Chính trị
Nâng cao chất lượng cải cách thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai
Nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân đến làm thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, thời gian qua, tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả ở các quận, huyện bố trí cán bộ chuyên môn trực hướng dẫn các thủ tục liên quan đến đất đai.
Người dân đến làm thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai tại bộ phận “Một cửa” quận Liên Chiểu. ẢnhTRỌNG HÙNG |
Bố trí cán bộ hướng dẫn người dân
Trước đây, khi đến bộ phận “Một cửa” các quận, huyện trên địa bàn thành phố, người dân phải bốc số, chờ có khi vài giờ mới đến lượt vào quầy nộp hồ sơ. Quá trình kiểm tra, nhiều hồ sơ bị trả về bổ sung thủ tục khiến cả người dân và cơ quan Nhà nước đều mất thời gian. Tuy nhiên, hiện tại ở bộ phận “Một cửa” của các quận, huyện, người dân không phải trải qua các bước này, thay vào đó sẽ có cán bộ hướng dẫn, xử lý hồ sơ ban đầu. Trường hợp hồ sơ đủ thủ tục được chuyển đến đúng địa chỉ để giải quyết, hồ sơ chưa đủ thủ tục sẽ được cán bộ hướng dẫn bổ sung giấy tờ.
Ông Nguyễn Minh Tiến (thôn Xuân Phú, xã Hòa Sơn) cho biết, đây là lần đầu tiên ông đến huyện Hòa Vang làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Thủ tục pháp lý dù nhiều nhưng nhờ có sự hướng dẫn của cán bộ nên thuận lợi hơn rất nhiều. Cùng chia sẻ vấn đề này, anh Nguyễn Thanh Sơn (xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang) cho biết, trước đây muốn làm thủ tục liên quan đến đất đai ở huyện, ông đều phải đến trước 7 giờ sáng để bốc số, chờ đợi trong tâm thế không biết hồ sơ đã đủ hay chưa.
Còn hiện tại, có cán bộ của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) huyện xem trước hồ sơ nên dù có đợi anh cũng yên tâm. “Yêu cầu về thủ tục pháp lý vẫn vậy nhưng nhờ có người xem, hướng dẫn ban đầu, mình đỡ đi lại, đỡ tốn kém chi phí hơn”, anh Sơn nói.
Tương tự, chị Lê Minh Giang (trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) đến bộ phận “Một cửa” quận Liên Chiểu đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dù trước đó có tìm hiểu thông tin hướng dẫn về các thủ tục giấy tờ cần chuẩn bị nhưng khi làm hồ sơ, do đặc thù thửa đất vẫn cần bổ sung thêm. Nhờ được hướng dẫn bước đầu mà hồ sơ của bà được hoàn tất nhanh chóng, không phải qua nhiều công đoạn như trước đây, gây mất thời gian chờ đợi, đi lại.
Nâng cao sự hài lòng
Qua ghi nhận tại bộ phận “Một cửa” các quận, huyện cho thấy, bình quân mỗi ngày bộ phận này tiếp nhận khoảng 200-300 hồ sơ; trong đó có đến 70% hồ sơ liên quan đến đất đai. Ông Võ Huy Thạc, Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Hòa Vang cho rằng, so với thời kỳ “sốt” đất 2-3 năm trước, số lượng hồ sơ giảm. Song do đặc thù hồ sơ đất đai ở huyện Hòa Vang phải xác minh nguồn gốc, đo vẽ diện tích và trải qua nhiều bước nên rất khó giải quyết nhanh.
Để giảm tải cho bộ phận “Một cửa” trong quá trình tiếp nhận hồ sơ, đồng thời nâng cao sự hài lòng của người dân, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện bố trí cán bộ chuyên môn trực tiếp kiểm tra hồ sơ, hướng dẫn thủ tục cho người dân. “Việc bố trí cán bộ chuyên môn trực hướng dẫn các thủ tục về đất đai được người dân đồng tình, ủng hộ vì không phải chờ đợi lâu, không phải đi lại nhiều lần. Và tỷ lệ hồ sơ nộp thành công cao hơn trước rất nhiều”, ông Thạc nói.
Theo ông Võ Khoa Nguyên, Chánh văn phòng UBND quận Liên Chiểu, nhận thấy không ít hồ sơ người dân phải đi lại nhiều, tỷ lệ nộp hồ sơ thành công lần đầu chưa cao, Văn phòng UBND quận đã bố trí cán bộ chuyên môn tiếp nhận hồ sơ ban đầu, kiểm tra, hướng dẫn thành phần hồ sơ cho người dân. Văn phòng cũng bố trí bàn trực ngay tại cửa ra vào tại bộ phận “Một cửa” của quận, chỉ đạo cán bộ thông báo cho người dân biết để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý thủ tục hành chính.
Theo ông Nguyên, khi được hướng dẫn, người dân nắm được quy trình, thủ tục sẽ có sự phối hợp nhịp nhàng với cơ quan chức năng, giúp công việc trôi chảy hơn. Các cán bộ làm nhiệm vụ tư vấn chuyên môn không chỉ giúp người dân tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai mà còn giúp cơ quan Nhà nước đánh giá được nhu cầu sử dụng đất của các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Từ đó, các đơn vị chức năng sẽ có đề xuất giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Phạm Nam Sơn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho rằng, hiện nay, việc xử lý hồ sơ thủ tục hành chính liên quan đến đất đai được thực hiện 100% trên phần mềm ViLIS; việc chuyển thuế đến cơ quan thuế cũng đã liên thông trên môi trường điện tử, giúp giảm chi phí và rút ngắn thời gian thực hiện.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT cũng chỉ đạo VPĐKĐĐ thành phố và các chi nhánh tại quận, huyện khuyến khích việc xử lý hồ sơ sớm hơn so với quy định. Việc bố trí cán bộ phụ trách công tác tiếp nhận và trả kết quả phải bảo đảm tiêu chí có đủ năng lực, trình độ để tiếp nhận và hướng dẫn tổ chức, công dân hồ sơ; hạn chế đến mức tối đa tình trạng hồ sơ đã nhận nhưng không thể giải quyết được hoặc phải hướng dẫn nhiều lần.
Cũng theo ông Sơn, hiện tình trạng sử dụng đất sai mục đích, xây dựng trên đất nông nghiệp… vẫn diễn ra ở một số địa phương trên địa bàn. Vì vậy, nếu được trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ, người dân có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trên địa bàn sẽ thực hiện bảo đảm theo quy định của pháp luật, góp phần hạn chế tình trạng vi phạm trên lĩnh vực đất đai trong thời gian đến.
TRỌNG HÙNG