Chuyên nghiệp để ứng xử đúng trong công tác lễ tân không chỉ thể hiện uy tín, thể diện của thành phố chủ nhà mà còn có ý nghĩa then chốt trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai quốc gia.
Đúng như lời nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan từng khẳng định: “Ngoại giao không chỉ là lễ tân nhưng ngoại giao không thể thiếu lễ tân”.
Là chuyên viên Phòng Lễ tân (Sở Ngoại vụ) anh Lê Quang Phúc thường xuyên đón và làm việc với các đoàn khách quốc tế. Ý thức được công việc mình đảm nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh con người, đặc điểm của Đà Nẵng, góp phần nâng cao vị thế của thành phố… Lê Quang Phúc và các đồng nghiệp luôn chú trọng hoàn thiện tính chuyên nghiệp trong công tác lễ lân từ những việc làm cụ thể nhất như: luôn nở nụ cười thân thiện, trang phục gọn gàng, chính xác về thời gian, luôn có tác phong nhanh nhẹn, năng động, am hiểu tường tận về công việc…
Theo đó, khi tiếp đón một đoàn khách quốc tế, đội ngũ làm công tác lễ tân phải nghiên cứu thật kỹ phong tục, tập quán, lịch sử và thậm chí sở thích riêng của từng vị khách, từ đó xây dựng các quy tắc chào hỏi với thái độ đúng mực, thân thiện và tôn trọng khách. Với anh Lê Quang Phúc, điều đáng lo ngại nhất trong quá trình làm việc của mình là phiên dịch cho các đoàn khách đến từ quốc gia không nói tiếng Anh như Ấn Độ.
Cách phát âm, ngữ điệu của những vị khách này thường rất khác với quy chuẩn tiếng Anh quốc tế, điều này đòi hỏi anh Phúc phải tăng cường trò chuyện, tiếp xúc để nhận biết và làm quen được với chất giọng của khách, đảm bảo việc phiên dịch thông suốt, trôi chảy khi lãnh đạo thành phố làm việc với khách quốc tế.
Theo bà Phạm Thị Đào, Trưởng phòng Lễ tân Sở Ngoại vụ, người làm công tác lễ tân chuyên nghiệp ngoài những hiểu biết về văn hóa ứng xử giao tiếp, ngoại ngữ, công nghệ thông tin, còn phải không ngừng trau dồi kiến thức chung về đời sống kinh tế - văn hóa – xã hội, từ đó hiểu rõ về thành phố và đất nước mình.
Từ nơi vui chơi giải trí đẳng cấp, rừng nguyên sinh với không gian thiên nhiên rộng mở cho đến những ưu tiên dành cho nhà đầu tư nước ngoài, hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch… để luôn sẵn sàng trao đổi khi khách quốc tế có nhu cầu tìm hiểu, qua đó quảng bá văn hóa, hình ảnh đất nước Việt Nam.
Để đạt được điều này, đội ngũ làm công tác lễ tân phải tích lũy kinh nghiệm qua nhiều trải nghiệm, tự mình rèn luyện thường xuyên để có kiến thức chuyên môn sâu, kỹ năng làm việc thành thạo, hiệu quả, có tính tự giác cao, biết cách quản lý thời gian tốt, hòa nhã, chịu đựng áp lực lớn…
“Người làm công tác lễ tân không bao giờ được quên mình đang là đại diện cho thành phố Đà Nẵng, cho đất nước Việt Nam để có cách hành xử lịch thiệp nhưng vẫn thấy được sự tự tôn của dân tộc. Người làm công tác lễ tân thành thạo, chuyên nghiệp không chỉ giỏi về dịch thuật mà còn biết xử trí mọi tình huống một cách bản lĩnh và tỉnh táo. Họ chính là người quan sát nhiều nhất, lắng nghe nhiều nhất và thấu hiểu rõ nhất công việc, mục đích đoàn khách quốc tế”, bà Phạm Thị Đào khẳng định.
Đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, phát triển các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với đối tác nước ngoài, bằng sự chuyên nghiệp trong cách làm việc của mình, Sở Ngoại vụ đã hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn đặc biệt là 3 nhiệm vụ trọng tâm thành phố giao như vận động thành lập 4 doanh nghiệp Nhật với tổng vốn đầu tư hơn 75 tỷ đồng và xúc tiến thành công 2 dự án hợp tác quốc tế và 3 dự án ODA, xúc tiến và tổ chức thành công 3 sự kiện ngoại giao văn hóa tại Đà Nẵng…
MAI CHI MAI