Tết cổ truyền Việt Nam với những phong tục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mang đến cho người nước ngoài đang làm việc, sinh sống tại Đà Nẵng những cung bậc cảm xúc khác nhau.
Ông Choi Yoo Hwan, Chủ tịch Hội người Hàn miền Trung Việt Nam:
Tết là ngày đoàn tụ
Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên cách đây 13 năm, song sống và làm việc tại Việt Nam được 7 năm. Hiện tôi là giám đốc một công ty chuyên về kinh doanh bất động sản, đầu tư, xuất khẩu tại Đà Nẵng và đang là Chủ tịch Hội người Hàn miền Trung Việt Nam tại Đà Nẵng.
Trong 5 năm ở Đà Nẵng, tôi đã hai lần ở lại Đà Nẵng ăn Tết. Cũng giống như Hàn Quốc, ngày Tết ở Việt Nam cũng là ngày để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, viếng mộ và quây quần bên nhau, thăm hỏi và chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, còn trẻ con thì được nhận tiền lì xì.
Ấn tượng nhất ở Việt Nam là tất cả mọi người đều hướng về gia đình trong những ngày Tết. Ở Hàn Quốc cũng cơ bản như vậy, song bây giờ giới trẻ không còn giữ được tính tập thể gia đình đặc thù như ở Việt Nam. Ngày Tết, giới trẻ Hàn Quốc ra đường nhiều hơn, trong khi trong ngày đầu năm ở Việt Nam, già trẻ, gái trai, con cháu, dâu rể trong gia đình quần tụ lại. Có lẽ đối với người Việt, Tết là thời khắc thiêng liêng nhất nên hầu như mọi người dù ở đâu, làm gì, đến Tết cũng phải trở về gia đình, quê hương.
Mặc dù không khí Tết ấm áp nhưng trong năm đầu tiên ăn Tết trên đất Đà Nẵng, tôi vẫn có cảm giác buồn khi phải xa gia đình. Trong Tết tiếp theo khi ở lại Đà Nẵng, vào thời khắc giao thừa, chúng tôi được thưởng thức những món ăn Việt Nam, cùng xem bắn pháo hoa và nhận được lì xì trong năm mới. Và có lẽ đó là những điều ấn tượng nhất đối với tôi khi được ăn Tết ở Việt Nam.
Ông Kim Kwang Jun, Giám đốc Chi nhánh Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế I.C.L.S Việt Nam tại Đà Nẵng:
Ấn tượng nhất là hoa Tết
Tôi đã đến Việt Nam vào 5 năm trước, khi đang làm việc cho một công ty dược ở Hàn Quốc và đến Việt Nam tìm hiểu thị trường. Tôi thấy con người Việt Nam rất thân thiện, môi trường và văn hóa Việt Nam cũng có những nét tương đồng với Hàn Quốc. Vậy là sau khi trở về Hàn Quốc, làm việc một thời gian, tôi nghỉ hưu và quyết định trở lại Việt Nam. Lúc đầu tôi đi dạy tiếng Hàn Quốc ở Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau đó, khi Trung tâm Ngoại ngữ quốc tế I.C.L.S Việt Nam mở chi nhánh tại Đà Nẵng, tôi về đây công tác đến bây giờ.
Đến nay, tôi đã ở Đà Nẵng gần 2 năm và đã từng ăn một cái Tết ở thành phố này. Nói chung, Tết Việt Nam cũng gần giống với Tết của Hàn Quốc. Trước Tết là không khí mọi người hối hả làm xong công việc và vội vã về quê, trả lại không khí yên bình hơn cho thành phố trong những ngày Tết. Sau những ngày Tết, thành phố lại trở nên náo nhiệt khi mọi người từ các vùng quê lại đổ dồn lên thành phố để lao vào guồng quay công việc. Nhưng điều làm tôi ấn tượng nhất trong dịp Tết vẫn là sắc hoa ngày Xuân. Nơi tôi đang sống có những hộ trồng hoa, cây cảnh. Từ giữa năm, tôi đã thấy họ làm các công việc như gieo hạt, chăm bón hoa, cây cảnh. Chợ hoa Tết rất đông đúc và mọi người ai cũng chọn cho mình những loại hoa, quả đặc trưng nhất với mong muốn nhận được nhiều may mắn từ đầu năm để về chưng. Lúc đó tôi mới vỡ lẽ là ở Việt Nam, mọi nhà đều có phong tục mua hoa về chưng trong những ngày Tết. Trong cái Tết ở Việt Nam, tất cả mọi con đường, ngõ phố vào đến trong nhà của từng gia đình, hoa tràn ngập với đủ màu sắc, thực sự rất đẹp, rất ấn tượng. Ở Hàn Quốc chúng tôi lại không có như vậy.
Chuck Palazzo, thành viên Hội Cựu chiến binh vì hòa bình (Mỹ):
Trân trọng giá trị gia đình
Cái Tết đầu tiên của tôi ở Việt Nam là năm 1971 tại căn cứ Phú Bài (Huế) khi tôi là lính hải quân Mỹ mới nhập ngũ. Tôi trở lại Việt Nam vào năm 2001, đón Tết ở thành phố Hồ Chí Minh và bắt đầu quan sát, cảm nhận về Tết Nguyên đán của người Việt.
Năm 2008, tôi thuê nhà sống tại Đà Nẵng, làm việc cho Hội Cựu chiến binh vì hòa bình. Lúc đó, tôi mới chủ động chuẩn bị đón Tết Nguyên đán như những người Việt khác. Đặc điểm của Tết Việt là thời gian nghỉ dài hơn dịp đón năm mới của người phương Tây. Điều tôi thấy rất hay là ở Việt Nam, mỗi khi Tết đến xuân về, dù ai làm việc ở rất xa cũng trở về bên gia đình mình. Cả nhà cùng làm việc nhà để chuẩn bị đón Tết.
Tết dường như rất có ý nghĩa với mỗi gia đình Việt Nam với những nghi thức tưởng nhớ tổ tiên, những thành viên đã khuất của gia đình; cùng nhìn lại những việc đã làm trong một năm và dự định những việc trong năm mới; cùng động viên nhau quên đi những điều chưa tốt, không may mắn của năm cũ để hướng đến những điều tốt đẹp hơn.
Với người Việt, ngày Tết là dịp họ chăm sóc các mối quan hệ xã hội qua việc dành thời gian thăm hỏi bà con, bạn bè, đồng nghiệp nhiều hơn ngày thường. Ở Mỹ, dịp đón năm mới ngắn ngày, chủ yếu là nghỉ ngơi, người ở xa không nhất thiết phải về với gia đình, cũng không có nhiều phong tục đón Tết như người Việt Nam. Qua 4 lần đón Tết Việt đã cho tôi nhiều trải nghiệm về sự gìn giữ, trân trọng giá trị gia đình theo văn hóa truyền thống của người Việt Nam.
Từ khi trở thành “công dân” tạm trú của Đà Nẵng (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), tôi tham gia chuẩn bị Tết như nhiều gia đình Việt Nam khác. Ở nơi tôi thuê nhà, tôi được bà con xung quanh mời dự bữa tiệc cuối năm - tất niên xóm. Sự kiện đó rất vui vì nhiều người ở gần nhau nhưng cả năm mới có dịp cùng ngồi uống bia, trò chuyện với nhau. Điều thú vị là sáng mồng một đầu năm âm lịch, mọi nhà trong xóm đều mở cửa và họ đi chúc Tết trong gia đình, chúc Tết hàng xóm và những người thân. Dịp Tết Nguyên đán dường như người Việt Nam uống bia, rượu nhiều hơn ngày thường vì tôi thấy đi cùng những người hàng xóm đến chúc Tết nhà nào cũng được họ mời ít nhất là một ly. Như thế cũng vui nhưng mau say lắm.
Shin Gi Hae, sinh viên Hàn Quốc đang học tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng:
Tết Việt rất dài
Tôi sang Việt Nam vào năm 2005, đã ở TP. Hồ Chí Minh 5 năm và sống ở TP. Đà Nẵng 2 năm. Trong 2 năm sống tại Đà Nẵng, tôi đã từng ăn một cái Tết nơi đây. Điều làm tôi thấy thú vị và ngạc nhiên nhất là lần đầu tiên tôi chứng kiến Tết Việt Nam được nghỉ rất dài ngày, thường kéo dài khoảng 9-10 ngày, trong khi ở Hàn Quốc chúng tôi chỉ nghỉ khoảng 3-5 ngày.
Hơn nữa, để chuẩn bị cho cái Tết, nhiều gia đình Việt đã chuẩn bị trước đó hằng tháng trời. Họ cứ đi mua các vật dụng làm đẹp trong gia đình, sơn sửa lại nhà cửa, thậm chí trước Tết họ còn đi mua rất nhiều đồ ăn để dự trữ trong những ngày nghỉ dài của mình. Trước ngày Tết, tôi thấy mọi người thường hay tụ tập tại nhà những người bạn, những người thân của mình để ăn uống tạm biệt năm cũ và chào đón năm mới. Ở Hàn Quốc chúng tôi không có như vậy.
THANH TÌNH - ĐOÀN SƠN ghi