Con nắng sáng nay bừng lên vội vàng, phủ đầy sân màu vàng nhẹ pha sương. Anh trai lật đật nhấc mấy chiếc ghế vừa phết vec-ni ra chỗ trống. Dưới bếp, mẹ rục rẹc gom lại mớ cà rốt su hào, tranh thủ đặt lên bậc tam cấp hong thêm lần cuối. Lũ trẻ con thay đồ, chộn rộn đòi xuống phố du xuân.
Bình thường nếu chạy xe dọc con đường sát bờ sông, ánh mắt sẽ ít nhiều dính chặt lấy những trảng xanh sát mép nước. Bờ cỏ im lìm mà như tỏa hương, làm lay động và êm dịu hồn người. Thế nhưng, sớm nay phố bỗng rực rỡ khiến mọi ánh nhìn hoàn toàn tập trung vào con đường lớn. Những dàn đèn nhỏ kết thành dải như những tấm lưới khổng lồ, đêm đến sẽ hiệu triệu muôn ngàn vì sao. Những cành mai vàng, đào phai nhân tạo vắt ngang những nhành cây, tạo điểm nhấn cho cả một đoạn đường dài. Rồi những bụi cúc nhỏ, những lẵng cúc “siêu to siêu khổng lồ” phủ lên khắp vỉa hè một màu vàng rực khiến phố thêm phần ấm áp.
Ở quê, trong những ngày tất bật chờ xuân mới, người ta sẽ cảm nhận được gì nhỉ? Là tiết trời rây rây mưa bụi. Làn khói bếp bay lên ngút ngàn như những sợi hương, vì ở gian nhà trên đã bắt đầu đốt trầm, thắp nhang chờ đón ông bà về ăn Tết. Là lũ lượt những chuyến xe mang sản vật từ làng ra đi để đổi lấy nào thịt, nào giò lụa, mứt bánh trở về. Còn ở phố bây giờ, chỉ cần bước chân ra đường là gặp chợ, tiền trong túi cứ thế vơi dần đi. Nơi này người ta kê chiếc bàn con, đặt lên chục cặp phật thủ, bên cạnh điền thêm vài tháp bánh in, bánh thuẫn nhà làm. Ở góc ngã tư, đôi vợ chồng trẻ tất tả soạn sửa giò me, dưa món, cam sành với bảng giá công khai ghi trên tấm bìa cạc-tông màu vàng sậm. Thậm chí, chưa kịp bước chân ra khỏi ngõ là đã ngửi thấy mùi lá chuối xanh. Bà Ba Béo bình thường bán cháo bò, nay tranh thủ gói thêm bánh chưng để bán. Manh chiếu con bà trải tràn cả ra đường, phủ lên trên nào nếp, nào nhân, nào rổ xanh rá đỏ, thêm một ít lạt giang và lá giong, lá chuối xanh mướt. Phố là thế, đất chật người đông, dịp lễ, Tết thì việc buôn bán càng dễ dàng.
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG |
Xe trôi giữa tấp nập. Cô con gái nhỏ chỉ tay về hướng Cung Thiếu nhi. Bình thường nơi này chỉ mở cửa vào ban đêm nhưng dịp Tết thì hoạt động hết công suất. Chen chúc gửi xe, tôi bắt gặp một vài đoàn cô bé cậu bé đi xe đạp, khoảng cấp hai. Chàng nào cũng bảnh, cô nào cũng điệu, nói cười râm ran. Tôi ngày xưa cũng chỉ mong dịp Tết, chờ mẹ đưa đi chợ huyện sắm cho đôi bông tai chứ đâu được giải trí bằng đủ trò chơi tàu nhanh, thuyền lượn như bây giờ. Hòa vào thế giới trẻ thơ để cảm nhận nhiều điều khác biệt: Ồn ào, náo nhiệt và rực rỡ sắc màu. Tôi đứng đó chờ mua vé cho con gái chơi trò vòng quay thần kỳ, tai nghe tiếng động cơ rầm rầm, mắt nhìn muôn hình bóng bay chao liệng, chưa kể mũi còn thoang thoảng mùi ngọt của kem dâu. Thật xứng đáng là nơi đốt tiền của bọn trẻ.
Xế trưa, hai mẹ con bắt đầu ghé chợ hoa. Thành phố giờ này có khoảng gần trăm điểm bán hoa. Hoa bày trên vỉa hè, hoa tập trung ở sân Trung tâm văn hóa, hoa xếp kín khoảng đất ở chân cầu... Chợ hoa tôi chọn nằm trên một bãi bồi ven sông. Hoa ở đây đa dạng. Những loài hoa cúc, hoa mai, hoa lan, hoa đồng tiền… được đặt thành hàng lối ngay ngắn cạnh bờ sông. Khi gió thổi qua, những cành lá khe khẽ rung rinh, đôi khi còn soi mình xuống mặt gương gợn sóng, chợ bỗng chốc trở thành vườn hoa, dịu dàng khoe sắc thắm gọi xuân sang.
Khi những cành hoa tươi theo chân người sắp tràn vào hẻm nhỏ, tôi nhận ra đâu đó còn những góc xuân yên lặng đến bất ngờ. Ở những căn nhà lớn, cửa hàng, tòa khách sạn mặt phố bình thường đông đúc là thế, bây giờ bỗng trở nên vắng lặng. Những khung cửa kính được tô điểm vài đóa hoa mai vàng bằng giấy kèm thêm dòng “Chúc Mừng Năm Mới” đỏ tươi hiện hữu im lìm. Chúng khiến những người con xa quê vì tất bật mưu sinh mà còn trễ hẹn với gia đình, bản xứ càng thêm nao nức, tha thiết…
Chờ thời khắc giao thừa điểm. Phố như bức tranh đa sắc màu, quyện hòa giữa ồn ào và yên tĩnh, giữa lắng đọng và sinh sôi. Đừng trách thời gian hối hả, chỉ cần lòng người còn biết yêu thương và đón nhận, chắc chắn sẽ thấy nét duyên dáng khi phố vào xuân.
DIỆU THÔNG