Chính trị
Phát huy thế trận lòng dân trong công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí
Đảng ta luôn xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Ðảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ và nhấn mạnh phương pháp, cách thức PCTNTC: Phải biết phát huy “thế trận lòng dân”, dựa vào dân, lắng nghe dân, cái gì mà quần chúng nhân dân hoan nghênh, ủng hộ thì chúng ta phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, cái gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta phải cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm. Quan điểm nhất quán của người đứng đầu Ðảng ta là nếu không dựa vào quần chúng nhân dân thì cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực khó thành công.
Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng ngừa, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí hiệu quả thì phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp quan trọng là xây dựng “thế trận lòng dân”. Đây là giải pháp cơ bản, lâu dài, quan trọng quyết định các giải pháp khác. “Thế trận lòng dân” là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu, phấn đấu của toàn dân tộc được quy tụ, tập hợp, khơi dậy, phát huy, tạo cơ sở vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân.
Khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng có tính cốt tử của “lòng dân” và “thế trận lòng dân”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”.
Thực tiễn thời gian qua cho thấy, nhiều hành vi tham nhũng, tiêu cực bị đưa ra ánh sáng là do quần chúng nhân dân phát hiện, phản ánh, tố giác. Từ nguồn tin trong nhân dân, cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, cơ quan có chức năng vào cuộc điều tra làm rõ hành vi vi phạm, từ đó có phương án xử lý nghiêm minh để vừa răn đe, cảnh tỉnh những đối tượng vi phạm, đồng thời ngăn chặn các hành vi tiêu cực, góp phần phòng ngừa từ xa, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, phải khởi tố vụ án, đưa ra xét xử.
Tai mắt của nhân dân ở khắp mọi nơi, cho nên khi quần chúng nhân dân ý thức rõ được vai trò của mình và có trách nhiệm tham gia PCTNTC thì công tác này nhất định đạt hiệu quả, góp phần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị ở cơ sở. Bên cạnh đó, nhân dân tham gia góp ý kiến thông qua việc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, kiến nghị với Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, hỗ trợ hoạt động của Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC đã góp phần rất thiết thực trong công tác phòng ngừa những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, đồng thời chỉ ra những ưu, khuyết điểm để giúp cán bộ, đảng viên “tự soi”, “tự sửa”.
Thời gian qua, công tác đấu tranh PCTNTC của Đà Nẵng đạt được nhiều nổi bật, đó là kết quả từ được sự đồng ý, ủng hộ và thể hiện phát huy của thế trận lòng dân. Từ năm 2018 đến tháng 5-2024, Công an thành phố Đà Nẵng phát hiện, khởi tố 40 vụ án/ 79 bị can, tài sản thiệt hại 350,56 tỷ đồng, thu hồi tài sản thiệt hại ước tính 325 tỷ đồng, trong đó có nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng mang tính phức tạp, gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn.
Điển hình, đã điều tra làm rõ, khởi tố các vụ án như: Vụ án tham ô tài sản xảy ra tại CDC Đà Nẵng liên quan đến các sai phạm trong hoạt động sử dụng sinh phẩm, vật tư y tế phục vụ phòng, chống Covid-19; vụ án vi phạm các quy định về quản lý Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại Công ty Phát triển nhà Đà Nẵng; vụ án đưa và nhận hối lộ xảy ra tại UBND quận Cẩm Lệ liên quan đến việc đấu thầu và thi công nạo vét bùn hệ thống cống thoát nước trên địa bàn quận; vụ án tham ô tài sản xảy ra tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng; vụ án nhận hối lộ, môi giới hối lộ xảy ra tại các trung tâm đăng kiểm.
Các vụ án trên đều liên quan đến người đứng đầu các tổ chức, cơ quan quản lý Nhà nước, qua đó thấy rằng công tác đấu tranh phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, lãng phí là “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Qua xử lý nghiêm minh, triệt để các vụ án về tham nhũng, tiêu cực từ đó củng cố thêm niềm tin của quần chúng nhân dân về Đảng, Nhà nước góp phần quan trọng trong xây dựng thế trận lòng dân và công cuộc phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Tuy nhiên, công tác PCTNTC của thành phố vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Công tác quản lý cán bộ của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn lỏng lẻo, yếu kém; đôi lúc chưa chú trọng công tác kiểm tra giám sát, đôn đốc việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị; sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phòng, chống tham nhũng chưa chặt chẽ, sâu sát. Hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ; một số văn bản quy định chưa cụ thể, rõ ràng, tạo nhiều kẽ hở cho đối tượng có điều kiện để “lách luật” trục lợi. Đối tượng tham nhũng hầu hết đều là những người có chức vụ, quyền hạn, nhiều mối quan hệ xã hội, có trình độ chuyên môn, hiểu biết về kinh tế, xã hội nên hành vi phạm tội được thực hiện tinh vi, xảo quyệt, khó phát hiện.
Từ thực trạng trên cho thấy, cuộc đấu tranh PCTNTC vô cùng phức tạp, khó khăn, đòi hỏi phải tiến hành quyết liệt, bền bỉ, thường xuyên, không ngơi nghỉ. Cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng việc phát huy sức mạnh của nhân dân, dựa vào nhân dân như một giải pháp cơ bản, hiệu quả, theo tinh thần “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và thực hiện tốt công tác tuyên truyền tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quán triệt sâu sắc những nội dung cốt lõi quan điểm: Một số vấn đề rút ra từ thực tiễn cuộc đấu tranh PCTNTC ở Việt Nam; nhất quán phương châm phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc; trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt.
ĐẢNG ỦY CÔNG AN THÀNH PHỐ