Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Kết quả thu hồi tài sản tham nhũng

07:50, 20/10/2023 (GMT+7)

Thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 2-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế; Cục Thi hành án dân sự thành phố đề ra nhiều giải pháp, kiến nghị để việc tổ chức thi hành các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng đạt được những kết quả tích cực. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực của pháp luật cũng như thu hồi về cho Nhà nước số tiền bị thất thoát.

Hiện nay, Cục Thi hành án dân sự thành phố đang tổ chức thi hành 6 vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo: vụ Trần Văn Minh, Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm ; vụ Trần Phương Bình và Phan Văn Anh Vũ; vụ Phạm Công Danh - Công ty TNHH tập đoàn Thiên Thanh (sân vận động Chi Lăng); vụ Hứa Thị Phấn; vụ Phan Sào Nam; vụ Nguyễn Văn Dương, với số tiền thi hành là 9.865.607.217.764 đồng.

Thu hồi tài sản tham nhũng tại các vụ án luôn là vấn đề khó, phức tạp trong hoạt động thi hành án, nhất là các vụ án có số tiền phải thu hồi lớn, các vụ án mà bị cáo đang phải chấp hành hình phạt tù ở mức cao. Cục Thi hành án dân sự thành phố đã tập trung vào các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền Chỉ thị số 04- CT/TW cũng như các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng  chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả. Xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, vừa cấp bách, vừa thường xuyên, lâu dài nên đã kịp thời tổ chức tuyên truyền, quán triệt nghiêm túc, đầy đủ về công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, đội ngũ chấp hành viên, thẩm tra viên, thư ký của hệ thống cơ quan thi hành án dân sự hai cấp thành phố. Các hoạt động giáo dục, tuyên truyền được tổ chức thông qua nhiều hình thức như: hội nghị, lớp tập huấn, thông qua báo chí, truyền thanh, truyền hình... Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Thứ hai, trong công tác tổ chức thi hành án các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng hiện nay cho thấy có rất nhiều mối quan hệ. Các mối quan hệ mà cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên phải đặc biệt quan tâm đó là mối quan hệ với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, quan hệ với các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước trong công tác thi hành án dân sự như: quan hệ với Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự, quan hệ với các cơ quan tố tụng khác, hệ với bảo hiểm xã hội, kho bạc Nhà nước, ngân hàng, tổ chức tín dụng, cơ quan tài nguyên và môi trường và cơ quan đăng ký tài sản, đăng ký giao dịch bảo đảm. Quan hệ với các cơ quan tổ chức đoàn thể và cá nhân có liên quan.

Đi kèm với quan hệ nhiều, rộng, đó là sự khó khăn, phức tạp đòi hỏi cơ quan thi hành án dân sự, chấp hành viên phải thật chú ý và có kỹ năng giải quyết tốt các mối quan hệ đặt ra trong quá trình việc giải quyết thi hành án, biến mối quan hệ phối hợp này thành sức mạnh tổng hợp để chấp hành viên giải quyết việc thi hành án đạt hiệu quả cao nhất; tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí phát sinh không cần thiết trong quá trình thi hành án. Đồng thời, tăng cường sự đồng thuận, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân làm cho công tác tổ chức thi hành các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt hiệu quả cao.

Thứ ba, tích cực tham gia, nghiên cứu đề xuất các cơ quan có thẩm quyền rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn chồng chéo, vướng mắc, không còn phù hợp nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác thu hồi tài sản tham nhũng, như: quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội; sửa đổi, bổ sung pháp luật về tố tụng hình sự; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét kháng nghị bản án theo thủ tục tái thẩm hoặc giám đốc thẩm (đối với vụ Phan Văn Anh Vũ)…

Nhờ làm tốt các giải pháp nêu trên, nhất là sự vào cuộc quyết liệt, tích cực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC, Ban Chỉ đạo của Thành ủy về PCTNTC, Ban Chỉ đạo Thi hành án dân sự thành phố, sự nỗ lực phối hợp của các sở, ban, ngành thuộc thành phố đến thời điểm hiện nay, số tiền thu hồi từ 6 vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng đạt 466.334.776.551 đồng.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng trong thời gian tới, Cục Thi hành án dân sự thành phố sẽ tiếp tục đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra sát sao đối với từng vụ việc thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế nhất là 6 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC theo dõi, chỉ đạo; tranh thủ kịp thời và tối đa sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là sự vào cuộc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng, kinh tế.

Ngoài ra, sẽ tích cực phối hợp liên ngành ở cả Trung ương và địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình xử lý tài sản, bảo đảm sớm thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt. Hiện Cục Thi hành án dân sự thành phố đang nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền quy định trình tự, thủ tục riêng về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Có thể là xây dựng một luật riêng hoặc đưa ra một chế định riêng trong Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung, nhằm tháo gỡ “điểm nghẽn, nút thắt” trong các giai đoạn giải quyết, thu hồi tài sản của các cơ quan; hoàn thiện quy định về phòng, chống tham nhũng trong thu hồi tài sản để xây dựng hành lang pháp lý thống nhất có tính khả thi.

TRẦN PHƯỚC THU
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố

.