Chính trị

Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính vào 6 lĩnh vực

09:27, 03/02/2024 (GMT+7)

Chiều 2-2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến phiên họp thứ 7 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ nhằm đánh giá kết quả công tác cải cách thủ tục hành chính năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội nghị.  Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Nội vụ cho biết năm 2023, với phương châm “Đoàn kết kỷ cương, bản lĩnh linh hoạt, đổi mới sáng tạo, kịp thời hiệu quả”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao, quyết liệt, tạo động lực chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính của cả hệ thống hành chính và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các nội dung, trọng tâm là xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), chuyển đổi số; nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính; tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế, TTHC đang cản trở sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện chỉ đạo, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, trọng tâm; tập trung vào cải cách TTHC, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Đi đôi với đó, việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy và hoàn thiện quy định về vị trí, việc làm tại cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến tích cực; việc xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có nhiều kết quả, mô hình hay.

Tham luận tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, trong năm 2023, công tác cải cách TTHC được thành phố đặc biệt quan tâm đẩy mạnh. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố; việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với công tác chuyển đổi số đã tạo nhiều thay đổi trong quy trình tiếp nhận và giải quyết TTHC, việc tăng cường cung cấp, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi, giảm đi lại, giảm thời gian giao dịch, chờ đợi, giảm chi phí cho người dân, tổ chức.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo tăng cường tinh thần, trách nhiệm trong thực hiện và phối hợp thực hiện các nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị, địa phương, nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong đội ngũ cán bộ, công chức được quán triệt thực hiện nghiêm túc. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm; hiệu lực, hiệu quả bộ máy hành chính các cấp, các ngành không ngừng được nâng lên; các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong thực hiện cải cách hành chính thực hiện bảo đảm tiến độ đề ra...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian tới, yêu cầu công việc ngày càng cao, nhiệm vụ ngày càng nhiều, mong muốn của nhân dân thì ngày càng lớn, do đó, cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính trong 6 lĩnh vực. Theo đó, đối với cải cách thể chế, Thủ tướng yêu cầu phải tháo gỡ vướng mắc pháp lý trong sản xuất, kinh doanh. Về cải cách TTHC cần phải tập trung đơn giải hóa các thủ tục; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giảm chi phí đầu vào cho người dân, doanh nghiệp. Đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính cần tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh giản biên chế nhưng phải cơ cấu lại và nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, công chức, viên chức.

Đối với cải cách chế độ công vụ, tập trung kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, đạo đức công vụ và trách nhiệm của người thực thi công vụ. Đối với cải cách hành chính công, cần tập trung cho việc tăng thu, giảm chi thường xuyên; chống tiêu cực, tham nhũng trong tài chính công, cơ cấu lại tăng chi cho đầu tư phát triển. Đối với việc xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cần đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, công dân số; đặc biệt, tập trung thực hiện hiệu quả hơn nữa Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt Đề án 06) của Chính phủ.

NGỌC PHÚ

.