Chính trị

'Lá chắn' phòng, chống tham nhũng trong kiểm tra, giám sát

08:15, 13/11/2023 (GMT+7)

Ngày 27-10-2023, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW “Về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”. Theo Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Mai Thị Ánh Hồng, quy định này giúp các cơ quan chức năng và mỗi cán bộ, đảng viên tự kiểm tra, giám sát, tự soi, tự sửa, góp phần ngăn ngừa sai phạm trong công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, tạo niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Mai Thị Ánh Hồng.
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Mai Thị Ánh Hồng.

* Theo bà, sự cần thiết của việc ban hành Quy định số 131-QĐ/TW là gì?

- Trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng, Nhà nước lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã mang lại những kết quả hết sức tích cực, tạo được được niềm của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong công tác này, lực lượng thanh tra, kiểm tra đóng góp vai trò khá quan trọng, trở thành “thanh bảo kiếm”, góp phần giữ vững quy định của Đảng, sự nghiêm minh của pháp luật.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng bên cạnh những kết quả tích cực thì vẫn còn những hạn chế, một số cán bộ sai phạm làm ảnh hưởng đến thành tích chung, làm sa sút niềm tin của nhân dân vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhận diện được vấn đề này, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 131-QĐ/TW “Về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán”, nhằm “kiểm soát quyền lực” trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát…

* Quy định đã nhận diện và quy định trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân như thế nào?

- Phải khẳng định rằng, việc ban hành quy định này, Bộ Chính trị đã đúc kết từ thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng trong thời gian qua. Qua đó, nhận diện rõ 22 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Điển hình như nghiêm cấm hành vi hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ, mua chuộc; cung cấp, tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ của đối tượng kiểm tra cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm; nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác hoặc lợi ích phi vật chất; đưa ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất; gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi không đúng quy định với đối tượng kiểm tra; sử dụng các tài liệu thẩm tra, xác minh không đúng mục đích. Quy định nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc dùng uy tín, ảnh hưởng của bản thân và gia đình để gợi ý, tác động, gây áp lực đối với người có thẩm quyền quyết định hoặc tham mưu về các kết luận kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán không đúng bản chất sự việc.

Ngoài quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, Quy định số 131-QĐ/TW sẽ xử lý hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực. Trong đó, xem xét, thi hành kỷ luật nghiêm minh theo quy định của Đảng đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên có hành vi tham nhũng, tiêu cực, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán. Trường hợp vi phạm chưa đến mức phải xử lý kỷ luật thì phải tự kiểm điểm, có biện pháp khắc phục vi phạm, khuyết điểm và cam kết không tái phạm.

Đối với đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức (kể cả người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu) có hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng và trong hoạt động thanh tra, kiểm toán thì bị xử lý theo quy định hiện hành. Ngoài ra, cá nhân đang công tác còn bị đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán; không quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu bầu cử, ứng cử chức vụ tương đương và cao hơn, công nhận chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước…

* Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng của Đảng bộ thành phố thời gian qua triển khai đạt được những kết quả gì nổi bật?

- Trong nửa nhiệm kỳ qua, hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng của Đảng bộ thành phố bước đầu được đổi mới theo đúng quan điểm chỉ đạo của Trung ương, ngày càng toàn diện, đồng bộ, đi vào nền nếp và có hiệu lực, hiệu quả. Hoạt động của cấp ủy, các cơ quan tham mưu giúp việc cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là cấp thành phố, về thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng được tăng cường, chủ động, ngày càng siết chặt về kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, phát huy được vai trò, trách nhiệm của tổ chức đảng và tinh thần tự giác của đảng viên, qua đó khẳng định được vị trí, vai trò công tác kiểm tra, giám sát của Đảng. Có thể nói, hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng do ủy ban kiểm tra các cấp đã góp phần khẳng định quyết tâm của Đảng trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có tác dụng tích cực trong việc cảnh báo, phòng ngừa, răn đe, giáo dục các tổ chức đảng và đảng viên trong toàn Đảng bộ.

Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng do ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là cấp thành phố tham mưu vẫn còn không ít khuyết điểm, hạn chế. Đơn cử như một số tổ chức đảng chưa nhận thức đầy đủ về nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật đảng viên; xem xét, đề nghị thi hành kỷ luật không đúng mức độ, nội dung vi phạm và kết luận của tổ chức đảng cấp trên. Một số ủy ban kiểm tra chưa chủ động phát hiện và thiếu quyết liệt trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, còn trông chờ vào sự chỉ đạo của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên; nhiều vi phạm xảy ra từ lâu nhưng không phát hiện, kiểm tra, xử lý kịp thời…

Do đó, thời gian tới, các cấp ủy, nhất là người đứng đầu tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt hơn công tác kiểm tra, giám sát ngay tại chính cơ quan, địa phương, đơn vị mình; khắc phục có hiệu quả tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm trong công tác kiểm tra, giám sát. Công tác kiểm tra, giám sát phải được tiến hành thường xuyên, công khai, dân chủ, thận trọng và chặt chẽ; trong đó lấy cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn là chính; kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm tổ chức đảng và đảng viên cố tình vi phạm.

Với những giải pháp trên, cùng với Quy định số 131-QĐ/TW sẽ giúp đội ngũ thực hiện nhiệm vụ ngày càng thể hiện được bản lĩnh, trách nhiệm, để góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố.

* Cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!

NGỌC PHÚ thực hiện

.