’’5 XÂY’’, ’’ 3 CHỐNG’’

Chuyên nghiệp trong hành trình chữa bệnh

08:03, 20/08/2015 (GMT+7)

Qua hơn 30 năm phát triển, giờ đây, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng đã trở thành bệnh viện uy tín không chỉ ở miền Trung, Việt Nam mà còn được các bệnh viện quốc tế biết đến, cùng hợp tác. Bệnh viện hướng đến mục tiêu chuyên nghiệp và trách nhiệm để giúp người bệnh vượt qua bệnh tật.

Để nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp trong quá trình chữa bệnh, những năm qua, Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Đà Nẵng đã hợp tác, liên kết với Trường Đại học Vanderbilt, Hoa Kỳ và BVTT Cao Hùng, Đài Loan. Điều này đồng nghĩa với việc các bác sĩ phải mày mò học tiếng Anh để có thể trao đổi, lĩnh hội những kiến thức, phương pháp chữa bệnh mới từ các chuyên gia nước ngoài.

Theo bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc BVTT Đà Nẵng thì đa phần các bác sĩ đều đã có tuổi, việc bắt đầu học một loại ngôn ngữ mới không phải là điều dễ dàng. Thế nhưng, tất cả các bác sĩ nơi đây đều tự nguyện và chủ động học tiếng Anh. Bởi đây là cách duy nhất để họ có thể cùng nghiên cứu, so sánh tri thức về tâm thần hiện nay trên thế giới với những kiến thức từng được học; để có thể bày tỏ những thắc mắc, băn khoăn với các chuyên gia nước ngoài và từ đó cùng nhau trao đổi và tìm ra phương pháp chữa trị hiệu quả nhất.

Trong quá trình hợp tác, cùng nghiên cứu này, các thầy thuốc của BVTT Đà Nẵng không sao chép nguyên mẫu, không áp dụng một cách rập khuôn tất cả những kiến thức, biện pháp chữa bệnh ở nước ngoài. Thay vào đó, các bác sĩ tự so sánh, đối chiếu và xây dựng biện pháp chữa bệnh riêng phù hợp với đặc điểm tâm lý của người Việt Nam nói chung và từng cá nhân người bệnh nói riêng. Kết quả, các bác sĩ nơi đây đã xây dựng thành công bộ cẩm nang chương trình “Tự thắp sáng tương lai” để ngăn ngừa việc tái sử dụng ma túy. Bộ cẩm nang hiện đang được sử dụng tại Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 ở Đà Nẵng và nhiều địa phương khác của cả nước.

Cũng chính trong quá trình làm việc cùng các nhà nghiên cứu của Đại học Vanderbilt, các bác sĩ mới nhận ra rằng rối loạn tâm thần, trong đó trầm cảm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Trầm cảm có thể điều trị hiệu quả bằng nhiều phương pháp khác nhau gồm điều trị bằng thuốc hoặc không dùng thuốc thông qua các liệu pháp tâm lý. Tuy nhiên, ở một nước thu nhập trung bình như ở Việt Nam, phần lớn người bị trầm cảm hoặc không điều trị hoặc được chữa trị không đúng cách.

Xuất phát từ thực tế này, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần và tâm lý lâm sàng của BVTT Đà Nẵng đã làm việc, phối hợp với giáo sư Bahr Weiss, Đại học Vanderbilt để biên soạn, cập nhật và sửa đổi nội dung tài liệu “Liệu pháp kích hoạt hành vi, suy nghĩ, hoạt động và cảm xúc của con người” sao cho phù hợp với văn hóa, thực tế điều trị và điều kiện của Việt Nam. Tài liệu hiện đang được lưu hành và đưa vào sử dụng, khám, chữa bệnh tại các BVTT trên cả nước.  

Một người mẹ đang đưa con đi điều trị tình trạng mất ngủ triền miên, luôn căng thẳng và mệt mỏi cho biết: “Hành trình chữa bệnh không gắn liền với uống thuốc khiến cả gia đình tôi cảm thấy nhẹ nhàng hơn, không còn mặc cảm mình mang bệnh tâm thần. Liệu pháp chữa trị càng hiệu quả bởi nó hướng đến mục đích kích hoạt, giúp người bệnh nhận ra các trải nghiệm tích cực trong cuộc sống, tự cảm nhận niềm vui, sự hạnh phúc bên trong, dần dần tự mình thoát khỏi cảm giác buồn chán và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động trong xã hội…”.

Tại BVTT luôn tồn tại hai bức tranh đối lập. Một bên, các thầy thuốc thong dong vừa đi dạo, vừa chuyện trò, cười nói, tâm tình cùng người bệnh. Họ dành nhiều thời gian để nhẹ nhàng, kiên trì lắng nghe và sẵn sàng chia sẻ với những câu chuyện tưởng tượng không đầu, không cuối, để từ đó bắt được những chuyển biến rất nhỏ trong tâm lý người bệnh. Mặt khác, với những bệnh nhân động kinh, bác sĩ phải thao tác nhanh nhất có thể để kịp thời cứu chữa, giảm thiểu tối đa biến chứng về sau cho người bệnh. Chữa bệnh cho các em nhỏ, các bác sĩ càng phải đặt mình vào guồng quay gấp gáp, vội vã hơn bởi chỉ cần vài phút không đủ oxy lên não cũng đã gây nên những thương tổn suốt đời cho em. Dù ở bức tranh nào, nơi đây luôn tuân thủ nguyên tắc: “mỗi người bệnh phải được một bác sĩ và một điều dưỡng chịu trách nhiệm cụ thể về điều trị và chăm sóc toàn diện”.

MAI CHI MAI

.