.

Ánh lửa trên đồi quyên thảo

.

Đã bao năm chị vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa. Sáng nay cũng vậy, khi lũ chim trên đồi quyên thảo thức giấc, chị lại trở dậy ngồi bên bếp lửa. Rồi khi ấm nước sôi kiệt đến tận đáy, chị mới giật mình nhớ ra bữa sáng của con bé chưa được chuẩn bị.

Chị vo gạo rồi đặt chiếc nồi con trên ngọn lửa rực rỡ. Đúng lúc ấy tiếng còi xe vang lên. Đây là chuyến xe đầu tiên trong ngày chạy qua xã chị. Chị không hiểu sao chiếc xe ấy cứ đến gần nhà chị lại bấm còi inh ỏi. Cả miền đồi rừng bị đánh thức bởi tiếng còi xe. Những âm thanh dập dồn thúc vào sâu thẳm lòng chị. Mưng mưng vết thương cũ…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Bao năm chị đinh ninh rằng chiếc xe này đã mang chồng chị đi. Chuyến xe đầu tiên trong ngày. Vì nó chạy sớm nên chị đã lỡ ngủ quên không kịp tiễn chồng. Nghĩ đến việc lỡ dở buổi sớm ấy, chị tự trách mình vụng về. Thì cũng tại anh, cái đêm đó anh như một con hổ đói vần qua vần lại chị đến mấy bận. Để rồi làm chị lịm đi trong cơn tã tượi dịu ngọt đàn bà. Hình như đã hai tháng họ không gần gũi nhau. Thì gần sao được khi ba hồn chín vía chị trôi lạc theo sông theo bể. Còn anh thì phát điên phát rồ trong những cơn say triền miên râu tóc xồm xù, nước mắt chan chát uất hận. Đó là những ngày khủng khiếp nhất của vợ chồng chị.

Bao nhiêu vốn liếng dành dụm, rồi nửa tỷ đồng vay ngân hàng chỉ sau một đêm vợ chồng chị thành trắng tay. Mấy tháng trời, chị không thể nào yên giấc. Những đôi mắt cá thao láo, trắng ởn nêm chặt, nhức buốt trong giấc mơ của chị. Tất cả chỉ tại cái nhà máy chết dẫm gần đầu nguồn con sông. Chính nó đã cướp đi khát khao của vợ chồng chị và gần chục hộ dân trong xã này. Đã có mấy gia đình là chủ nuôi cá lồng biến mất. Chỉ còn lại xác nhà lạnh hoang giữa hun hút gió trung du. Như chưa từng có những con người khát khao làm giàu, yêu đàn cá như đàn con trong những ngôi nhà ấy. Đã có lúc, chị cũng có ý nghĩ hay đành...

Nhưng làm sao chị có thể dứt bỏ quê hương mà đi. Chị yêu những cây quyên thảo, yêu miền đồi rừng này. Và một đời ôm món nợ “chạy làng” còn đáng sợ hơn khoản nợ kia. Chị thêm héo thắt ruột gan khi anh thủ thỉ muốn đi làm ăn xa. Rồi sau đúng hai lần nói với chị, sáng ấy anh lặng thầm ra đi. Có lẽ anh sợ nước mắt của vợ, từ ngày lấy nhau anh chưa từng làm chị khóc. Lúc chị tỉnh dậy chỉ còn ánh mắt anh vẫn âu yếm nhìn chị trong bức ảnh cưới. Tờ giấy anh viết vội được đặt dưới chiếc cốc nhựa xỉn màu: “…Vợ chồng mình không còn cách nào nữa. Mình với con gắng ở nhà. Đến Tết tôi về…”.

Gần bốn mươi năm ông ngồi sau vô lăng xuôi Nam ngược Bắc. Những con người ông đã gặp, những cảnh đời ông đã từng ra ơn cũng nhanh vụt trôi qua ông như khung cảnh mọi miền quê thoáng qua trong gương xe. Nhưng với người đàn bà ngồi bên bếp lửa trên đồi quyên thảo, ông luôn day dứt về một điều. Đó là món nợ mà không biết lúc nào ông mới trả được. Thế nên, khi qua miền đồi rừng này, xe chạy đến gần nhà chị, ông nổi một hồi còi dài.

Như một lời xin lỗi. Lại như một lời chúc bình yên cho mẹ con người đàn bà. Và bao giờ cũng vậy, khi âm thanh đầu tiên của hồi còi cất lên, thì người đàn bà vội đứng dậy. Đôi mắt đăm đắm nhìn chiếc xe. Ông cảm nhận bàn tay của chị phải bấu thật chặt vào khuôn cửa, nếu không chị sẽ không thể đứng vững. Ngọn lửa phía sau bùng lên rực rỡ, tạc vào đôi mắt còn tinh tường của ông một bức tượng vọng phu đẹp đến thắt lòng…

Mẹ chị bảo: “Căn bếp là nơi trú ngụ linh hồn của người đàn bà. Đàn bà phải nhóm lửa, giữ ấm, chăm sóc cho những người thân yêu và cả vật nuôi trong nhà. Thế nên đàn bà đừng bao giờ làm cho căn bếp của gia đình mình nguội lạnh…”. Mẹ chị đi xa lâu rồi, nhưng những lời răn dạy của bà luôn là ngọn lửa âm ỉ ấm sáng nơi con tim cô đơn của chị. Người làng từng bảo chị: “Rõ dở hơi! Ai lại nuôi ong trên đồi quyên thảo”. Loài cây bụi này lạ lắm, bốn mùa mướt mát xanh thơm, căng tràn như đang ở giữa tiết xuân, nhưng chưa một ai nhìn thấy hoa quyên thảo. Nghe nói có thể trăm năm, ngàn năm… khi gặp nhân duyên quyên thảo mới bừng nở.

Bầy ong thương chị. Chúng chịu xây tổ trong những chiếc hộp gỗ trên đồi quyên thảo, rồi hằng ngày rù rì bay đến những quả đồi thật xa lấy mật. Nhờ đàn ong chị đã trả xong nợ ngân hàng. Đồ dùng trong nhà được sắm thêm. Nhưng ngôi nhà và gian bếp thì chị vẫn giữ nguyên. Chị sợ sự thay đổi sẽ làm anh không nhận ra. Chủ kinh doanh gas mấy lần đến xin tặng chị bếp gas. Anh ta khuyên chị nên thay đổi thói quen.

Rồi anh ta làm một bài lê thê công kích bếp củi: “Nào bất tiện, tốn thời gian, nào không vệ sinh, nào… phá rừng!...”. Chị không nói, chỉ khẽ cười thầm. Hai mẹ con đun nấu là bao. Hằng ngày lên đồi quyên thảo thăm ong, chị vẫn kiếm được những cành củi khô mang về gian bếp của mình. Vả lại, chị thích được ngắm những lưỡi lửa liếm trên từng thân củi khô gầy. Ngửi mùi củi thơm chị thấy ấm áp và tỉnh táo. Và hơi nóng từ củi lửa còn làm đôi má chị căng lên, ửng đỏ. Chị biết mình vẫn còn đẹp. Để đợi chờ…

Những loài chim trong rừng bị săn bắt vì bộ lông, tiếng hót. Còn chị bị bủa vây bởi nhan sắc của người đàn bà đang ở độ đằm đượm, mặn mà. Chị xù lông hoặc âm thầm lảng tránh… Nhiều kẻ tức giận bảo chị điên, mãi ôm một cái bóng hão huyền. Rồi có tin chồng chị vượt biên. Rồi lại lời đồn anh đã bỏ theo người đàn bà khác… Chị để ngoài tai tất cả. Có một ngọn lửa chưa bao giờ tắt trong trái tim chị. Chị dồn tình yêu thương cho đứa con gái nhỏ. Lấy mệt nhọc, vất vả của nghề nuôi ong để dìm xuống những cơn sóng đàn bà.

… Chiếc xe sơn đỏ sậm ấy chồm lên đồi quyên thảo. Những cành lá non mởn bị nghiền nát. Qua ô cửa kính chị thấy anh râu tóc bờm xờm, hướng đôi mắt vô hồn nhìn chị. Khói thuốc lá càng làm gương mặt anh nhạt nhòa, hư ảo. Chiếc xe vun vút lao đi. Anh cũng vùn vụt qua chị. Chị chạy, đôi bàn chân tưa tớp, hét gọi anh. Nhưng chiếc xe chỉ còn là một chấm nhỏ nhức nhối đang xa dần. Nước mắt chị không ngừng tuôn xối.

Chị đứt giấc vì thấy má mình lạnh. Thì ra chị đã mơ và chị đã khóc. Chị không còn hoảng sợ như lần đầu tiên giấc mơ này đến với chị nữa. Chị đã quen với nó. Nhưng lần nào cũng vậy trong mơ chị đều khóc. Và những giọt nước mắt ấy là thật. Nó làm chị không ngủ được nữa. Chị ra khỏi giường, nhóm lửa và chờ chuyến xe ấy đi qua…

Chị ngồi một lúc thì chiếc xe đến. Tiếng còi cất lên nhưng chị thấy xa lạ bởi chuỗi âm thanh nhát gừng đứt đoạn. Rõ ràng dù trong hơi sương chị vẫn nhận ra chiếc xe. Và rồi dường như còn nghi ngờ đôi mắt mình, chị chạy ra ngõ, trông theo nó. Thật là chị không nhầm, cái biển số ấy đã in hằn trong những giấc mơ của chị…

Cơn tai biến làm ông liệt cả hai chân. Ông không ngờ mình phải chia tay chiếc xe và những cung đường trong cảnh huống bất đắc dĩ như vậy. Đã hai tháng ngồi trên xe lăn ông thấy buồn bực, bí bách hơn cả ngồi tù. Cũng may vợ ông là người đàn bà tâm lý, giỏi chiều chồng, chịu đựng hết mọi cáu bẳn vô cớ từ ông. Và con trai ông đổi nghề, tiếp quản chiếc xe của gia đình, đã luôn thuật lại cho bố nghe những gì cậu thấy ấn tượng trên cả cung đường. Đấy là cách làm vơi đi nỗi nhớ nghề của bố, cậu nghĩ vậy. Nhưng có một việc làm cậu không khỏi băn khoăn đấy là việc bố dặn phải nổi một hồi còi dài khi đến làng ấy, lúc đúng ngang qua ngôi nhà ấy, mà rõ ràng chỗ đó là một đoạn đường rất thẳng.

Từ chuyến xe thứ ba, cậu mới nhận ra người đàn bà luôn đứng sau bậu cửa bếp. Có lẽ nào, người đàn bà ấy là?… Cậu không dám nghĩ tiếp. Bố cậu là một người chồng, một người cha khả kính, luôn hết lòng vì mẹ con cậu. “Không có gì cả, như việc con chào, chúc bình yên khi gặp một người không quen biết thôi…”. Mấy lần bố cậu kết thúc câu chuyện tiếng còi xe và ngôi nhà trên đồi quyên thảo như vậy. Cậu biết không thể tìm thêm được gì từ bố.

Cậu âm thầm điều tra về người đàn bà. Và chỉ có một sự thật là bố cậu dừng xe chỗ ngôi nhà ấy duy nhất một lần cách nay đã gần bảy năm. Còn người đàn bà kia chưa một lần bước lên xe hay tiếp xúc với bố cậu. Việc nổi còi xe khi ngang qua ngôi nhà ấy vẫn là một câu hỏi mà không có câu trả lời thì lòng cậu không yên.

Đêm ấy, khi trở về nhà, cậu quyết bước vào cái bí mật của bố. “Hình như gia đình ấy đã chuyển đi đâu. Gần tháng nay con không thấy căn bếp nhà họ đỏ lửa. Và con đã không nổi còi”. Cậu tỉnh bơ dò xét phản ứng của bố và tự cười thầm mình diễn cũng khá sâu. Cậu không ngờ, bố cậu lại tỏ vẻ hoảng hốt đến vậy: “Sao, con nói sao? Không thể như thế được. Bố không tin là họ đã bỏ đi!”. Cậu quả quyết: “Con không thấy có người và bếp lửa thật mà. Có thể họ đã chuyển đến nhà mới hoặc đi làm ăn xa…”.  “Hàng ngàn chuyến xe bố chạy qua, cái bếp lửa nhà họ là vầng mặt trời trên quả đồi lạnh lẽo ấy. Nhìn vào nó, bố thấy một luồng năng lượng, một niềm tin. Và bố tin chưa đến lúc mẹ con họ chuyển đi nơi khác!” - Bố cậu có một chút băn khoăn, nhưng rồi niềm tin rực sáng tựa đốm lửa nhỏ nhoi trong mắt ông đã xua điều ấy đi ngay.

Nói rồi ông đẩy xe lăn về phía chiếc tủ cá nhân. Một lá thư đã ố vàng được lấy ra. Câu chuyện gần mười năm trước như một thước phim diễn ra ngay trước mắt cậu: Một sớm mùa đông, người đàn ông trẻ có bộ râu bờm xờm khác hẳn với gương mặt hiền lành bước lên xe… Tên móc túi bị mấy người đàn ông trên xe đánh đến chết… bảy năm là mức án cao nhất. Rồi lá thư...

Cậu đã hiểu vì sao ngôi nhà, ánh lửa và người đàn bà ấy bước vào cuộc đời bố cậu - chủ nhân của chuyến xe định mệnh ấy. Thật vô tình mà nó cũng là duyên nợ. Và bây giờ cậu nghĩ mình phải có trách nhiệm làm nốt phần việc của bố…

Quá nửa đêm chị vẫn không tài nào chợp mắt được. Chị lần sờ gói ghém những thứ cần dùng cho con bé và ngồi ngắm con. Con bé đẹp như một bông quyên thảo trong tưởng tượng của chị. Mấy tháng nay, con lên thị trấn trọ học. Nó đang dần xa vòng tay chị. Nhiều đêm chị thương con, rồi lại nhớ những phút giây xưa cũ được ở bên chồng đến thắt lòng. Mỗi lần nhìn ngắm con chị thảng thốt bởi bước chân của thời gian. Nghĩ đến chồng lòng chị buốt xót tháng năm sao dằng dặc. Có lúc chị ngỡ mình như ngọn lửa đã cháy đến kiệt cùng, chỉ còn một tàn tro. Ấy vậy mà tàn tro kia vẫn ủ một nhúm than hồng. Và nó lại âm ỉ cháy cho chị vững vàng bước đi.

Mệt mỏi. Chị thiếp đi trong mộng mị. Và vội choàng tỉnh khi tiếng còi xe nổi lên. Tiếng còi vang đều, rộn rã như một bản nhạc. Chị mở cửa, thấy một chiếc xe màu xanh dịu dàng đang trôi trong sương ấm tháng Chạp. Nhưng vẫn là nó, chiếc xe mang biển số mà nhắm mắt chị vẫn đọc được. Chị nhóm lửa nấu cơm. Chị nhìn đăm đăm vào ngọn lửa đang vươn lên tỏa sáng từ những thân củi mục. Một đôi tay mềm ấm choàng ôm chị từ phía sau. Chị biết con chị đã lớn thật rồi.

Sau khi đọc tờ đơn trong lá thư bố đưa cho, cậu quyết định sơn lại màu chiếc xe. Cậu nghỉ một chuyến xe để đến trại giam. Như thời gian bố nói là bảy năm rồi, đến lúc người đàn ông kia chấp hành xong án phạt. Rồi lúc ra khỏi cổng trại, cậu nghĩ lá thư ấy không cần phải chuyển đến người nhận nó nữa. Cậu quẹt diêm, phút chốc lá thư biến thành ngọn lửa xanh êm dịu.

Trong lúc ấy, người đàn bà tự trả lời cho câu hỏi về màu chiếc xe. Ừ, nó như người ta sẽ mặc áo mới khi mùa xuân trở về thôi. Ngày mai chị sẽ sắm cho mình một chiếc áo thật đẹp, bao năm từ ngày chồng rời nhà ra đi chị chưa một lần mặc áo mới vào dịp Tết. Chị bỗng thấy lòng xốn xang như cánh đồng lúa xuân đương thì con gái. Và chớp mắt, trong phút giây diệu kỳ chị thấy cả đồi quyên thảo bừng nở, thơm ngát dưới nắng xuân.

Nguyễn Phú

 

;
;
.
.
.
.
.