Chính trị

'TRỊ BỆNH' NÉ TRÁNH, ĐÙN ĐẨY, KHÔNG LÀM ĐÚNG, ĐẦY ĐỦ CHỨC TRÁCH, NHIỆM VỤ: BẢO VỆ CÁN BỘ DÁM NGHĨ, DÁM LÀM

Bài 2: Đâu là nguyên nhân gốc rễ?

06:16, 31/10/2023 (GMT+7)

Tình trạng né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, không dám làm trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) xảy ra ở nhiều ngành, lĩnh vực. Đâu là nguyên nhân gốc rễ dẫn đến tình trạng này?

Cán bộ,  công chức, viên chức cần thể hiện trách nhiệm vì nhân dân, vì sự phát triển thành phố. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân. Ảnh: MINH SƠN
Cán bộ, công chức, viên chức cần thể hiện trách nhiệm vì nhân dân, vì sự phát triển thành phố. TRONG ẢNH: Cán bộ bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân. Ảnh: MINH SƠN

Hậu quả khôn lường

Nói về đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm trong CBCCVC, nguyên giám đốc một sở của thành phố Đà Nẵng chỉ ra nhiều hệ lụy. Đó là, khi công việc không được xử lý đúng thời hạn hoặc không được thực hiện đúng cách, có thể dẫn đến tăng chi phí cho Nhà nước và xã hội. Đơn cử như việc kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ, xử lý thủ tục buộc các bên liên quan phải chờ đợi lâu hơn, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, người dân và làm mất cơ hội phát triển. Theo ông, một hệ thống công chức không hiệu quả, đùn đẩy và né tránh như vậy gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của quốc gia. Các dự án quan trọng, chương trình công cộng và các biện pháp cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống có thể bị chậm trễ hoặc không thực hiện một cách hiệu quả.

Điều đáng quan ngại hơn là đánh mất lòng tin của công chúng đối với hệ thống hành chính công. Khi người dân và doanh nghiệp không tin tưởng vào khả năng và độ trung thành của công chức, họ có thể mất niềm tin vào hệ thống và sẽ không muốn tuân thủ các quy định và quy trình. “CBCCVC trì trệ, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, công việc không được xử lý đúng thời hạn hoặc không được thực hiện đầy đủ. Điều này dẫn đến giảm hiệu suất làm việc và ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp”, vị nguyên giám đốc này nói.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Đình Vĩnh nhìn nhận, hệ quả của tình trạng này tác động tiêu cực đến công tác tham mưu ban hành các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị và kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Thành ủy để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố. Đặc biệt, cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu có tâm lý làm việc cầm chừng sẽ tác động nhiều mặt đến CBCCVC cấp dưới, nhất là thiếu niềm tin để làm việc, dấn thân. Từ đó, những chủ động đề xuất, sáng tạo để có được những việc làm hay, cách làm mới dần dần ít đi, nếu không khắc phục dẫn đến cản trở sự phát triển của thành phố trong thời gian đến.

Tại báo cáo sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, ngoài những kết quả đạt được, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố đánh giá cụ thể những mặt tồn tại, hạn chế. Theo đó, các yếu kém nằm ở hầu hết các mặt công tác từ xây dựng Đảng đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội. Trong các nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trên, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố cũng nhận thức rõ CBCCVC chưa làm hết chức trách, nhiệm vụ, làm việc cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm đã làm kết quả thực hiện nghị quyết trong nửa nhiệm kỳ qua chưa đạt như mong đợi.

Trước lằn ranh “đúng - sai”

Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhìn nhận, thời gian từ sau đại dịch Covid-19, đã xuất hiện tình trạng này và đây là một thực tế đáng buồn và rất lo ngại. Lý giải nguyên nhân, ông Trí cho rằng, nguyên nhân gốc rễ của vấn đề vẫn là chất lượng quy định của pháp luật. Hiện nay, việc xây dựng và hoàn thiện thể chế, hệ thống chính sách, nhất là các văn bản dưới luật, có mặt còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn nên quá trình thực thi công vụ cũng có khó khăn, khó thực hiện, tạo rào cản, vướng mắc, nhất là những vấn đề liên quan đầu tư, tài chính, ngân sách, đầu tư công, phát triển doanh nghiệp. Có tình trạng cùng một nội dung quy định nhưng lại có hai cách hiểu khác nhau hay cùng một nội dung công việc nhưng lại có hai văn bản dưới luật hướng dẫn thực hiện không như nhau.

Một cán bộ từng làm công tác tham mưu chính sách của một sở đưa ví dụ minh chứng rõ về sự “vênh” nhau của luật: Với Luật Đất đai hiện hành, có những quy định của luật đang rất vướng, nếu thực thi theo quy định của Luật Đất đai thì đúng nhưng chiếu theo quy định của Luật Đầu tư lại thành sai. Vì vậy, trước lằn ranh “đúng - sai” mong manh này, cán bộ tham mưu rất e ngại. Cũng vì sự chồng chéo trong quy định của pháp luật, cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ tham mưu làm việc rất thận trọng, rà soát kỹ, sở này xin ý kiến hoặc trông chờ sở kia, dẫn đến công tác tham mưu chậm, kéo dài…

Trong khi đó, theo chia sẻ của một người đứng đầu sở của thành phố, trong giai đoạn trước đây, hệ thống luật pháp chưa đầy đủ, thiếu chặt chẽ và đồng bộ. Trong khi đó, áp lực phát triển lớn dẫn đến có nhiều trường hợp làm không đúng trình tự thủ tục, làm nhanh, bỏ bước. Cùng với đó, khả năng nghiên cứu áp dụng pháp luật vào thực tiễn của đội ngũ cán bộ còn khá hạn chế nên không ít trường hợp chỉ làm theo kinh nghiệm.

Sau này, khi cơ quan Trung ương thanh tra, kiểm toán phát hiện sai phạm, dẫn đến nhiều cán bộ quản lý bị xử lý theo pháp luật. “Những vấn đề này đã làm ảnh hưởng lớn đến tư tưởng CBCCVC trong giai đoạn hiện nay. Nhiều cán bộ không an tâm làm việc, có tâm trạng băn khoăn, lo lắng, nghi ngại, sợ sai trong quá trình nghiên cứu các quy định để thực hiện nhiệm vụ, nhất là đối với việc xử lý vướng mắc các hồ sơ công việc trước đây”, vị giám đốc này chia sẻ.  

Nói về việc sợ, ngại và né tránh tham mưu, ông Nguyễn Đình Vĩnh nhìn nhận nguyên nhân đầu tiên vẫn là thể chế. Hiện nay, một số quy định của cấp có thẩm quyền có nhiều nội dung chưa phù hợp với thực tiễn; tính chưa đồng bộ, chưa liên thông trong một số quy định vẫn còn nhiều, thủ tục còn rườm rà.

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Lê Thị Mỹ Hạnh cho rằng, việc một số văn bản pháp luật quy định chưa rõ ràng, thiếu tính thống nhất, đồng bộ, gây khó khăn khi áp dụng thực tế. Cùng với đó, thực trạng đảng viên, CBCCVC bị xử lý kỷ luật trong thời gian qua cũng ảnh hưởng, xuất hiện tâm lý, né tránh, sợ tham mưu, đề xuất... của một bộ phận đảng viên, CBCCVC đang thực thi công vụ.

Ông Nguyễn Trí Tổng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tham mưu Quân khu 5 chia sẻ, sau các đại án “Chuyến bay giải cứu” và “vụ Việt Á”, thực trạng CBCCVC, đảng viên đùn đẩy, né tránh, ngại va chạm, giữ mình thể hiện rõ hơn, nhất là trong ngành hành chính công. “Tôi ví dụ ở lĩnh vực xây dựng, một số dự án treo, dự án bị tồn đọng trong quá khứ nhưng đến nay chưa thể giải quyết dứt điểm. Điều này thể hiện ở chỗ cán bộ không dám đề xuất, hoặc đề xuất nhưng lãnh đạo không dám thực hiện, không dám ký”, ông Tổng nói.

Những “hạt sạn” trong chất lượng cán bộ

Phân tích sâu về nguyên nhân, nhiều ý kiến tại tọa đàm “Thực trạng và các giải pháp khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của CBCCVC trong tình hình hiện nay” nhấn mạnh nguyên nhân xuất phát từ chính CBCCVC. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, CCVC trong chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế. Một số CBCCVC năng lực còn hạn chế, không đáp ứng yêu cầu công việc, tham mưu chậm, chất lượng xử lý công việc không bảo đảm yêu cầu nên sợ sai, không dám tham mưu, chỉ làm việc cầm chừng, “phân đâu làm đó”.

Đồng thời, do chưa nắm vững nghiệp vụ, thiếu bản lĩnh, ngại va chạm, sợ ảnh hưởng đến chức vụ công tác, thiếu tu dưỡng phẩm chất đạo đức... dẫn đến thiếu tính chuyên nghiệp, năng động, tinh thần, thái độ phục vụ chưa cao. Điều đáng nói và rất nguy hại, một số CBCCVC việc dễ, thuận lợi thì xung phong đi đầu, gặp khó khăn thì né tránh; được lợi cho bản thân thì hăng hái làm, không có lợi cho bản thân thì thoái thác, đùn đẩy. Một số cán bộ lãnh đạo có tư tưởng sợ “mất phiếu” nên khá “giữ mình”, ngại va chạm, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, chỉ làm “tròn vai”, thiếu tính “đổi mới, sáng tạo”.

Từ phân tích về những “hạt sạn” trong chất lượng CBCCVC, phải thẳng thắn thừa nhận rằng, có một phần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Khi người đứng đầu chưa thực hiện đúng mức trong công tác tổ chức, quán triệt và triển khai nhiệm vụ thì dẫn đến việc CBCCVC làm việc cầm chừng, làm “tròn vai”, làm không quyết liệt.

Bên cạnh đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa quyết liệt, chưa phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Ngoài ra, thực tế tại một số cơ quan, đơn vị cũng cho thấy công tác cán bộ chưa được thực hiện tốt; bổ nhiệm, phân công công tác chưa cụ thể, rõ ràng hoặc chưa phù hợp với năng lực của từng cá nhân dẫn đến việc CBCCVC sợ sai, không dám làm hoặc làm không đúng, không đầy đủ công việc được giao, ảnh hưởng đến hiệu quả công tác.

Bà Lê Thị Mỹ Hạnh cho biết thêm, quy chế làm việc của một số cấp ủy, cơ quan, đơn vị chưa toàn diện; quy trình liên thông, liên kết và quy chế, quy trình nội bộ chưa được quy định cụ thể, phân công chưa rõ nhiệm vụ, rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ hiệu quả; chưa phát huy tinh thần tập thể trong việc bàn bạc, thống nhất, xác định đúng các việc cấp bách cần giải quyết ngay hoặc lựa chọn đúng, trúng những vấn đề cần tập trung quyết liệt chỉ đạo, nhất là việc lớn, khó, phức tạp, nhạy cảm, những hạn chế đã được chỉ ra.

Cá biệt, một số đảng viên, CBCCVC có biểu hiện vi phạm kỷ luật, kỷ cương, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ nhưng chưa biết, không tự đánh giá được biểu hiện đó là vi phạm. Tổ chức Đảng chưa nhận diện rõ, chưa thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh những biểu hiện, dấu hiệu vi phạm và thiếu kiên quyết trong xử lý các hành vi vi phạm; công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa kịp thời.

Ông Nguyễn Trí Tổng, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tham mưu Quân khu 5: 
Đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ không đáp ứng được yêu cầu
Người đứng đầu phải nêu gương, chịu trách nhiệm, mạnh dạn và kiên quyết. Để đất nước, địa phương phát triển, mỗi cán bộ, đảng viên phải vì cái chung và phải thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng. Cán bộ được phân công công việc nếu không chịu làm thì người làm lãnh đạo phải kiên quyết cho “đứng sang một bên” để cán bộ khác làm.
Đặc biệt, cấp ủy các cấp phải chủ động hơn trong công tác quy hoạch cán bộ. Quá trình quy hoạch cần theo dõi chặt chẽ, kết hợp giám sát, nếu phát hiện cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, cần phải loại ra khỏi quy hoạch để bổ sung. Một điểm cần chú ý là tránh định kiến, hẹp hòi trong quá trình quy hoạch, vì dễ dẫn đến mất cán bộ giỏi, cán bộ có tâm huyết, dám đột phá…

NGỌC PHÚ - THẢO NHI

.