1. Bạn tôi kể, con trai của bạn thường xuyên phàn nàn mọi vấn đề trong cuộc sống và hay so sánh với bạn bè cùng lớp. Con cho rằng, bản thân thua kém vì điều kiện kinh tế không bằng. Điều này khiến bạn vô cùng buồn bởi nỗ lực chăm sóc con đủ đầy không được ghi nhận cũng như lo lắng về tư duy tiêu cực của con.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Sau nhiều ngày đau đầu suy nghĩ, bạn rủ con ra biển chụp ảnh và để con tự do chụp mọi điều mình thích. Cảm nhận con thoải mái và vui vẻ, bạn nhẹ nhàng đề nghị con chụp một khung hình với nhiều góc độ, từ cao xuống thấp. Làm theo lời mẹ, cậu bé phấn khích nhận ra, cùng cảnh vật nhưng mỗi góc máy lại mang đến cảm giác khác nhau. Bạn hỏi con thích tấm nào nhất, cậu bé không ngần ngại chọn tấm ảnh được chụp từ điểm nhìn sát mặt đất. Từ chuyện chụp ảnh, bạn từ từ dẫn dắt con suy nghĩ về cách nhìn nhận vấn đề ở nhiều khía cạnh.
Thấy con trầm tư, bạn tiếp tục kể chuyện hai con hổ, một con ở sở thú và một con ở trong rừng. Cả hai đều ngưỡng mộ đối phương có hoàn cảnh sống tốt hơn mình và quyết định hoán đổi thân phận. Vui vẻ không bao lâu, hai con hổ qua đời. Chú hổ ở trong rừng ban đầu thích thú vì không cần kiếm ăn vẫn có thể no bụng đã ra đi vì không chịu được cảnh buồn chán. Chú hổ ở sở thú ban đầu hào hứng khám phá tự nhiên rộng lớn đã ra đi vì không biết cách kiếm ăn. Hai mẹ con cùng chia sẻ về hạnh phúc của bản thân và hạnh phúc của người khác. Bạn bảo, bây giờ, con đã có sự thay đổi đáng ngạc nhiên. Cậu bé trân trọng những thứ mình có, biết chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn và thường gửi lời cảm ơn ba mẹ, từ những món ăn mẹ nấu đến món quà ba tặng…
2. Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng có thái độ và suy nghĩ như cậu bé trên - hay so sánh bản thân với người khác. Từ so sánh đơn thuần, chúng ta rất dễ rơi vào ma trận so đo và ghen tị, đôi khi quanh quẩn ở vùng trũng tiêu cực mà không thể thoát ra. Nhất là khi mạng xã hội phát triển, thông tin cá nhân được mỗi người chia sẻ rộng rãi hơn, sự so sánh này càng có cơ hội tăng lên, nghĩa là số lượng người cảm thấy bản thân thua kém càng có nguy cơ cao hơn.
Tôi từng nghe ai đó nói rằng “So sánh là một cuộc chiến bại”. Một khi bạn đã có sự so sánh, bạn sẽ luôn là người thua cuộc. Tiếc thay, không phải ai cũng đủ ý chí mạnh mẽ để làm chủ cảm xúc vốn phức tạp của con người. Người lớn đã khó, trẻ con càng khó. Buồn hơn, có không ít người lớn chính là người “gieo mầm” ý niệm tiêu cực khi so sánh con mình với những đứa trẻ cùng lứa. Câu chuyện so sánh ở đây đã biến chuyển thành hình dạng nặng nề hơn. Những đứa trẻ từ áp lực ban đầu dẫn đến thái độ bất mãn với cha mẹ hoặc tự ti, xấu hổ với người khác. Điều này vô hình trung kìm hãm khả năng phát triển của trẻ, thậm chí giam hãm cả một cuộc đời bên trong sự giày vò.
3. Bạn tôi - cũng là “nạn nhân” bất đắc dĩ của sự so sánh - tâm sự, việc ba mẹ thường xuyên so sánh bạn với em trai khiến hai anh em dần hình thành khoảng cách. Bởi vì lúc ấy còn nhỏ, em trai bạn cho rằng mình không được yêu thương như anh nên tỏ thái độ khó chịu và bài xích bạn. Mặc dù bạn nỗ lực tìm nhiều cách hàn gắn tình cảm anh em nhưng mối quan hệ chỉ cải thiện phần nào. Có thể thấy, mục đích tốt của cha mẹ là thúc đẩy con trẻ vượt qua giới hạn của bản thân nhưng vô tình mang đến hệ lụy không nhỏ. Nguy hiểm hơn, từ tư thế so sánh bị động ban đầu, trẻ sẽ chuyển dần sang tư thế so sánh chủ động - luôn tự so sánh mình với người khác.
Việc dành quá nhiều thời gian để tìm sự thừa nhận về giá trị của bản thân khiến chúng ta quên tận hưởng cuộc sống. Đừng mãi loay hoay bận tâm về người khác, hãy tin rằng bạn có những giá trị tốt đẹp riêng. Chúng ta nên xây dựng niềm tin vào bản thân mình và học cách biết đủ. Vẫn biết đó là một quá trình dài và khó nhọc, đòi hỏi sự kiên trì nhưng không phải không thể.
Ngước lên cao là để biết mình cần cố gắng chứ không phải so đo rồi tự ti hay ganh ghét. Và nhìn xuống thấp là để vui với những điều đang có chứ không phải tự mãn về bản thân…
KHA MIÊN