Chính trị

Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2024)

Tinh thần 29 tháng 3 trong kỷ nguyên số

07:53, 29/03/2024 (GMT+7)

Lịch sử đã khắc ghi: Đã có một thế hệ những con người Đà Nẵng, suốt 21 năm ròng rã chiến đấu đổ máu hy sinh để có được ngày 29 tháng 3 năm 1975 lịch sử, quê hương hoàn toàn giải phóng; bắt đầu bắt tay vào công cuộc xây dựng hòa bình.

Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng tìm hiểu năng lực của nhà đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu lớn (Bigdata) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: GIA PHÚC
Đoàn công tác thành phố Đà Nẵng tìm hiểu năng lực của nhà đầu tư phát triển trung tâm dữ liệu lớn (Bigdata) tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: GIA PHÚC

49 năm đã trôi qua. Một thế hệ mới mang tinh thần 29 tháng 3 lại tiếp tục viết nên những chiến công mới, đạt được những thành tựu mới trên mọi lĩnh vực, làm cho hình ảnh Đà Nẵng ngày càng trở nên đẹp đẽ và thân thiện trong lòng bạn bè gần xa. Khó có thể so sánh - mà cũng không nên so sánh chiến công trong chiến đấu với những chiến công trong hòa bình - nhưng điều quan trọng là mọi chiến công, mọi thành tựu đó đều mang dấu ấn của sự nỗ lực bền bỉ của đảng bộ và nhân dân thành phố, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng vượt lên thách thức để đạt tới chiến thắng.

Trong công cuộc chuyển đổi số hiện nay, Đà Nẵng cũng như các địa phương trong cả nước đang đứng trước những thử thách mới. Nhưng Đà Nẵng cũng đã luôn tìm những cách thức nhanh nhất để sớm đạt tới những thành tựu trong lĩnh vực này. Hàng chục năm về trước, khi Bộ chỉ số sẵn sàng cho ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin Việt Nam (Vietnam ICT Index) được ban hành nhằm đánh giá mức độ phát triển công nghệ thông tin (CNTT) tại các địa phương, ngành trên cả nước và sự sẵn sàng và ứng dụng CNTT vào các lĩnh vực, thì Đà Nẵng liên tiếp 12 năm dẫn đầu khối tỉnh, thành phố.

Điều quan trọng là cho đến nay, kết quả này vẫn được duy trì, cập nhật liên tục. Chính sự nhạy bén và sáng tạo đó đã giúp cho Đà Nẵng sớm có một hạ tầng thông tin đảm bảo và - như đánh giá của các chuyên gia - đã có những bước phát triển vượt bậc, được mở rộng theo hướng dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng ngày càng cao đáp ứng các yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, cũng như sẵn sàng cho việc triển khai xây dựng thành phố thông minh, phát triển chuyển đổi số.

Nói đến danh hiệu thành phố thông minh, cũng cần nhắc lại sự kiện: Năm 2023 vừa qua, Hội đồng bình chọn giải thưởng Thành phố thông minh Việt Nam (Smart City Award Vietnam) công bố kết quả bình chọn thành phố Đà Nẵng đoạt Giải thưởng Thành phố thông minh 2023. Đây là giải thưởng thường niên được Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) tổ chức từ năm 2020 nhằm ghi nhận, tôn vinh các đô thị, tổ chức, doanh nghiệp có những đóng góp giúp các thành phố trở nên thông minh hơn, đáng sống hơn, có thương hiệu, có sức cạnh tranh và phát triển bền vững. Đây là lần thứ 4 liên tiếp Đà Nẵng vinh dự được trao giải thưởng này.

Gần đây nhất, trong những ngày đầu năm 2024, lãnh đạo thành phố đã công bố quyết định thành lập Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC), một tổ chức có thể coi là khá mới mẻ và mạnh dạn của một địa phương,  có chức năng thực hiện các hoạt động nghiên cứu, đào tạo thiết kế trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo; liên kết, hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, đào tạo, thiết kế vi mạch, bán dẫn và phát triển trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố.

Theo đó, công tác đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn cũng như những lĩnh vực thuộc công nghệ cao khác đang được xúc tiến khẩn trương với sự tham gia của các cơ quan chuyên môn, các cơ sở đào tạo trên địa bàn thành phố có sự phối hợp, hỗ trợ của các tập đoàn hàng đầu thế giới về vi mạch bán dẫn song song với  các hoạt động xúc tiến đầu tư tại nước ngoài về lĩnh vực này.

Thông tin nói trên gợi lên những suy nghĩ về tính bức thiết của việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cho công cuộc chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo và rộng hơn là cuộc cách mạng 4.0 trên địa bàn thành phố. Không ai khác, thế hệ trẻ hôm nay, những người tuổi Zen sẽ là lực lượng chủ công trong sự nghiệp này.  Nếu như trong quá khứ chiến đấu chống ngoại xâm bảo về Tổ quốc, chúng ta đã từng nói đến một thế hệ “chín sớm” để kịp thời phục vụ yêu cầu chiến trường, thì trong kỹ nguyên số hiện nay, có thể nói lứa trẻ đã chín “đúng vụ”, và nói như cách hiện nay, họ đang ở “điểm rơi phong độ” để có thể tham gia vào quá trình hiện đại hóa, cập nhật tri thức công nghệ thông tin.

Theo con số thống kê, hiện nay lực lượng đoàn viên, thanh niên Đà Nẵng  chiếm 30% dân số thành phố, trong số đó có nhiều người có trình độ học vấn chuyên môn kỹ thuật cao, một số không nhỏ được đào tạo bài bản ở nước ngoài. Đó là chưa kể con em người Đà Nẵng thuộc thế hệ thứ 3, thứ 4 đang định cư ở nước ngoài, không ít người, bằng nhiều cách thức khác nhau, mong muốn được đóng góp cho quê hương. Đây sẽ là lực lượng chủ công, xung kích đi đầu trong cách mạng 4.0, ở tất cả các cấp độ, lĩnh vực, trình độ chuyên môn đóng góp xây dựng thành phố.

Nhiều năm qua, chúng ta đã quá quen thuộc với 3 trụ cột của giáo dục: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Ở thời điểm mà nhịp sống CNTT đã bao trùm, vấn đề nâng cao dân trí phải được hiểu là phủ sóng CNTT trong cộng đồng, thực hiện cư dân thông minh qua chuyển đỏi số, lấy số lượng đại trà CNTT để đo dân trí. Về vấn đề đào tạo nhân lực, hướng đi của thành phố chúng ta lúc này phải chăng là tập trung khâu đào tạo nhân lực kỹ thuật bậc cao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số đang phát triển nhanh chóng. Đào tạo nhân lực phải thực sự thực chất, thực học, theo chuẩn trình độ quốc tế, để không bị ngỡ ngàng lúng túng bị động trước làn sóng văn minh công nghệ 4.0. Hiện nay đây là vấn đề đặt ra đối với nước ta, trong đó có Đà Nẵng. 

Một khí thế 29 tháng 3, tinh thần 29 tháng 3 trong cuộc cách mạng 4.0 đã và đang hình thành trong thế hệ trẻ Đà Nẵng hôm nay. Tin tưởng rằng, họ sẽ tiếp nối truyền thống 29 tháng 3 trong quá khứ để làm nên những thành tựu to lớn trong kỷ nguyên số, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, công nghiệp công nghệ cao là một trong 3 trụ cột chính được quan tâm tập trung phát triển, nhằm mục đích đưa Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. 

                                                  NẠI HIÊN

.