, ông lúng túng vì không biết chữ. Lintang rắn rỏi: “Con sẽ điền vào mẫu tờ đơn này sau, thưa cô. Chừng nào con biết đọc, biết viết”. Đúng một tuần sau, Lintang thực hiện lời hứa trước sự ngạc nhiên của cô giáo và bạn bè.
Tim người đọc lại một lần nữa thắt lại trước hình ảnh cậu bé Lintang gầy nhom gầy nhách, mỗi ngày, cậu dậy từ tờ mờ sáng, gồng mình trên chiếc xe đạp cọc cạch vượt chặng đường 40 cây số, băng qua 4 khu rừng đầm lầy và cá sấu để đến trường. Lintang chưa hề nghỉ học dù một buổi. Xe đạp hỏng, Lintang cuốc bộ đến trường. Hôm khác, gặp chú cá sấu nằm chắn đường, cậu vẫn kiên nhẫn tìm cách vượt qua, khi qua được để đến trường thì đã tan học. Cậu vẫn bình thản trả lời bạn bè: “Vì tớ đã đi được nửa chặng đường đến trường rồi, không có lý do gì tớ bỏ cuộc”. Khẩu khí trong câu nói của Lintang khiến người đọc hiểu được khát vọng của cậu - khát vọng của người con sinh ra trong gia đình 4 đời liên tiếp không ai được đến trường.
Câu chuyện được đẩy lên cao trào bởi những khó khăn nối tiếp. Chiếc xe đạp của Lintang nhiều lần đứt xích, mỗi lần đứt thì có một mắt xích bị chặt đi… Dần dần sợi xích ngắn quá không thể nối được nữa, mẹ Lintang nén lòng trao cho cậu chiếc nhẫn cưới - vật có giá trị duy nhất của cuộc đời bà để con mua sợi xích mới. Hy vọng được nhen lên!
Mỗi đứa học trò đến ngôi trường của ông Harfan đều mang theo một câu chuyện khác nhau, chung quy là nghèo khó. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực nhưng ngôi trường chưa một ngày vắng học trò. Nỗi lo trường bị đóng cửa được biến thành sức mạnh. Những cuộc thi văn nghệ, kiến thức lần lượt được những “chiến binh” của thầy Harfan và cô Mus chiếm lĩnh trước sự ngạc nhiên lẫn tức giận của giới thượng lưu và nhất là viên thanh tra giáo dục. Giữa lệnh đóng cửa trường để mở công trường khai thác thiếc, thầy trò vẫn bền bỉ trụ lại, dù lớp học mở ngay trên sân trường, dù lớp chỉ còn đôi đứa, dù thầy Harfan bị ốm hay cô Mus vì một lý do nào đó phải ngừng dạy… Sau khó khăn, cô trò lại đi tìm nhau, cùng nhau về trường, kẻ lại những nét phấn trên tấm bảng đen ố màu. Họ học chữ ngay bên cạnh tiếng ầm ào của những chiếc xe múc khai thác thiếc. Ý chí của họ chiến thắng lòng tham của một bộ phận muốn làm giàu.
Thầy Harfan, cô Mus và 10 học trò gợi lên trong người đọc hình ảnh 12 “chiến binh” của ngôi trường Muhammadiyah. Trong những tháng năm ấy, họ đã chiến thắng mọi áp lực khủng khiếp của cuộc sống cơ cực. Truyện được dẫn bắt bởi chính nhân vật Tôi, tên là Ikal, một trong 10 “chiến binh” của trường Muhammadiyah và cũng là câu chuyện có thật về thời thơ ấu của nhà văn Andrea Hirata. Người đọc không thể bỏ sách xuống bởi những cao trào khiến lòng rưng rưng, xót xa cho những mảnh đời cơ cực, khâm phục trước ý chí vượt khó đầy ngoạn mục của cả thầy lẫn trò.
Truyện tuy kết thúc không trọn vẹn, khi những “chiến binh” dù chiến thắng nhiều áp lực cuộc sống nhưng không chiến thắng chính mình trong cuộc chiến áo cơm thường nhật và khát vọng con chữ… Nhưng thông qua câu chuyện, người đọc càng khâm phục hơn trước tấm lòng của thầy hiệu trưởng - người dành cả cuộc đời vì học trò mà không nhận lấy một đồng lương nào, hay cô Mus - một giáo viên từ chối lợi nhuận để soi đường cho trẻ nghèo tới trường. Và nhất là sự dũng cảm vượt khó của 10 đứa trẻ, con của những người culi ở Belitong. Họ là những “chiến binh” viết nên câu chuyện dám sống và dám ước mơ!
Thiên Lam
* Đọc “Chiến binh cầu vồng” của Andrea Hirata, Dạ Thảo dịch. NXB Hội Nhà văn và Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam liên kết xuất bản và phát hành, năm 2019.