.

Xóm mồ côi

.

1. Cứ mỗi buổi chiều, khi bầu trời phía tây ửng lên những đám mây hồng từng mảng lớn trôi lững lờ, khi dãy tre làng bắt đầu sẫm đen lại, người ta lại thấy chị Len hối hả rảo bước đi về phía xóm mồ côi.
Gọi cái xóm chài nằm tách biệt, gần bờ biển, chỉ rải rác chưa đầy năm chục nóc nhà, quanh năm hứng chịu hết đợt bão cát này đến mùa giông nọ bằng cái tên thua thiệt, chất chứa phận người như thế, là bởi... Người ta hay kể rành mạch về biến cố năm ấy, trận bão ấy, về những chiếc thuyền bị sóng đánh tan nát và những người đàn ông của xóm chài không thấy về nữa. Để rồi, hằng năm cứ đến ngày ấy tháng ấy cả xóm chỉ toàn đàn bà, con nít và ông bà già làm giỗ chung...

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

2. Năm nay thời tiết khắc nghiệt, biển động liên miên. Những chiếc thuyền đánh cá không dám ra khơi, neo sát nhau dập dềnh trên sóng. Chị Len cắp chiếc thúng bên hông ra biển. Bến cá lèo tèo vài người đứng túm tụm trò chuyện, đợi thuyền về. Những chiếc thuyền đi chuyến trước, gặp bão, tấp vào đảo ẩn nấp, nay đang lần lượt về. Chị Len mỗi sáng sớm, khi mặt trời vừa lên bằng ngọn sào, lại ra bến, mong mua được cá hay mực đem lên chợ xã bán kiếm tiền xoay xở cuộc sống còn nhiều khó khăn.

Một chiếc thuyền cập bến. Những người đàn bà ngồi bật dậy, nhanh chân chạy ra mép nước. Trên thuyền là mấy chàng trai thân hình rám nắng, khuôn ngực vạm vỡ đang toe toét cười. Họ về từ khơi xa, vượt qua những đợt sóng dữ. Họ chính là những đứa con của biển, suốt đời gắn liền với biển dù biết nghề này nhiều bất trắc, lắm hiểm nguy. Biến cố năm xưa xảy ra với xóm chài làm ông, cha họ không trở về khi họ còn nhỏ, chưa ý thức được nỗi đau quá lớn. Họ lớn lên mạnh mẽ như cây xương rồng mọc đầy trên trảng cát. Mặc nắng táp gió giật vẫn kiên cường vươn lên, sắc hoa vẫn đằm dịu và hướng đến mặt trời.

Chị Len mua được một thúng đầy cá. Bạn thuyền là bạn của thằng Nhân, con trai chị. Khi thấy chị chen lấn để giành mua được cá, họ đã vội vàng bưng đến cho chị một thúng. Chị rối rít cảm ơn. Nhìn dáng người chị nhỏ thó, khệ nệ thúng cá băng qua trảng cát cho kịp buổi chợ, ai cũng lắc đầu, ái ngại.

3. Bão cát. Suốt đêm gió rít, cát ràn rạt mái tôn. Chị Len khó ngủ, hé cửa sổ nhìn ra ngoài. Trăng khuya nhợt nhạt, loang loáng trảng cát. Tiếng cú kêu. Tiếng chó hoang tru từng hồi thê thiết. Chị rụt cổ, cài chặt cửa, nằm xuống, kéo chăn trùm kín đầu. Nỗi cô đơn lại vây lấy. Nhất là khi thằng Nhân không còn đi biển. Nó suýt đứt gân chân khi lặn xuống tháo dây neo vướng chân vịt. Nó nghỉ ở nhà một thời gian dưỡng thương rồi lên tỉnh xin làm công nhân nhà máy điện, đúng chuyên ngành đã học. Thỉnh thoảng, cuối tuần mới tạt về thăm má. Còn người đàn ông thợ mộc thì di chuyển đến vùng biển khác. Bởi xóm chài, sau nhiều mùa đánh bắt không hiệu quả, nhiều người bỏ nghề, lên bờ kiếm việc khác. Người đàn ông ra đi, có hứa hẹn, nhưng với chị Len, những ngày ít ỏi được sống với người đàn ông biết yêu thương, sẻ chia cũng đủ hạnh phúc rồi.

Bão càng về sáng càng mạnh lên. Biển nổi sóng bạc đầu, nghiền nát bãi cát, hàng dương chắn cát nghiêng ngã, đổ ào xuống biển. Có tiếng kẻng báo động. Chị Len luýnh quýnh bật dậy, mở cửa. Tiếng người la hét. Tiếng loa phóng thanh trên cây bạch đàn cuối xóm vang lên. Biển ầm ào, cuồng nộ. Hừng đông là một màn mây xám xịt...

Tầm trưa, bão tan, biển dịu dàng nhưng trảng cát bị khoét lõm, mấy bụi xương rồng và cây gai thân thấp bị nước cuốn phăng, lềnh bềnh trên mặt biển.

Phải di dời xóm chài vào phía trong trảng cát. Đấy là chủ trương cấp bách được đưa ra. Chị Len nín lặng nhìn bàn thờ chồng nghi ngút khói. Chị phải xa nơi này. Nơi chị đã gắn bó hơn nửa cuộc đời. Chị không phải là dân vùng biển. Quê chị tuốt miền Nam. Chị gặp chồng, chàng trai miền biển, quanh năm làm bạn với sóng gió, khi anh tấp vào bờ trong một chuyến đi biển dài ngày, để bán mực cho các đại lý thu mua hải sản. Nhà chị cũng gần biển, nhưng gia đình lại buôn bán ngư cụ và những nhu yếu phẩm cần thiết cho việc đi biển.

Họ đã phải lòng nhau sau mấy chuyến thuyền vào bến. Chị mến anh bởi cái nết thiệt thà, nói năng nhỏ nhẹ. Cha mẹ chị sợ con gái phải chịu khổ khi lấy chồng xa nên cố tình ngăn cản. Nhưng chị nhất quyết theo anh về xứ biển làm vợ, làm dâu. Cuộc sống ban đầu đầy lo toan, nhất là vào mùa biển động, thuyền nằm bến, chồng chị và những trai tráng trong xóm chài bù khú bên bàn rượu hay sát phạt lẫn nhau. Rồi sự khó khăn càng ập tới khiến chị nhiều lúc muốn buông xuôi trở về với cha mẹ đẻ, ấy là lúc chị sinh thằng Nhân. Có hôm, nhìn mâm cơm sơ sài, không thể thiếu thốn hơn được nữa, chị ứa nước mắt. Chồng chị cũng não lòng lắm, nhưng đâu biết xoay xở như thế nào.

Một người đàn ông sinh ra từ biển, cuống nhau dấp dính cát và nước biển. Suốt quãng đời tuổi thơ chưa khi nào bước qua trảng cát. Lớn lên chút nữa theo ông, theo cha lênh đênh trên biển. Cuộc sống phụ thuộc vào biển cả. Thế nên, khi biển giận, nổi giông thì chỉ biết nhìn trời mà than, nhìn biển mà cầu khẩn.

Chị không thể rời biển, xa chồng bởi thuyền theo lái gái theo chồng. Trở về với cha mẹ đẻ là mang tội bỏ chồng, mà thuyết phục anh đi cùng chị thì khó hơn tìm được đường lên cung trăng. Chị ví von như vậy khi biết chồng sống chết với biển. Nhìn bàn chân to bè, nổi u sần, nhìn vuông ngực rám nắng, nhìn đôi cánh tay vạm vỡ. Cả thân hình chồng toát lên vị mặn mòi của sóng gió, chị đã hoàn toàn bị thuyết phục, không thể bứng chồng mình ra khỏi xóm chài dù là nửa bước.

4. Thằng Nhân xin phép cơ quan nghỉ vài hôm để về giỗ ba. Chị Len và con trai ra dinh Ông thắp hương rồi lòng vòng xóm. Những ngôi nhà mái thấp, cũ kỹ, buồn thiu như gã say mệt mỏi nằm im lìm giữa trưa tròn bóng. Hai mẹ con luồn qua những con đường cát vào sâu trong xóm. Cảm giác nỗi đau lớn mà cả làng gánh chịu cách nay gần ba mươi năm vẫn còn tồn tại khi nhìn những cái dinh thờ trước nhà, mỗi ngày rằm hay mùng một đều đỏ khói nhang. Nhắc lại chuyện cũ, chị Len không thể nào quên được cái biến cố khủng khiếp ấy. Năm ấy, thằng Nhân mới vài tuổi, chồng chị bảo đi chuyến nữa kiếm tiền mua đồ mới cho con và sắm Tết. Chị đã ngần ngại khuyên chồng đừng đi, nhưng anh cứ nhất quyết. Để rồi, đoàn thuyền gần hai mươi chiếc ra khơi chiều hôm trước thì trưa hôm sau đã nghe tin dữ. Chị khắc sâu vào lòng cái ngày định mệnh đấy. Ngày hai mươi ba tháng mười một năm Tân Mùi.

Tiếng khóc bao trùm xóm chài. Khăn tang trắng đường ra trảng cát. Chị dắt thằng Nhân bước thấp bước cao sau quan tài chồng, nín lặng chứ không khóc được nữa. Nỗi đau vón cục cứ nghẹn tắt nơi cổ họng. Chỉ nước mắt từng đêm cứ tuôn dài đẫm gối. Buồn đau chất ngất, từng chiều những người mẹ mất con, những người vợ mất chồng, những đứa trẻ mất cha thường ra bến cá ngồi ngóng ra biển như thể đợi thuyền về. Nhiều người đàn bà không thể chịu được quá khứ buồn đau luôn ám ảnh mỗi mùa biển động đã bỏ xứ ra đi. Chị Len cũng đôi lần nghĩ đến điều đấy, nhưng thằng Nhân còn nhỏ và mẹ chồng thì nay yếu mai đau.

Đi về cuối xóm, hai mẹ con gặp một nhóm các bà, các cô ngồi vá lưới dưới tán cây bàng mùa trút lá. Những tấm lưới cũ rách rin rít vị mặn, tanh nồng mùi cá. Chị Len dừng lại hỏi thăm đôi câu, thằng Nhân cũng gật đầu lễ phép. Một bà già phe phẩy quạt nan, miệng bỏm bẻm nhai trầu bảo thằng Nhân càng lớn càng giống ba như tạc. Thằng Nhân mỉm cười với bà rồi bước đi.

Chợt chị Len dừng lại nhìn quanh, thằng Nhân cũng nghe ngóng. Tiếng hô bài chòi từ nhà cụ Danh và mấy thế hệ cùng chung sống vang lên. Giữa cái vắng lặng của ban trưa đầy nắng và gió vùng biển, tiếng hô của “anh hiệu” nghe rõ, chắc và cuốn hút làm sao. Cụ Danh nay đã ngoài tám mươi nhưng hãy còn minh mẫn. Cụ là nghệ nhân bài chòi và là người duy nhất ở xóm chài còn giữ gìn loại hình nghệ thuật dân gian này khỏi thất truyền.  

Thằng Nhân kéo tay mẹ đi nhanh về phía nhà cụ Danh. Nó thấy lòng chợt chùng xuống, rưng rưng khi nghe mấy câu mà nó đã thuộc nằm lòng: Giữa đêm vừa sáng hai ba, trời thanh biển lặng lại pha gió nồm. Ngư dân ai nấy đều ham, tàu to thuyền nhỏ lại dòm ra khơi... Thằng Nhân đứng lặng và đúng lúc ấy chị Len giục con về vì muộn quá rồi. Có lẽ chị không muốn con trai nghe mấy câu hát nhắc lại biến cố năm xưa thì phải.

Họ ngược về con đường cũ đầy cát, len lỏi giữa những ngôi nhà nhỏ quen thuộc. Nếu lắng tai vẫn nghe được tiếng hô bài chòi vang vọng, đong đầy cảm xúc giữa mênh mông sóng biển vỗ hoài vào xóm mồ côi!

SƠN TRẦN

;
;
.
.
.
.
.