.
GÓP Ý DỰ THẢO SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP 1992

Khẳng định rõ nguyên tắc chủ quyền nhân dân

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (gọi tắt là Dự thảo) chính thức ghi nhận và hiện thực hóa nguyên tắc “chủ quyền nhân dân” trong Lời nói đầu và xuyên suốt toàn bộ nội dung của bản Dự thảo. “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” được khẳng định ở Điều 2 của Dự thảo là một quy định nền tảng chỉ rõ nguồn gốc, bản chất và mục đích của quyền lực Nhà nước là thống nhất thuộc về nhân dân.

Theo tôi, điều này hoàn toàn đúng đắn và nhất quán với bản chất tốt đẹpcủa Nhà nước Việt Nam XHCN ngay từ ngày đầu thành lập nước cho đến nay. Đồng thời, tại Điều 6, so với các bản Hiến pháp trước đó, Dự thảo quy định rõ ràng và đầy đủ hơn các phương thức thực hiện quyền lực Nhà nước của nhân dân, bao gồm dân chủ đại diện và dân chủ trực tiếp. Theo đó, nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước không chỉ thông qua các cơ quan đại diện (Quốc hội, Hội đồng nhân dân) mà còn thông qua các cơ quan khác của Nhà nước và các hình thức thực hiện quyền lực Nhà nước một cách trực tiếp.

Biểu hiện rõ nét nhất của hình thức dân chủ đại diện ở nước ta là việc tổ chức và hoạt động của Quốc hội - cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước - do cử tri cả nước bầu ra theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Với tư cách là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, Quốc hội được nhân dân ủy quyền thực hiện một phần quyền lực của nhân dân, chứ không phải nhân dân trao hết thảy quyền lực Nhà nước của mình cho Quốc hội. Quốc hội là một loại cơ quan Nhà nước được thành lập để thực hiện một trong ba nhánh của quyền lực Nhà nước - quyền lập pháp (Điều 74 của Dự thảo), và cùng với các cơ quan Nhà nước khác như Chính phủ thực hiện quyền hành pháp (Điều 99 của Dự thảo), Tòa án nhân dân thực hiện quyền tư pháp (Điều 107 của Dự thảo) hợp thành quyền lực Nhà nước. Những nội dung mới này, một lần nữa, khẳng định nguyên tắc chủ quyền nhân dân trong tổ chức quyền lực Nhà nước, trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Tuy nhiên, theo tôi nếu dừng lại ở đây thì chưa thể hiện đúng tinh thần chủ quyền nhân dân, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân. Thứ nhất, nhân dân là chủ thể tối cao của nhiều loại quyền lực, trong đó có quyền lực Nhà nước. Từ khá sớm, nhân loại đã thừa nhận rằng quyền lực nhân dân là cội nguồn của nhiều loại quyền lực. Nhờ đó đã tạo nên tính chính đáng của nhiều sự việc. Với tính chất là “bản khế ước” của nhân dân, Hiến pháp trước hết phải thể hiện một cách rõ nét tư cách chủ thể tối cao của nhân dân trong tổ chức đời sống xã hội, đời sống Nhà nước. Vì thế, việc ghi nhận tại Điều 2 của Dự thảo: “Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân” vô hình trung đã thu hẹp nội hàm của nguyên tắc chủ quyền nhân dân. Thiết nghĩ, bản Dự thảo cần phải khẳng định “Tất cả quyền lực ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam thuộc về nhân dân”, như tinh thần của Hiến pháp năm 1946 (Điều thứ nhất) và Hiến pháp năm 1959 (Điều 4).

Thứ hai, trong Nhà nước pháp quyền, chủ quyền nhân dân được thể hiện trước hết ở vai trò của nhân dân đối với bản Hiến pháp. Tuy nhiên, Dự thảo vẫn chưa dứt khoát khẳng định nhân dân là chủ thể thực sự của việc xây dựng và ban hành Hiến pháp. Vì lẽ đó, trong điều kiện hiện nay, theo tôi cần sửa đổi đoạn kết trong Lời nói đầu của Dự thảo: “Chúng tôi, nhân dân Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, tự do và hạnh phúc, thông qua Quốc hội xây dựng và ban hành bản Hiến pháp này” .

Thứ ba, với tính chất là “bản khế ước” giữa nhân dân với Nhà nước, Hiến pháp phải đạt được mục đích cơ bản là giới hạn quyền lực Nhà nước nhằm bảo đảm quyền lực tối cao của nhân dân. Thế nhưng, với quy định tại các điều 74, 75, 99, 100, 120, 121 của Dự thảo thì nhân dân hoàn toàn có cơ sở để băn khoăn về sự không thống nhất giữa nguyên tắc chủ quyền nhân dân với vị trí pháp lý của Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Thực tiễn thời gian qua cho thấy rằng, việc thừa nhận Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất với các chức năng lập hiến, lập pháp, quyết định các nội dung quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước, vô hình trung đã đưa đến ngộ nhận rằng Quốc hội là cơ quan có toàn quyền, là cơ quan cấp trên của các cơ quan Nhà nước khác. Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, đặc biệt khi Dự thảo đã bước đầu phân định phạm vi quyền lực Nhà nước giữa các nhánh quyền lực, cũng như xác định từng chủ thể thực hiện từng loại quyền lực (như trên đã đề cập) thì cần xác định lại tính chất của Quốc hội “là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan cao nhất thực hiện quyền lập pháp”.

ThS. VÕ CÔNG KHÔI

(Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III)

VĂN NỞ ghi

;
.
.
.
.
.