Chính trị

Có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám đề xuất, dám quyết định việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

15:41, 24/10/2023 (GMT+7)

ĐNO - Ngày 24-10, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025); báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng và nhiều nội dung quan trọng khác.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng thảo luận tại tổ 11 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh và Sơn La. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự thảo luận tại tổ 11.

Chủ tịch nước phát biểu thảo luận tổ. Ảnh VH
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu thảo luận tổ. Ảnh VŨ HƯNG

Vẫn còn những hạn chế, khó khăn

Phát biểu tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, trong thời gian qua, đất nước ta đạt được những thành tựu, kết quả quan trọng, cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu, tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, khó khăn rất lớn.

Theo Chủ tịch nước, chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau Covid-19 được kỳ vọng rất lớn, Quốc hội thảo luận sôi nổi, quyết tâm rất cao nhưng triển khai thì rất chậm.

Đầu tư công tưởng như khó khi “không có tiền để chi tiêu” nhưng “có tiền rồi vẫn không chi tiêu được” và báo cáo tại Quốc hội đã chỉ rõ bao nhiêu bộ, ngành, địa phương giải ngân dưới 50%.

Chỉ ra nguyên nhân của những khó khăn, Chủ tịch nước cho rằng, trước hết là sự phân cấp, phân quyền chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hệ thống chính trị.

Đảng đã có chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng từng cấp phải xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm, “để cấp dưới không đi hỏi cấp trên chuyện của mình; để cấp trên không phải với tay xuống làm việc của cấp dưới; khi cần thiết phải hỏi thì phải trả lời rõ ràng, minh bạch”.

Tuy nhiên, do “tư duy thích ôm đồm quyền trong xây dựng chính sách, lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong lĩnh vực đó”, dẫn đến không phân cấp.

Về cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, theo Chủ tịch nước, đây là khuyết điểm, nhưng việc “sợ sai thì đúng” bởi sợ sai để làm kỹ hơn, nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, để cân nhắc trước sau, lợi hại trước khi đưa ra quyết định. Đồng thời, theo Chủ tịch nước, dường như có một bộ phận cán bộ nắm luật, nắm quy định không rõ.

Chủ tịch nước đề nghị từng địa phương phải thực sự nghiên cứu, nhìn nhận vướng mắc, khó khăn từ đâu. “Chỗ nào mình cũng nói vướng, gặp ai cũng nói vướng thì dân biết kêu ai”, Chủ tịch nước nói và mong muốn các đại biểu Quốc hội, lãnh đạo địa phương thẳng thắn chỉ rõ pháp luật, nghị định vướng mắc cụ thể điểm nào để tháo gỡ.

Cần có cơ chế chính sách đột phá để thực hiện các mục tiêu

Phát biểu thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), sau khi đánh giá những nỗ lực của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho rằng, 12 nhóm nhiệm vụ mà Chính phủ nêu khá bao quát, song nhiệm vụ, giải pháp quá nhiều; các mục tiêu Chính phủ đặt ra cần phải bàn, đánh giá xem thực hiện có khả thi hay không.

Về thực hiện các nhóm giải pháp, theo Bí thư Thành ủy, nếu dàn trải để thực hiện sẽ không đủ nguồn lực, do đó, cần phải xác định trọng tâm, trọng điểm, nắm bắt đánh giá đúng cơ hội, lợi thế riêng có của Việt Nam trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới. Chính phủ cần khẩn trương trình Quốc hội những cơ chế chính sách đột phá, bằng các nghị quyết riêng biệt, cụ thể hóa các mục tiêu mà Chính phủ đặt ra.

Điển hình như phát triển công nghiệp vi mạch bán dẫn, đào tạo phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ cao, trong đó tập trung đào tạo 50.000-100.000 nhân lực chất lượng cao trong ngành sản xuất chíp điện tử đến năm 2025 và 2030. “Mục tiêu này nếu không có cơ chế, chính sách mang tính đột phá sẽ không thể thực hiện được”, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy kiến nghị cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn trong việc giải quyết các vướng mắc, tồn tại kéo dài nhiềm năm, nhiều nhiệm kỳ. 

Trong đó, Chính phủ cần đề xuất Quốc hội có nghị quyết đặc thù để tháo gỡ; đồng thời phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám đề xuất, dám quyết định việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; các địa phương cũng cần có cơ chế, qua đó cán bộ mới dám làm, dám quyết định, góp phần khơi thông nguồn lực, tránh gây lãng phí lớn về mặt xã hội.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu thảo luận tổ. Ảnh VŨ HƯNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu thảo luận tổ. Ảnh VŨ HƯNG

Tán thành việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị đối với Đà Nẵng

Góp ý báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng tán thành với đánh giá của Chính phủ được nêu trong báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; thống nhất cao với đề xuất của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 theo hướng cho phép áp dụng tổ chức thực hiện mô hình chính quyền đô thị đối với Đà Nẵng, đồng thời sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn thực hiện mô hình như đề xuất của Chính phủ.

Cho phép sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù trong Nghị quyết số 119/2020/QH14 cho thành phố Đà Nẵng trên cơ sở thực tiễn địa phương và nghiên cứu các chính sách đang được áp dụng thí điểm tại các địa phương như: Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Khánh Hòa, Nghệ An, Thanh Hóa... nhằm thể chế hóa có hiệu quả và đầy đủ hơn các yêu cầu đặt ra theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 26-NQ/TW về Phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ đến 2030 tầm nhìn đến 2045…

Đánh giá tác động việc biên soạn thêm bộ sách giáo khoa

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban xã hội của Quốc hội cho biết, đoàn giám sát “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” vừa hoàn thành nhiệm vụ và gửi đến Quốc hội một báo cáo dày dặn, ấn tượng với rất nhiều con số thống kê và nhiều kết luận bổ ích.

Báo cáo đưa ra nhiều giải pháp, kiến nghị rất xác đáng. Có thể kể đến như sửa đổi quy định lựa chọn sách giáo khoa theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách; khẩn trương khắc phục hậu quả đối với những lỗi sai trong sách giáo khoa đã phát hành.

Kiến nghị nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi Luật Giáo dục; tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông; xem xét chuyển cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc sử dụng chi phí phát hành sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới...

Tuy nhiên, có một số vấn đề dư luận chưa đồng tình và bản thân đại biểu cũng thấy nghi ngại. Cụ thể, ngày 11-8-2023, Đoàn giám sát công bố kết luận, trong đó đề nghị Quốc hội yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa “của Nhà nước”.

Qua phân tích những tác động cũng như mặt hạn chế, đại biểu Thúy đề nghị cần đánh giá tác động trước khi ra nghị quyết mới. “Vào thời điểm này, việc quyết định giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa là sự thay đổi chính sách giữa chừng rất lớn. Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên và người dân không đồng tình với sự thay đổi đó”, đại biểu Thúy nói. 

Vì vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội giao cho Chính phủ thực hiện đánh giá tác động của việc Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức biên soạn thêm một bộ sách giáo khoa trước khi quyết định. Bởi lẽ, cái mới luôn là cái khó, ý kiến trái chiều không tránh khỏi.

Theo đại biểu, nên chăng để thực hiện hết 1 chu kỳ (sau năm học 2024-2025) rồi tổng kết, đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa, giáo dục phổ thông, lúc bấy giờ điều chỉnh sẽ phù hợp và thuyết phục hơn

NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG

.