Vị trí của một giáo viên có lẽ không phải trên bục giảng mà ở trái tim học trò. Tình cảm của học sinh đối với ngôi trường theo học có lẽ không nằm ở cơ sở vật chất hiện đại mà bởi những giờ học cởi mở, say mê, sáng tạo, được dẫn dắt bởi người thầy tâm huyết.
Đối với những ngành nghề khác, người làm có thể tiến hành với thái độ hời hợt, qua loa, làm cho có hoặc làm cho xong. Tuy nhiên, khi “sản phẩm” đưa ra phải là những cá nhân biết đối nhân xử thế, có khả năng sáng tạo với nhu cầu học tập không ngừng, có hệ thống kỹ năng mềm hoàn thiện thì nghề giáo đòi hỏi người giảng dạy phải “chuyên nghiệp” – tận lực, chỉn chu, nghiêm túc, sáng tạo, chuyên tâm đến từng chi tiết nhỏ nhất trong suốt hành trình dạy chữ và dạy làm người.
Chính sự chuyên nghiệp này đã giúp Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn khẳng định được vị thế, tầm vóc của một trường năng khiếu khi đây là cái nôi của các giải Olympic quốc tế, 100% học sinh đỗ vào các trường đại học, nhiều học sinh giành được học bổng vào các trường đại học nổi tiếng trên thế giới.
Theo thầy Lê Thanh Hải (giáo viên dạy Hóa học), chữ “chuyên nghiệp” không chỉ gắn liền với những công việc phức tạp, có quy mô lớn. Chuyên nghiệp có thể chỉ là trăn trở của thầy cô giáo làm sao giúp học trò tìm thấy niềm vui trong từng trang sách, thực sự hứng thú với việc học.
Bằng cách giải thích quá trình hình thành thạch nhũ hay lồng những câu ca dao tục ngữ: “Miếng trầu cánh phượng hồng môi/ Dạt dào câu hát người ơi đừng về” hay “Anh đừng bắc bậc làm cao/Phèn chua em đánh nước nào cũng trong”… vào từng bài giảng, thầy cô có thể khiến những dòng kiến thức khô khan, những phương trình hóa học phức tạp, trừu tượng trở nên lý thú và kích thích được sự tò mò, muốn khám phá của học sinh. Đây là chìa khóa cho khả năng tự học, sáng tạo, chủ động trong quá trình lĩnh hội kiến thức, bởi “thầy cô đóng vai trò dẫn đường, định hướng cách học, khơi gợi tinh thần và khả năng tự học chứ không phải “đổ” kiến thức vào đầu học sinh”, thầy Lê Thanh Hải nói.
Để kích thích sự ham học, tình yêu, tự hào đối với môi trường sư phạm Trường Lê Quý Đôn, các thầy cô nơi đây còn chuyên nghiệp trong cách đón chào những học sinh đầu cấp. Không dừng lại ở buổi tiếp đón phụ huynh, học sinh trịnh trọng, nghiêm trang và khuôn mẫu với những bài báo cáo thành tích dài dằng dặc, khô khan, Trường Lê Quý Đôn đã biến ngày nhập học trở thành ngày hội thực sự khi sân trường được chia ra thành nhiều khu vực, trở thành nơi “tọa lạc” của các câu lạc bộ như: Sáng tạo trẻ, Tư vấn du học, Tiếng Anh, Sinh học, Bóng chuyền, Bơi lội, Âm nhạc, Hội họa… Các câu lạc bộ không chỉ có cách trang trí riêng mà còn tự tạo không gian sinh động, vui nhộn với tờ rơi, trò chơi, quà tặng, hàng lưu niệm để thu hút sự chú ý tìm hiểu của phụ huynh và học sinh.
Theo thầy Trần Đình Vĩnh, Hiệu trưởng Trường Lê Quý Đôn, tìm hiểu trường là hành trình xuyên suốt 3 năm học của học sinh. Tuy nhiên, cùng tìm hiểu với cha mẹ trong ngày đầu tiên bước chân vào cấp 3 sẽ mang lại cho các em cảm xúc đặc biệt. Những hoạt động thú vị, lôi cuốn, nhiều màu sắc và âm thanh sẽ giảm tối đa cảm giác lo lắng, hoang mang, thậm chí căng thẳng khi hòa nhập vào môi trường mới.
Ngày hội đón học sinh đầu cấp đã thành công khi hướng đến sự thân thiện, hòa nhập tích cực, tăng tính đoàn kết gắn bó của học sinh toàn trường, giúp học sinh làm quen và tiếp nhận tốt hơn sự thay đổi về môi trường học tập.
Sự sáng tạo, chuyên nghiệp trong cách dạy, cách tổ chức hoạt động của thầy cô Trường Lê Quý Đôn là những mắc xích trong quá trình tạo nên môi trường giáo dục hoàn chỉnh, chất lượng, hiệu quả. Tiết học được thầy cô đầu tư từng chút một bởi “Dạy học là cách để người-dạy học được nhiều hơn. Học là hành trình sáng tạo, lý thú của cả thầy và trò. Bằng tâm huyết và sự chỉn chu của mình, thầy cô nào cũng có thể tránh được những giờ học gò bó, cứng nhắc bằng cách biến lý thuyết khô khan thành những kiến thức sinh động, gắn liền với cuộc sống”, cô Lê Thị Huyền (giáo viên dạy Sử) chia sẻ.
MAI CHI MAI