Chính trị

Xây dựng trường chính trị đạt chuẩn để nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

07:52, 07/06/2024 (GMT+7)

Thực hiện Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XIII) về trường chính trị chuẩn, dự kiến đến cuối năm nay Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng đạt chuẩn mức 1 về xây dựng các tiêu chí như trình độ đội ngũ giảng viên, xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trong công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và xây dựng văn hóa trường Đảng.

Học viên lớp 38C, niên khóa 2023-2024 trong ngày nhận Bằng tốt nghiệp Trung cấp Chính trị - Hành chính tại Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng.  Ảnh: H.N
Học viên lớp 38C, niên khóa 2023-2024 trong ngày nhận Bằng tốt nghiệp Trung cấp Chính trị - Hành chính tại Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng. Ảnh: H.N

Những năm qua, Thành ủy triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện khâu đột phá về công tác cán bộ nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII. Một trong những giải pháp rất quan trọng là nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị và chuyên môn cho cán bộ. Do đó, xây dựng trường chính trị chuẩn là thể chế hóa Quy định số 11-QĐ/TW, góp phần trực tiếp nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn và cán bộ giảng dạy về công tác xây dựng Đảng. Việc chuẩn hóa các mặt công tác của trường chính trị nhằm tạo cơ sở cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy đối với trường chính trị trong công tác lãnh đạo, quản lý, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị. Chuẩn hóa trường chính trị giúp củng cố vấn đề quan trọng của xây dựng Đảng về tư tưởng và chuẩn hóa bằng cấp cho đội ngũ cán bộ.

Để đạt mức 1 trường chính trị chuẩn, các trường phải đạt yêu cầu 6 nhóm tiêu chí với 55 chỉ tiêu. Hiện nay Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng có 53 chỉ tiêu đạt, 1 chỉ tiêu vượt và 1 chỉ tiêu chưa đạt. Ông Nguyễn Đình Thuận, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, xây dựng trường chuẩn giúp nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên thông qua việc chuẩn hóa với quy định có bao nhiêu tiến sĩ, thạc sĩ, giáo viên/giảng viên chính; nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của đội ngũ giảng viên với yêu cầu vừa giảng dạy lý luận vừa nghiên cứu khoa học, nghiên cứu cơ chế chính sách trong xây dựng hệ thống chính trị và tư vấn chính sách cho địa phương, thực hiện bao nhiêu bài báo khoa học mỗi năm; xây dựng cơ sở hạ tầng trường chuẩn để phục vụ công tác giảng dạy. Xây dựng đội ngũ cán bộ là quan trọng nhất trong xây dựng trường chuẩn. Một số tiêu chuẩn trường chớm ở mức 2 gồm: đội ngũ lãnh đạo, đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất kỹ thuật. Xây dựng trường chuẩn mức 2 yêu cầu lãnh đạo các khoa và đội ngũ giảng viên đạt trình độ tiến sĩ, 5 năm thực hiện được 5 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên được nghiệm thu ở mức đạt trở lên. Hiện chúng tôi mới có 5 giảng viên trình độ tiến sĩ, có 3 người đang đào tạo”, ông Thuận chia sẻ.

Ông Thuận cũng cho rằng, xây dựng trường chính trị chuẩn là điều bắt buộc thực hiện, giúp khắc phục được những khó khăn, tạo bước đột phá các trường chính trị trên cả nước nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn, hoàn thành nhiệm vụ được giao với chất lượng, hiệu quả tốt nhất, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Trường Chính trị thành phố đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị- hành chính cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố với khoảng 6-8 lớp/năm, cho khoảng 400-500 người. Ngoài ra còn mở thêm các lớp ngoài kế hoạch tùy theo nhu cầu học của các cơ quan, đơn vị, do yêu cầu liên quan đến công tác bổ nhiệm và ý thức học tập chính trị mà thủ trưởng các cơ quan đề nghị mở lớp, với khoảng 5 lớp/năm, cho khoảng 400 người. Ngoài ra, trường còn mở các lớp bồi dưỡng chương trình chuyên viên chính, chuyên viên theo chức danh trưởng, phó phòng; chủ tịch, phó chủ tịch phường, xã; HĐND cấp quận, huyện; đối tượng 4… giúp nâng cao trình độ cán bộ cấp cơ sở. Tính từ năm 2019-2023, Trường Chính trị thành phố đào tạo 60 lớp trung cấp lý luận chính trị- hành chính, 56 lớp bồi dưỡng. Giảng viên của trường cũng thường xuyên về cơ sở báo cáo các chuyên đề về xây dựng Đảng; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin…

Theo Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư, bộ tiêu chí trường chính trị chuẩn là căn cứ đánh giá trường chính trị trong từng lĩnh vực hoặc nội dung hoạt động. Có 6 nhóm tiêu chí: về thể chế, quy định; về đội ngũ cán bộ, viên chức; về hoạt động đào tạo, bồi dưỡng; về hoạt động nghiên cứu khoa học, tổng kết thực tiễn; về xây dựng văn hóa trường Đảng, thực hiện kỷ luật, kỷ cương; về cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật, tài chính. Mỗi tiêu chí có các chỉ tiêu cụ thể, lượng hóa được. Trường chính trị chuẩn được quy định có 2 mức: chuẩn mức 1 và chuẩn mức 2. Để đạt chuẩn mức 1, trường chính trị phải đạt các chỉ tiêu của 6 nhóm tiêu chí trên. Để đạt chuẩn mức 2, trường chính trị phải đạt 6 nhóm tiêu chí ở chuẩn mức 1 nhưng với các chỉ tiêu cao hơn. Thời gian đánh giá các tiêu chí để công nhận trường chính trị chuẩn là quá trình 5 năm cho đến thời điểm đề nghị xét công nhận trường chính trị chuẩn.

HOÀNG NHUNG

.