Chính trị

Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa: Nhiều kết quả tích cực

08:13, 30/11/2023 (GMT+7)

Những năm qua, việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam tại thành phố Đà Nẵng được triển khai đồng bộ, đạt được nhiều kết quả tích cực. Qua đó, quyền làm chủ của nhân dân, quyền con người, quyền công dân được chú trọng, đặt lên hàng đầu.

Thời gian qua, các kiến nghị của cử tri được Mặt trận thành phố tổng hợp, gửi đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết kịp thời.  Trong ảnh: Cử tri phát biểu ý kiến trước đoàn đại biểu Quốc hội thành phố.  Ảnh: NGỌC PHÚ
Thời gian qua, các kiến nghị của cử tri được Mặt trận thành phố tổng hợp, gửi đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết kịp thời. TRONG ẢNH: Cử tri phát biểu ý kiến trước đoàn đại biểu Quốc hội thành phố. Ảnh: NGỌC PHÚ

Điểm sáng trong bảo vệ quyền con người, quyền công dân

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thuận, Hiệu trưởng Trường Chính trị thành phố cho biết, việc bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân là điểm sáng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trên địa bàn thành phố thời gian qua.

Theo đó, việc đối thoại, tiếp nhận và giải quyết ý kiến của người dân được lãnh đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân. Qua đối thoại, lãnh đạo các địa phương trực tiếp lắng nghe và tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của người dân đóng góp xây dựng chính quyền, giúp lãnh đạo địa phương chủ động nắm bắt tâm tư, nguyên vọng cũng như kịp thời xử lý, giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân.

Đặc biệt, triển khai thí điểm tổ chức chính quyền đô thị, ở quận và phường không còn HĐND nên các cơ quan, đơn vị tăng cường hoạt động tiếp công dân. Nơi tiếp công dân được bố trí thuận lợi; nội quy, quy chế, lịch tiếp công dân của lãnh đạo được niêm yết rõ ràng tại trụ sở tiếp dân và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bên cạnh đó, Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo xây dựng cơ chế ràng buộc, xử lý trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan có trách nhiệm giải quyết đơn thư, nhất là các ngành, lĩnh vực có nhiều đơn, thư liên quan đến tài nguyên và môi trường, xây dựng; đồng thời, xem xét trách nhiệm đối với người để xảy ra việc tham mưu không đúng quy định.

Để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, thành phố đẩy mạnh công tác chuyển đổi số. Trong đó, Thành ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17-6-2021 về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhờ đó, Đà Nẵng dẫn đầu 3 năm liên tiếp (2020-2022) về chuyển đổi số trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Tháng 9-2023, Đà Nẵng được vinh danh tại hạng mục “Thành phố lấy con người làm trung tâm” (Human-CentriCity) của giải thưởng Thành phố thông minh Seoul lần thứ nhất. “Đây chính là minh chứng rõ ràng nhất trong việc xây dựng chính quyền “phục vụ nhân dân”, thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” mà Đảng ta nêu ra trong văn kiện Đại hội lần thứ XIII”, Tiến sĩ Thuận nói.

Thực hiện tốt vai trò “cầu nối” giữa dân với Đảng, chính quyền

Góp phần vào công cuộc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp XHCN Việt Nam trên địa bàn thành phố thời gian qua, Mặt trận các cấp thành phố thực hiện tốt vai trò cầu nối để nhân dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình với cấp ủy Đảng, chính quyền thông qua các đại biểu dân cử. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng cho biết, sau các hội nghị tiếp xúc cử tri, Mặt trận thành phố tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, gửi đến Trung ương MTTQ Việt Nam để phản ánh tại các kỳ họp Quốc hội và gửi đến HĐND thành phố thông qua báo cáo chính quyền, báo cáo ý kiến cử tri trước và sau kỳ họp.

Theo ông Thắng, những vấn đề Mặt trận các cấp thành phố kiến nghị với các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan có liên quan là những vấn đề mang tính khái quát về tình hình xã hội, tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc của nhân dân để chính quyền có định hướng rõ khi xây dựng các chính sách, kế hoạch, dự án của từng lĩnh vực, cũng như bảo đảm sát thực với các vấn đề cụ thể, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt nam thành phố phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức 39 hội nghị tiếp xúc cử tri, các buổi tiếp xúc chuyên đề, nhóm đối tượng kết hợp tiếp xúc cử tri với lấy ý kiến một số dự án luật mà nhân dân và dư luận quan tâm.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổng hợp 385 ý kiến, kiến nghị của cử tri thành phố, gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội các kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của các bộ, ngành Trung ương; gửi 227 ý kiến kiến nghị đến UBND thành phố, quận, huyện, sở, ngành và các cơ quan Trung ương có văn phòng, trụ sở đặt trên địa bàn thành phố đề nghị xem xét, giải quyết.

Bên cạnh đó, phối hợp HĐND thành phố tổ chức 163 điểm tiếp xúc cử tri tại các đơn vị bầu cử với gần 22.000 lượt cử tri tham dự, hơn 1.200 ý kiến phát biểu. Đồng thời, phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề với văn nghệ sĩ, công nhân lao động, chương trình “HĐND với cử tri”. Đây cũng là điểm sáng trong cách đổi mới nội dung, hình thức phối hợp tiếp xúc cử tri trong nhiệm kỳ 2021-2026.

Theo Mặt trận thành phố, việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri thời gian qua được UBND thành phố, các ngành và địa phương thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, tập trung chỉ đạo giải quyết kiến nghị của cử tri còn tồn đọng, kéo dài, có đề ra lộ trình xử lý đối với những nội dung cần thời gian, cơ bản đáp ứng yêu cầu của cử tri. Điều đó đã góp phần đưa tiếng nói của hội viên, đoàn viên đến với Đảng, chính quyền các cấp, tăng cường sự đồng thuận của nhân dân, đưa chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào thực tiễn cuộc sống.

NGỌC PHÚ

.