Chính trị

70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Ký ức không phai mờ trong lòng các cựu chiến binh

07:46, 07/05/2024 (GMT+7)

Dù đã 70 năm trôi qua, nhưng những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và chiến sĩ Điện Biên đang sinh sống tại Đà Nẵng vẫn nhớ như in những tháng ngày gian khổ, hào hùng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Ký ức về một thời hoa lửa và niềm tự hào không những không phải mờ mà còn tăng thêm sức mạnh để những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và chiến sĩ Điện Biên sống tiếp những năm tháng ý nghĩa và luôn là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên phải) thăm hỏi sức khỏe ông Hoàng Ngánh. Ảnh: LÊ HÙNG
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (bên phải) thăm hỏi sức khỏe ông Hoàng Ngánh. Ảnh: LÊ HÙNG

Bừng bừng khí thế, ý chí quyết tâm đánh thắng

Dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 - 7-5-2024), chúng tôi xúc động khi được gặp gỡ và trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Phú (SN 1925, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), một trong những nhân chứng tham gia chiến dịch “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, làm nên một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Ông Phú tiếp chúng tôi bằng những câu chuyện hào hùng của một cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Dù chuẩn bị bước sang tuổi 100, nhưng trí nhớ của ông mẫn tiệp, với chất giọng hừng hực lửa Điện Biên. Ông Phú sinh tại huyện Phong Điền (tỉnh Thừa Thiên Huế), năm 1945 ông tham gia hoạt động bí mật, trở thành cán bộ tiền khởi nghĩa... Năm 1953, sau khi kết thúc những trận đấu ở khu vực thượng Lào, ông tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Trung đoàn 57, Đại đoàn 304.

Ông vẫn nhớ những ngày hành quân lên Tây Bắc, từ nơi đóng quân băng qua quãng đường dài với nhiều khu rừng hiểm trở. Để bảo đảm bí mật, an toàn nên đơn vị ông phải hành quân vào ban đêm, kéo dài cả tháng trời mới đến được Điện Biên. Cuộc hành quân để lại trong trí nhớ ông là một hành trình băng rừng, lội suối với địa hình phức tạp, những quả đồi núi cao, những con dốc lớn, những con đường bí mật xuyên rừng cùng những con suối sâu nước chảy xiết. Dù trải qua hành trình gian khổ, vất vả, hiểm nguy nhưng tinh thần của các chiến sĩ bộ đội và dân công ta luôn bừng bừng khí thế, ý chí quyết tâm đánh thắng kẻ thù...

“Khi mới đào hào được đến độ sâu bằng đầu gối thì quân địch bắn pháo sáng và phát hiện ra chúng tôi. Chúng nã pháo ác liệt về phía chúng tôi, anh em chúng tôi chỉ biết nằm ráp xuống lòng hào tránh đạn. Trong đêm tối, chúng tôi không nhìn thấy gì...”, ông Phú nhớ lại.

Theo ông Phú, Trung đoàn 57, Đại đoàn 304 có nhiệm vụ kiềm chế pháo binh địch và đánh vào khu C (Hồng Cúm), nếu có điều kiện thì tiêu diệt địch... “Chủ trương ban đầu của ta là đánh nhanh, giải quyết nhanh, sau đó đổi phương châm là đánh chắc, thắng chắc. Chúng tôi liên tục kéo pháo, đào hầm... Đào hào giao thông từ cánh đồng Mường Thanh cho đến cánh đồng Hồng Cúm. Hai cánh đồng đó hầm chi chít, bao gồm hầm chiến đấu, hầm tải thương,… Chúng tôi đào hào đến tận đồi A1 và tham gia đánh thẳng vào đồi A1, cũng như đánh địch phản công…”, ông Phú kể.

Ông Phú hồi tưởng, để góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hào hùng, đã có sự hy sinh, mất mát to lớn của biết bao người lính “Bộ đội Cụ Hồ”, vì độc lập, tự do của dân tộc. “Nhiều đồng chí bị thương, hy sinh trong quá trình chiến đấu, nhưng được sự quan tâm, động viên của cấp trên, với lòng yêu nước, căm thù giặc nên chúng tôi đã nhanh chóng tổ chức lại đội hình chiến đấu với khẩu hiệu “Còn một người, một khẩu pháo, một viên đạn cũng quyết tâm chiến đấu”. Cả đơn vị ai cũng thương nhớ các đồng chí hy sinh nên càng quyết tâm chiến đấu với quân địch đến cùng”, ông Phú xúc động nói.

Kết thúc Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Phú tiếp tục tham gia chiến đấu tại các chiến trường Bình - Trị - Thiên, Gia Lai… Sau khi đất nước được giải phóng, ông công tác tại Viện Kiểm sát Quân khu 5. Năm 1985, ông nghỉ hưu khi đang giữ chức vụ Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Quân khu 5. Giờ đây, khi sắp bước sang tuổi 100 ông vẫn rất minh mẫn và luôn vui vẻ bên con cháu, bà con xóm giềng.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ 2, bên trái sang) thăm hỏi sức khỏe và tặng quà cho ông Nguyễn Văn Toản. Ảnh: LÊ HÙNG
Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (thứ 2, bên trái sang) thăm hỏi sức khỏe và tặng quà cho ông Nguyễn Văn Toản. Ảnh: LÊ HÙNG

Người Đà Nẵng luôn hướng về Điện Biên Phủ

Dù đã gần 90 tuổi nhưng ông Hoàng Ngánh (phường An Khê, quận Thanh Khê) vẫn có thể kể vanh vách những tháng ngày chiến đấu tại chiến trường Điện Biên Phủ. Ông Hoàng Ngánh quê huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). 17 tuổi, ông lên đường nhập ngũ, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại Đại đội 505, Tiểu đoàn 115, Trung đoàn 165, Đại đoàn 312. Đầu năm 1954, ông Ngánh cùng đồng đội được điều động lên Điện Biên để làm đường, đào hào, kéo pháo chuẩn bị chiến đấu.

Theo ông Hoàng Ngánh, nhiệm vụ đầu tiên của đơn vị là bắn vào sân bay Mường Thanh, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, làm tê liệt cứ điểm này, diệt các cứ điểm pháo binh của địch để bộ binh xung phong đánh vào. Tuy vất vả, nguy hiểm nhưng ta đã thắng lợi ngay trong trận đầu tiên, tạo thuận lợi cho bộ binh tổ chức tiến công tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, Độc Lập, đập vỡ tuyến phòng thủ phía bắc của địch.

“Chúng tôi đánh vào đồi Him Lam, đồi Độc Lập ở Điện Biên. Sau khi đánh xong chúng tôi chuyển vào trung tâm đánh vào trận địa địch và làm cho địch bị suy yếu. Lúc ấy, pháo binh dội liên tục ngày đêm, dây thép gai chằng chịt nên chúng tôi phải khoét núi, đào hầm, dành từng cứ điểm, từng chiến hào, từng khu vực, dần dần làm địch suy yếu rồi đầu hàng. Anh em chúng tôi luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, suốt ngày giáp mặt với địch. Bạn bè đồng đội của tôi ở trong 1 tiểu đội hy sinh 6 người trong chiến hào”, ông Ngánh nhớ lại.

Cũng như ông Nguyễn Hữu Phú, ông Hoàng Ngánh, những tháng ngày tại chiến trường Điện Biên Phủ vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Khi nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, bà Vũ Thị Bốn (SN 1935), ông Nguyễn Văn Toản (SN 1920, đều ở tại quận Hải Châu), ông Lê Trọng Nguyên (SN 1936), ông Thái Đắc (SN 1925, đều ở tại quận Cẩm Lệ), ông Trương Văn Tiễn (SN 1932, quận Sơn Trà), ông Đồng Quang Vinh (SN 1937, quận Thanh Khê) cho rằng, lúc đó tất cả đều có một sức mạnh phi thường, có thể mang vác cả tạ lương thực, vũ khí, đạn dược; cũng như khoét núi, vượt hào nhiều ngày liền...

Ông Đồng Quang Vinh cho biết, ông vào bộ đội năm 1953, khi 16 tuổi và được phân công về Trung đoàn 94, Đại đoàn 350. Vào bộ đội không lâu, ông Vinh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiệm vụ của ông Vinh cùng đồng đội lúc đó là làm đường, đào hào, rồi “kéo pháo vào, kéo pháo ra” do chỉ huy bất ngờ thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. “Ngày ấy muốn đánh vào đồn địch, bộ đội ta phải đào giao thông hào. Khi đến gần vị trí của địch, để không bị phát hiện, chúng tôi phải đào hào vào ban đêm, rồi kéo pháo từ dưới đồng bằng lên. Chiến trường thì ác liệt, gian khổ là vậy nhưng chưa bao giờ chúng tôi nhụt chí, chùn bước”, ông Vinh kể.

Những ngày tháng chiến đấu gian khổ, đầy tự hào của những chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa mãi là trang sử hào hùng để các thế hệ con cháu khắc ghi, học tập, phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên xây dựng quê hương, đất nước. Trong suốt 70 năm qua, người Đà Nẵng luôn hướng về Điện Biên Phủ như một niềm tự hào về lòng quả cảm, sức chịu đựng và tài trí phi thương của dân tộc Việt Nam ta.

Nghĩa cử cao đẹp
Theo Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, tại Đà Nẵng có 5 liệt sĩ trực tiếp tham gia chiến đấu và hy sinh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hiện trên địa bàn thành phố còn 24 chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống. Những ngày qua, lãnh đạo thành phố và các sở, ban, ngành, hội đoàn thể, địa phương tổ chức thăm hỏi sức khỏe, động viên và tặng quà cho những chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ; đồng thời viếng hương các liệt sĩ trực tiếp chiến đấu và hy sinh tại Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đây là nghĩa cử cao đẹp nhằm tri ân và bày tỏ lòng biết ơn đối với sự công hiến tuổi thanh xuân của các chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.
Diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm trọng thể 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” sẽ diễn ra vào 7 giờ 45 sáng ngày 7-5-2024 tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Đây là sự kiện chính thức và quan trọng nhất trong chuỗi các sự kiện, hoạt động kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, do Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức. Sau lễ mít tinh là lễ diễu binh, diễu hành với sự tham gia của khoảng 12.000 người, gồm tất cả các lực lượng của quân đội, dân quân tự vệ và công an, các ban ngành, đoàn thể xã hội.
Toàn bộ chương trình mít tinh kỷ niệm, diễu binh, diễu hành được Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) tường thuật trực tiếp. Chinhphu.vn

LÊ HÙNG

.