Chính trị

Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2024)

Góp thêm giọt nước trong dòng chảy ngày 30-4-1975

09:07, 27/04/2024 (GMT+7)

Năm 1975, tôi 15 tuổi. Hoa niên mới lớn. Nói như thơ Huy Cận lúc ấy: “Mắt tin cậy và tóc vừa dưỡng rẽ”. Có một đêm, từ lầu 2 của căn nhà tại đường Triệu Nữ Vương (Đà Nẵng), gia đình tôi tận mắt chứng kiến pháo sáng cháy sáng trên nền trời. Lại nghe nhiều tiếng súng từ xa vọng về. Điều lạ lùng mà trước đây, tôi chưa biết đến. Bất chấp những điều kỳ lạ, rất đáng ngạc nhiên ấy, tôi vẫn nằm khòe trên gạch bông mát lạnh để thả hồn theo từng trang sách. Ngủ thật đẫy giấc. Và, bất ngờ thay, sáng hôm sao đã thấy sự đổi khác. Một thay đổi hoàn toàn mới lạ.

Thơ đoạt giải năm 1975 do Báo Quảng Nam-Đà Nẵng tổ chức.
Thơ đoạt giải năm 1975 do Báo Quảng Nam-Đà Nẵng tổ chức.

Rằng, đường phố nhộn nhịp hơn. Sau dăm câu chào nói, mọi người bàn về tình hình chiến sự đang diễn ra, tôi có nghe đến cụm từ “quân giải phóng”. Tôi còn quá nhỏ để quan tâm đến những điều ấy. Thế nhưng chỉ đến buổi trưa hôm ấy, trưa ngày 29-3-1975, người dân Đà Nẵng đã nhìn thấy sắc phục của quân giải phóng ngập phố phường. Lúc ấy, cùng bạn bè, tôi xách xe đạp rong ruổi qua các ngã đường như tò mò xem những gì đang xảy ra. Đến nay, tôi còn nhớ như in trong đầu vẫn là những tờ truyền đơn đã được mọi người trao nhau, chuyền tay nhau. Tờ truyền đơn ấy thông báo thông tin gì? Thưa rằng, đó là bài thơ của Tố Hữu được in nhiều như bươm bướm, tôi đã đọc và đã nhớ:

Khao khát trăm năm, mãi đợi chờ
Hôm nay vui đến, ngỡ trong mơ
Một trời êm ả, xanh không tưởng
Mặt đất bình yên giấc trẻ thơ.

Bài thơ Việt Nam máu và hoa kín hai mặt giấy, in theo lối quay ronéo.  Sau khi phóng xe chạy các ngã đường, chúng tôi kéo nhau về bến Bạch Đằng, ngay chỗ Cổ viện Chàm, gần trường Sao Mai nhảy tắm sông. Từ ngày đó, lịch sử Đà Nẵng chính thức lật sang trang mới. Đó cũng là những ngày, các ngã tư đường phố đã phát thanh nhiều ca khúc lồng trong bản tin thông báo. Phải nói rằng, đã nghe từ ngày ấy nhưng đến nay, tôi đã nhập tâm từ ca từ đến giai điệu: “Đà Nẵng quê ta ơi hôm nay giải phóng rồi/ Trên sông Hàn lại vang câu hò/ Cờ giải phóng lại bay trên phố cũ/ Trời của ta, đất của ta, con chim trên cành lại cất tiếng ca/ Bao nhiêu mong ước mới có một ngày vui/Đà Nẵng hôm nay giải phóng rồi”. Trí nhớ của ngày tháng ấy tuyệt thật, bởi những gì đã in vào óc lại khó quên. Làm sao quên được những câu tuyên truyền nhắc nhở người dân có vần được ghi/dán khắp nơi:

Ở đây tai vách vạch rừng
Những chuyện công tác xin đừng nói ra
Cho dù bão táp mưa sa
Khách lạ đến nhà phải báo công an

Đó cũng là ngày, tôi nhìn tận mắt cờ giải phóng được treo trước mỗi nhà. Cả thành phố rực màu cờ mới.

Sự kiện “lột xác” của thành phố - nơi tôi sinh ra hầu như ngày ấy không xáo trộn gì nhiều. Ấy là cái nhìn và suy nghĩ của cậu con trai mới lớn, thuở mới bắt đầu “Gương lược thăm hoài tóc ngắn thưa” (Huy Cận).

Sở dĩ, tôi thấy không xáo trộn vì chỉ dăm ngày sau, chúng tôi lại đi học. Khi đến trường Tây Hồ (nay vẫn trên đường Hoàng Văn Thụ) bên cạnh thầy giáo cũ đã có thêm thầy giáo mới. Bài học môn Quốc văn lớp 9, ngay sau ngày giải phóng, tôi còn nhớ đứng trên bục giảng là người thầy mặc quần áo bộ đội. Nét chữ viết bằng phấn trắng trên tấm bảng đen là bài thơ Nhớ con sông quê hương của nhà thơ Tế Hanh, có đoạn:

Quê hương tôi có con sông xanh biếc
Nước gương trong soi tóc những hàng tre
Tâm hồn tôi là một buổi trưa hè
Tỏa nắng xuống lòng sông lấp loáng
Chẳng biết nước có giữ ngày, giữ tháng
Giữ bao nhiêu kỷ niệm giữa dòng trôi?
Hỡi con sông đã tắm cả đời tôi!
Tôi giữ mãi mối tình mới mẻ

Sau này, năm 1994 khi ra Hà Nội dự hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc, gặp nhà thơ Tế Hanh, nghe tôi kể lại chuyện này, ông cảm động lắm. Bấy giờ, đôi mắt của ông đã yếu, không còn nhìn rõ cảnh vật chung quanh nhưng ông vẫn chăm chú nhìn vào gương mặt tôi, cầm chặt lấy tay tôi và khẽ đọc lại bài thơ. Chi tiết này khiến tôi thêm cảm tình với ông. Ngày đó, thời gian học không nhiều, bù lại chúng tôi được dạy nhiều bài hát cách mạng. Đến nay, tôi vẫn còn mường tượng ra tiếng vỗ tay, nhịp hát đồng ca trong những sáng nắng ấm, chiều nắng phai còn rộn ràng âm thanh:

Trường em lợp ngói đỏ
Bên hàng cây xanh xanh
Hàng ngày nghe chim hót
Khúc ca yêu hòa bình

Chúng em thi nhau viết
Thật đẹp tên Bác Hồ
Chúng em thi nhau vẽ
Ngôi sao trên lá cờ

Tiếng hát này đã đi vào ký ức năm tháng đã xa, vừa rồi lúc đưa vợ con về Đà Nẵng và chụp tấm hình lưu niệm tại trường cũ, lạ thay, tôi lại nghe vọng lên tư tâm tưởng ca khúc này. Có gì đó thật xao xuyến với biết bao kỷ niệm cũ ùa về như thác lũ. Như đã nói, học sinh đến trường ngay sau ngày 29-3 thì báo chí cũng vậy. Chỉ dăm ngày sau, tôi đã thấy xuất hiện Báo Quảng Nam - Đà Nẵng. Tờ báo khổ lớn, nếu tôi nhớ không nhầm là báo chỉ có 4 trang, in theo lối ty-pô.

Bấy giờ, tờ báo có tổ chức cuộc thi thơ, tất nhiên một cậu học sinh đã từng có thơ in trên báo Thiếu Nhi, Tuổi Hoa từ hồi học lớp 7, lớp 8, tôi không thể chú ý đến sự kiện này. Tôi đã gửi thơ dự thi và được trao giải thưởng. Sau này, vài chục năm sau nữa, khi đến Đất Quảng ký nhận nhuận bút, nhà thơ Đỗ Văn Đông - thành viên của tạp chí này cho biết ngày đó, anh đã chọn đăng những bài thơ dự thi của tôi. May mắn, nay tôi vẫn còn cắt giữ lại chùm thơ đoạt giải, nay tôi chép lại để thấy sự thay đổi ngày ấy từ đứa trẻ mới lớn sống tại Đà Nẵng:

Lao động tốt

Đi học về bé giúp cha
Đem thóc vẫy gọi đàn gà vào ăn
Bé làm ngày tháng siêng năng
Tưới rau gánh nước, học văn chuyên cần.

Bác nông dân
Lấy mồ hôi đổi bát cơm
Lúa đầy trĩu hạt ngon thơm vô cùng
Bác ơi, yêu bác lạ lùng
Cháu cố gắng học cho lòng bác vui
Mai sau cháu lớn nên người
Cháu làm thợ máy giúp đời đi lên.


Nhớ ơn Bác
(Tặng Thiếu niên chi đội 1)

Trở về thăm mái trường xưa
Cờ sao tung nắng dạ thưa cô thầy
Trường em thơm ngát hàng cây
Hoa xanh thắm nở sum vầy thật tươi
Chúng em ngoan ngoãn đón mời
Yêu thương nhớ đến những lời Bác khuyên.


Chùm thơ này, tôi ký bút danh đã từng in thơ trước đó: Thiên Bất Hủ và không quên mở - đóng “ngoặc đơn” ghi (Học sinh trường Tây Hồ). Thú thật, nay tôi không nhớ được Báo Quảng Nam - Đà Nẵng trao giải nào nhưng còn nhớ là lễ trao giải tổ chức tại nhà hát Trưng Vương. Người chở tôi đi nhận giải là chị Hồng - con của bà dì, chị ruột mẹ tôi. Ấy là kỷ niệm đẹp thời tôi học trường Tây Hồ, rồi ngày 15-6-1975, tôi cùng bạn bè chuyển qua trường Phan Châu Trinh, do thầy Hiệu trưởng Trần Đình Nam ký tên đóng dấu trong học bạ. Sau đó không lâu, ngày 23-7-1977, tôi rời trường đi bộ đội.

Kể lại những chuyện này vì rằng, Đà Nẵng từ ngày ấy đã thuộc về dòng chảy của sự kiện 30-4-1975: Ngày đất nước thống nhất. Tất cả chúng ta đã là một giọt nước trong dòng chảy ấy của hôm qua, hôm nay và ngày sau nữa…

LÊ MINH QUỐC

.