Chính trị

Mật danh K20

11:41, 01/09/2023 (GMT+7)

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, K20 là mật danh dùng để chỉ Khu căn cứ cách mạng Đa Mặn (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn), nơi cơ quan Quận ủy Quận III và Thành ủy Đà Nẵng trú đóng để lãnh đạo phong trào cách mạng giai đoạn này.

Tuổi trẻ thành phố luôn xem K20 là địa chỉ đỏ về truyền thống cách mạng và lòng yêu nước của dân tộc. Ảnh: H.L
Tuổi trẻ thành phố luôn xem K20 là địa chỉ đỏ về truyền thống cách mạng và lòng yêu nước của dân tộc. Ảnh: H.L

Năm 1965, tình hình ở Đa Mặn nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung hết sức phức tạp, Mỹ bắt đầu đưa quân vào miền Nam, thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”. Tại Đà Nẵng, Mỹ hình thành một căn cứ quân sự liên hợp hải, lục, không quân nhằm án ngữ phía Bắc, bảo vệ thủ phủ của chế độ bù nhìn phía Nam, xây dựng sân bay lên thẳng ở Nước Mặn, mở rộng sân bay Đà Nẵng và đưa 17 đơn vị Mỹ - Ngụy đến Đà Nẵng. Đối với Mỹ, đây là địa bàn có vị trí chiến lược trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trước tình hình đó, Thành ủy Đà Nẵng chỉ đạo Quận ủy Quận III xây dựng Đa Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa thành vùng lõm cách mạng, lấy mật danh K20, làm bàn đạp để bộ đội, du kích địa phương tấn công vào căn cứ của Mỹ - Ngụy. Với địa hình quan trọng, K20 là một trong những nơi diễn ra phong trào đấu tranh cách mạng sôi nổi; nơi người dân, dưới sự hướng dẫn của Quận ủy Quận III, đã liên tục đào hầm bí mật nhằm nuôi giấu cán bộ, cất giữ vũ khí, lương thực, thực phẩm dự trữ trước những trận đánh lớn.

Lịch sử phường Khuê Mỹ ghi lại, có thời điểm, tại K20 có 157 hầm bí mật. Điểm nổi bật của hệ thống công sự mật được xây dựng tại K20 là tính cơ động cao và quy mô lớn, dày đặc. Hầu hết các gia đình sống trong khu căn cứ cách mạng K20 đều có đường hầm nhánh kết nối, tạo thuận lợi cho việc di chuyển, tránh sự càn quét của địch.

Ngày nay, đến tham quan Khu căn cứ cách mạng K20, ngoài hiện vật, tư liệu lịch sử trưng bày trong nhà truyền thống, du khách sẽ nhìn thấy những đường hầm này trong sân nhà ông Huỳnh Trưng, nhà bà Nguyễn Thị Hải, nhà thờ bà Nhiêu hay nhà thờ tộc Huỳnh… Đây là 4 địa điểm được xếp hạng Di tích lịch sử trong khu Di tích lịch sử quốc gia K20. Đặc biệt, năm 2010, Khu căn cứ cách mạng K20 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia, minh chứng sự đóng góp của khu căn cứ cách mạng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước.

HUỲNH LÊ

.