Chính trị
Cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ
Trong những ngày qua, một sự kiện chính trị quan trọng được dư luận cả trong nước và quốc tế rất quan tâm là chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden từ ngày 10 đến ngày 11-9, theo lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Đặc biệt, nhân chuyến thăm mang tính lịch sử này, Việt Nam - Hoa Kỳ tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 10 năm xác lập quan hệ Đối tác toàn diện.
Ngay sau khi sự kiện này diễn ra, các chính trị gia, các học giả nhiều nước và truyền thông quốc tế đã có những bình luận, phân tích, đánh giá tích cực về sự kiện chính trị này. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho rằng, đó là một tin tốt lành không chỉ cho riêng hai nước mà cả khu vực. Theo Tiến sĩ Andrew Wells-Dang, chuyên gia cao cấp về Việt Nam tại Trung tâm Đông Nam Á thuộc Viện Hòa bình Hoa Kỳ (USIP), chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam và mối quan hệ đối tác mới cho thấy tiềm năng của một hình thức ngoại giao đa phương độc đáo nhằm duy trì hòa bình. Nhật báo Phố Wall cho biết, Mỹ đã cam kết một loạt các sáng kiến qua đó có các khoản đầu tư vào thương mại và tiếp xúc cấp cao giữa hai nước dự kiến cũng sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Giám đốc nghiên cứu và phân tích thuộc Cộng đồng Chính sách đối ngoại Indonesia (FPCI) ông Calvin Khoe, đánh giá Việt Nam - Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược toàn diện sẽ tác động tích cực, lan tỏa và góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ, sự phát triển toàn diện của ASEAN, cũng như đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Còn báo Nikkei (Nhật Bản) bình luận chuyến thăm cũng cho thấy hai bên nhất trí tôn trọng thể chế chính trị của nhau.
Thế nhưng, trong khi có rất nhiều tiếng nói hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ, lại xuất hiện những tiếng nói lạc lõng, mơ hồ của các thế lực thù địch... nhằm xuyên tạc đường lối đối ngoại nhất quán của nước ta: “Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”.
Đó là việc họ cố tình điểm lại những bước phát triển trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ để đưa ra những bình luận xỏ xiên, những đánh giá, nhận định nhằm gây nên sự nhiễu loạn thông tin trong đời sống xã hội của đất nước ta. Thậm chí có những tiếng nói mang đậm màu sắc hận thù, phá hoại, kích động, gây chia rẽ về mối quan hệ vốn có của nước ta với bè bạn trên thế giới... Nhưng họ không biết rằng, với chính sách đối ngoại nhất quán của mình, đến nay Việt Nam đã tuyên bố thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 5 quốc gia là: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Đồng thời, Việt Nam còn thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với 13 quốc gia khác như: Nhật Bản, Tây Ban Nha, Vương Quốc liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Đức, Ý, Pháp, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippine, Úc, New Zealand và quan hệ Đối tác toàn diện với 12 quốc gia khác.
Với tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng phát triển tốt đẹp là điều mong muốn của cả hai bên. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu với báo chí ngay sau cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden đã khẳng định: “Vì lợi ích của nhân dân hai nước và mong muốn tăng cường hợp tác nhằm các mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, tôi và Ngài Tổng thống Joe Biden đã thay mặt hai nước thông qua tuyên bố chung, thiết lập Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác, phát triển bền vững. Quan hệ đối tác đó tiếp tục dựa trên cơ sở tôn trọng đầy đủ những nguyên tắc cơ bản định hướng cho quan hệ hai nước trong thời gian qua, trong đó có tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và thể chế chính trị, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau. Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh rằng sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng. Việt Nam đánh giá cao và coi trọng khẳng định của Hoa Kỳ ủng hộ một nước Việt Nam “mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng”.
Những điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ càng cho thấy chính sách nhất quán của Việt Nam là “đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” vì lợi ích trên hết, trước hết là của quốc gia, dân tộc chứ không có lợi ích nào khác. Đồng thời, nó càng làm cho chúng ta nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng trước những âm mưu, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch hòng bôi nhọ, hạ thấp vai trò, uy tín của nước ta trên trường quốc tế và cố tình gây chia rẽ nội bộ cũng như với bè bạn trên thế giới nhằm thực hiện âm mưu đen tối là chống phá một nước Việt Nam hòa bình, thịnh vượng đi lên chủ nghĩa xã hội như tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định.
LÊ MINH HÙNG