.

Công chức phải biết "4 xin"

.

Công chức (CC) phải biết thực hiện “4 xin” khi giao tiếp, giải quyết công việc cho dân: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép. Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với từng ngành, địa phương trong tiến trình cải cách hành chính (CCHC), xây dựng một nền công vụ vì dân tại cuộc họp của Ban chỉ đạo CCHC ngày 17-4 vừa qua. “4 xin” đơn giản chỉ là những hành vi giao tiếp thông thường mà mỗi công dân được học, được tiếp cận từ thời thơ ấu ở trường mẫu giáo.

Theo anh Mai Xuân Linh, CC Văn phòng-Thống kê của phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, hành vi nở nụ cười thân thiện, nói lời chào, cảm ơn, xin lỗi (khi mắc lỗi không cố ý) với người dân là hành vi giao tiếp hằng ngày cũng như khi ta giao tiếp với người thân vậy. Người dân khi có nhu cầu có quyền yêu cầu cơ quan công quyền giải quyết những công việc theo quy định pháp luật. Cơ quan công quyền có nghĩa vụ phục vụ, đáp ứng yêu cầu đó.

CC mang tâm thế mình ăn lương từ thuế do dân đóng góp phải có trách nhiệm phục vụ người dân thì những cử chỉ giao tiếp này cũng rất bình thường. Thậm chí nếu sơ suất mắc lỗi, CC chủ động xin lỗi và nhanh chóng khắc phục hậu quả thì việc đó không làm cho mình giảm uy tín hay bị tổn thương. Ngược lại, hành vi đó làm cho người dân nể trọng CC vì tinh thần dám chịu trách nhiệm, trung thực và thành thật. Anh Linh cho biết, khi triển khai thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, phường Khuê Mỹ yêu cầu CBCC tất cả các khối Đảng, đoàn thể, chính quyền đều tiếp tục thực hiện những hành vi “thân thiện hơn” với dân theo nội dung Cuộc vận động “3 hơn” trong CCHC triển khai trước đó.

CC sẽ bị phê bình trong cuộc giao ban hằng tuần toàn phường khi bị phát hiện không thực hiện nụ cười công sở, không đứng lên chào người dân đến bộ phận “một cửa” và chỉ ngồi sau khi người dân đã ngồi, xin lỗi người dân nếu hướng dẫn sai thủ tục hành chính hoặc trễ hẹn trả hồ sơ. CC bị phê bình đến lần thứ ba sẽ phải bị kiểm điểm và tùy theo mức độ chịu hình thức kỷ luật tương ứng, bị “giam” thời hạn nâng lương 6 tháng đến 1 năm khi đến hạn nâng bậc lương.

Từng phải ký văn bản xin lỗi người dân vì CC của mình nhũng nhiễu, gây khó cho dân (Báo Đà Nẵng đã có bài “Dân bị hành ở phường xếp hạng nhất CCHC” ngày 27-8-2012) khi giải quyết TTHC, ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch UBND phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, cho biết nếu mình làm sai mà không cố ý thì xin lỗi người dân là cử chỉ bình thường.

Điều đó chỉ chứng tỏ cho người dân thấy mình thật sự chân thành nhận lỗi, thiện chí sửa sai. Dân sẽ quý trọng và bỏ qua cho mình. Nhưng tôi  không chấp nhận với việc CC cố ý làm sai, vòi vĩnh dân đến khi bị phát hiện thì xin lỗi, thậm chí liên tục sai phạm rồi nói xin lỗi cho xong. Nói lời xin chào, cảm ơn, xin lỗi với người dân, theo tôi là cử chỉ văn hóa mà mỗi CC đều được giáo dục ngay từ bé.

Không phải nói quá chứ tôi rất đồng tình với ý kiến nêu trên báo chí: Trả công chức về cho cha mẹ dạy nếu không biết nói lời xin chào, xin cảm ơn, xin phép, xin lỗi... với dân. Bởi đây là điều sơ đẳng được giáo dục từ bé rồi. Do CC còn mang tâm thế mình có quyền ban cho, còn người dân thì phải lụy, phải xin mình mới được. Những người như thế không nên để tồn tại mãi trong bộ máy cơ quan công quyền, làm ảnh hưởng đến nền công vụ vì dân phục vụ mà chúng ta đang xây dựng.

ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.