Chính trị
Bảo đảm an toàn cho trẻ em trên ô-tô khi tham gia giao thông
ĐNO - Ngày 20-10, Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng và Ban An toàn giao thông thành phố tổ chức Hội thảo chuyên đề khoa học “Đề xuất phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên xe ô-tô”.
Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Nguyễn Trung Nghĩa phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THÀNH LÂN |
Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Trung Nghĩa cho biết, thời gian qua, sở đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác chỉnh trang đô thị, qua đó góp phần từng bước xây dựng thành phố có hệ thống giao thông đáp ứng với sự phát triển của xã hội và nhu cầu đi lại của nhân dân.
Bà Nguyễn Hoàng Yến, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: THÀNH LÂN |
Bên cạnh đó, Ban An toàn giao thông (ATGT) thành phố tăng cường tuyên truyền và phát động phong trào xây dựng nếp sống văn hóa giao thông - văn minh đô thị, góp phần xây dựng chương trình "Thành phố 4 an", làm động lực cho cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt, trong đó có công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Nét nổi bật nhất là, tuyên truyền việc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn chất lượng đối với người ngồi trên mô-tô, xe máy.
"Gần 100% người dân thành phố Đà Nẵng tham gia giao thông bằng mô-tô, xe gắn máy, xe máy điện đều đội mũ bảo hiểm và đa số là mũ bảo hiểm đa số là mũ đạt chuẩn chất lượng; đồng hành cùng người lớn, trẻ em khi ngồi trên mô-tô, xe gắn máy, xe máy điện cũng đều đội mũ bảo hiểm, với khẩu hiệu “Đội mũ cho con - trọn tình cha mẹ”.
Theo đó, mục tiêu là cần thiết phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em và đề xuất các phương án về quy định bảo vệ trẻ em trên ô-tô; chia sẻ các thực hành tốt và kinh nghiệm quốc tế về việc áp dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô sau khi có quy định bắt buộc phải sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô.
Chúng tôi xem đây là một trong những giải pháp tăng cương hơn nữa trong công tác bảo đảm an toàn giao thông cho mọi người nói chung và cho trẻ em nói riêng", ông Nguyễn Trung Nghĩa nhấn mạnh.
Theo Trung tâm Tư vấn Sức khỏe và Phát triển Cộng đồng, qua đánh giá sơ bộ có khoảng 1.800-2.000 vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong một năm, trong đó có khoảng 600-700 vụ liên quan tới ô-tô.
Nếu quy định sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em được áp dụng hiệu quả, có thể kéo giảm tới 400-500 vụ trẻ em bị chấn thương đặc biệt nghiêm trọng hoặc trẻ em thiệt mạng trên ô-tô mỗi năm.
Trong xu hướng sử dụng ô-tô tăng nhanh, đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ em, quy định về thiết bị an toàn trên ô-tô tại Việt Nam là vô cùng cần thiết.
Tại Điều 12, Luật Trẻ em năm 2016 đã nêu “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng”. Trẻ em không chỉ thuộc nhóm yếu thế cần được bảo vệ mà còn là đối tượng thường xuyên tham gia giao thông nhưng chưa phát triển đầy đủ về thể chất và nhận thức.
Để bảo vệ tính mạng, người lái xe và người được chở trên ô-tô phải thắt dây đai an toàn khi tham gia giao thông. Do đó, trẻ em được chở trên ô-tô cũng là đối tượng cần quy định “thắt dây đai an toàn” để được bảo vệ khi tham gia giao thông...
Căn cứ vào những nghiên cứu khoa học và kinh nghiệm về thực hành tốt trên 91 quốc gia ban hành luật bắt buộc quy định sử dụng thiết bị an toàn, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã gửi văn bản khuyến nghị tới Thủ tướng Chính phủ ngày 28-4-2022 và Bộ trưởng Bộ Công an ngày 28-7-2023 đưa vào Luật nội dung:
Trẻ em cao dưới 150cm và dưới 12 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn trên ô-tô phù hợp với tuổi/chiều cao của trẻ và không được ngồi ở hàng ghế trước của xe.
Hiện nay trong dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ (tháng 8-2023), điều 9 khoản 3 đã đề xuất "trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô". Đề xuất này là một bước tiến lớn so với hiện nay và rất đúng đắn nhưng mới bảo vệ được cho nhóm trẻ em từ 0-4 tuổi.
Điều đó đồng nghĩa với việc nhóm trẻ em từ 4-12 tuổi chưa được bảo vệ tốt nhất khi tham gia giao thông bằng ô-tô theo dự thảo này.
Bởi vậy, để bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em trong bối cảnh ô-tô gia tăng nhanh, chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông được cải thiện và tốc độ giao thông ngày càng cao (đặc biệt trên mạng lưới cao tốc và quốc lộ), kết hợp với kinh nghiệm quốc tế, nên trẻ em cao dưới 150cm và dưới 12 tuổi phải được chở trên ô-tô con cá nhân bằng thiết bị an toàn dành cho trẻ em.
Trẻ em cao dưới 150cm và dưới 12 tuổi không được ngồi ở hàng ghế của người lái xe. Ô-tô cá nhân phải có các thiết kế thông dụng để lắp đặt sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em (Luật Đường bộ).
Bên cạnh đó, cần bổ sung mức xử phạt trong nghị định, với mức phạt ít nhất từ 4-6 triệu đồng với hành vi không sử dụng thiết bị an toàn phù hợp khi chở trẻ em trên ô-tô con cá nhân nhằm bảo đảm mức phạt cao hơn 2-3 lần so với việc tuân thủ (mua và sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe).
Ngoài ra, tuyên truyền và vận động để thay đổi nhận thức của người dân về lợi ích và sự cần thiết của sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô khi tham gia giao thông...
Theo TS Dương Khánh Vân, cán bộ kỹ thuật của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vị trí an toàn nhất cho trẻ là hàng ghế sau bởi nó có khả năng giảm nguy cơ chấn thương kể cả trường hợp dùng và không dùng thiết bị an toàn.
Sử dụng thiết bị an toàn phù hợp và được lắp đúng cách có thể giúp giảm ít nhất 60% số ca tử vong ở trẻ em. Sử dụng đệm nâng có liên quan đến việc giảm 19% các chấn thương không gây tử vong khi so sánh với trẻ em cùng độ tuổi chỉ sử dụng dây an toàn ngồi ở phía sau xe.
Bà Dương Khánh Vân cũng chia sẻ các quy định về thiết bị an toàn của Liên Hợp Quốc, một số kinh nghiệm triển khai Luật Thiết bị an toàn tại Malaysia, Philippines.
Dựa trên bằng chứng hiện có, WHO khuyến nghị cần luật hóa quy định trẻ em sử dụng thiết bị an toàn cho đến ít nhất 10 tuổi/cao 135cm; hạn chế cho trẻ em ở độ tuổi nhất định ngồi ở ghế trước của ô-tô; có các yêu cầu kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn tham chiếu cho thiết bị an toàn.
Tại cuộc họp các đại biểu đã tham gia thảo luận, đóng góp các ý kiến quan trọng cho sự cần thiết của việc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô-tô khi tham gia giao thông.
THÀNH LÂN