.

Xóm trọ không đơn côi

.

Thấy tôi cùng đứa bạn lúi húi đẩy chiếc xe nặng trịch len qua dãy hành lang nhỏ xíu, lốp xe bị dính đinh, xẹp lép cứ ghì xuống, chú lật đật quơ vội chiếc bơm tay cũ kỹ chạy ra bơm xe giúp. Lốp xe được bơm căng, bóng chú vừa khuất sau cánh cửa, đứa bạn tôi buông một câu ngắn đủ hai đứa nghe: “Chú nớ tốt hè”. Xóm trọ tôi có 5 phòng, mỗi người một việc, một quê, thậm chí không biết tên nhau nhưng luôn đầy ắp nghĩa tình như thế.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Xóm trọ với lối hành lang bé xíu vừa đủ một người dắt theo một chiếc xe máy. Trên con đường bé xíu dài gần ba chục mét đó nếu thấy một người đi ra thì người kia tự nguyện đứng lại nhường đường. Ngày dãy trọ vừa được xây lên 7 năm về trước, tôi là “cư dân” đầu tiên đến thuê trọ khi mùi sơn vữa còn chưa thoát hết qua vuông cửa sổ rộng chưa tới 2 mét vuông. Căn phòng cuối luôn ẩn chứa nhiều điều thú vị, vừa đủ rộng, vừa yên tĩnh lại vừa đủ tầm bao quát để quan sát những nhộn nhịp ở ngoài kia, phía cuối dãy hành lang dài luôn lóe lên những tia sáng khi mặt trời chiếu xiên từ phía Tây.

7 năm bám trọ, tôi trở thành “cư dân” ở lâu nhất. Nhờ đó tôi cũng chính là người được chứng kiến nhiều buồn vui, đổi thay ở xóm. Trong ngần ấy năm, xóm trọ có nhiều người đến rồi rời đi lặng lẽ. Có khi đó là những cậu sinh viên, khi khác là người lao động xa quê. Có người lặng lẽ, người khác thi thoảng lại ồn ào. Mỗi người một công việc, một quê xứ và thường là không biết tên nhau, xã giao thường tình nhất là những câu hỏi chào khi chạm mặt trên lối đi nhỏ hẹp.

Chúng tôi chưa bao giờ có những ngày cuối năm rộn rã trong bữa tiệc “cúng xóm” hay cuộc gặp gỡ đầu năm mới tươi vui. Nghe qua có vẻ tẻ nhạt nhưng thật ra chúng tôi có những cách khác nhau để thấy được sự rộn ràng. Ấy là niềm vui sau mỗi ngày tất bật với công việc trở về, thấy ánh đèn điện đồng loạt bật sáng ở mỗi căn phòng khép cửa, là tiếng nhạc nhè nhẹ phát ra từ chiếc điện thoại hay đơn giản chỉ là tiếng đằng hắng báo hiệu phòng có người. Hay lúc khác, vào những trưa làm việc muộn, chúng tôi thường gửi nhờ nhau mua về hộp cơm bán dọc đường.

Hẳn nhiên, xóm trọ cũng có những phiền toái nhất định. Đó là những hôm gần như đuối sức bởi công việc, trở về phòng nằm nhoài ra giường, muốn đánh một giấc thật sâu để tái tạo năng lượng nhưng không tài nào chợp mắt được bởi những ồn ã từ các phòng kế cận. Bức tường phòng trọ được chủ nhà xây mỏng bằng một nửa tường thông thường để tiết kiệm tối đa chi phí, những lúc ấy sự phiền toái tăng lên gấp đôi.

Năm trước, xóm trọ tôi có nhiều sự thay đổi nhất. Phòng cạnh bên khi hai cậu sinh viên tốt nghiệp rời đi, đôi vợ chồng trẻ cùng đứa bé tầm 2 tuổi đến thế chỗ. Sự hiện diện của họ là những hôm tôi để cửa khép hờ, mê mải gõ phím, bất chợt nhìn lên suýt thót tim khi thấy một đứa bé trần truồng đứng giữa nhà. Phòng giữa là hai cha con quê ở Đại Lộc (Quảng Nam) cũng vừa đến thuê trọ để làm bảo vệ đêm cho một công ty. Chú vắng nhà thường xuyên bởi ban đêm chú đi làm, ban ngày tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Tôi không biết gì nhiều về chú ngoài cái tên ngắn gọn: chú An!

Chú đến như mang theo một hơi ấm khác cho xóm trọ. Từ ngày có sự xuất hiện của cha con chú, xóm rộn ràng hơn hẳn. Sau mỗi ngày làm việc, chú hay đi một lượt hỏi han từ đầu đến cuối dãy. Giữa mùa hè cạn nước, chú lật đật đi xin từng bình nước về chia đều cho cả dãy để ai cũng có chút nước dùng trong ngày khan hiếm. Chú luôn khước từ khi ai đó có nhã ý trả tiền công: “Nước ni chú xin được, không phải mua”.

Với tôi, chú luôn xuất hiện đúng lúc, không ồn ào nhưng gần gụi tình thân. Nhiều hôm đứng trưa, đi làm về vừa kịp dựng chân chống xe, chú đã đứng ngay sau lưng, chìa ra tô mì Quảng thơm lựng nói: “Chú nấu luôn bữa trưa cho con đây!”. Hôm khác cuối tuần, chú mang sang miếng thịt ba rọi: “Heo ở quê chú mới đem ra đây”. Tiếng “quê” chú cất lên nghe như người thân lâu ngày về thăm. Đơn giản thế mà những bữa cơm muộn của tôi không có cảm giác trống trải, dù vẫn một mình. Lâu lâu tôi vắng trọ vì những đận ốm dài ngày, chú lại điện thoại hoặc nhắn tin hỏi thăm. Cỡ chừng ấy, tự nhiên lại nhớ xóm trọ như nhớ nhà mình.

Tôi biết, mỗi người lên phố ở trọ đều mang một giấc mơ riêng. Có người mơ ngày trở về quê để vui vầy bên tổ ấm. Người khác lại âm thầm nuôi khát vọng về một ngôi nhà nhỏ, mảnh vườn xinh… Họ cùng bám phố, miệt mài làm việc để theo đuổi giấc mơ nào đó về cuộc sống an lành phía trước. Trong số ấy, nhiều giấc mơ thành hiện thực và cũng có vài giấc mơ chỉ là mơ. Dẫu là gì thì với họ, những tháng năm ở trọ đều là khoảng thanh xuân đáng sống. Xóm trọ của những phận người xa quê, bám phố ở trọ đôi khi không đơn côi như người ta thường nghĩ!

Thiên Lam

;
;
.
.
.
.
.