Chính trị

Tích cực đóng góp vào phát triển quan hệ Việt Nam - Nhật Bản

08:32, 26/07/2024 (GMT+7)

Mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển tốt đẹp, tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố Đà Nẵng tiếp tục chủ động, tích cực tăng cường hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản trong những năm đến.

Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản tại Đà Nẵng tạo ấn tượng tốt đẹp với người dân, du khách cũng như tạo tiếng vang lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: T.P
Lễ hội Việt Nam - Nhật Bản tại Đà Nẵng tạo ấn tượng tốt đẹp với người dân, du khách cũng như tạo tiếng vang lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: T.P

Sự gắn bó giữa Đà Nẵng và các địa phương Nhật Bản

Theo Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Đông Bắc Á (Bộ Ngoại giao) Lâm Thị Thanh Phương, năm 2023, Việt Nam và Nhật Bản nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, đồng thời mở ra những triển vọng hợp tác cấp địa phương. Trong đó, Đà Nẵng là một trong những địa phương rất chủ động, tích cực hợp tác với các địa phương, doanh nghiệp Nhật Bản. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác đầu tư số 1 tại Đà Nẵng. Nhiều công ty, tập đoàn lớn của Nhật Bản đều có dự án đầu tư tại thành phố như Honda, Mikazuki, Murata Manufacturing…

Những dự án này đã và đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng. Các doanh nghiệp đánh giá cao về sự hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền thành phố. “Với tiềm năng, thế mạnh vượt trội cùng sự tin cậy cao, tình cảm gắn bó với các địa phương, đối tác Nhật Bản, tôi tin tưởng rằng Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các địa phương Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực mới”, bà Phương nói.

Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki, quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đang ở giai đoạn tốt đẹp nhất. Hai bên không chỉ trong quan hệ song phương mà còn trên trường quốc tế trên các lĩnh vực như kinh tế, an ninh, văn hóa và giao lưu nhân dân. Tại khu vực miền Trung, thành phố Đà Nẵng là đối tác quan trọng trên nhiều phương diện, trong đó có thương mại, đầu tư và du lịch. Đặc biệt, năm nay là năm khởi đầu cho chặng đường hướng tới 50 năm tiếp theo của mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Nhật Bản - Việt Nam. Do đó, đại sứ mong muốn hai bên phải cụ thể hóa các hoạt động hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của hai nước.

Đại sứ Ito Naoki cho biết, gần đây, các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư mới vào lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin tại Đà Nẵng. Điển hình như Tập đoàn Pasona đã thành lập Pasona DX Hub Đà Nẵng chuyên đào tạo kỹ sư trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Công ty Rorze chuyên về lĩnh vực công nghệ bán dẫn, dự định mở rộng đầu tư tại Đà Nẵng với vốn đầu tư là 15 tỷ Yên. “Tôi cho rằng những dự án đầu tư này sẽ góp phần to lớn giúp thành phố Đà Nẵng đạt mục tiêu trở thành trung tâm kết nối công nghệ cao của khu vực Đông Nam Á”, Đại sứ Ito Naoki nói.

Lựa chọn Đà Nẵng để đầu tư

Theo kết quả khảo sát về đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 2023 của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam là quốc gia đứng thứ 2 trong số các quốc gia mà các doanh nghiệp Nhật Bản muốn đầu tư nhất; 57% doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có ý định tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư. Trưởng đại diện Tổ chức JETRO Takeo Nakajima cho biết, các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản hướng tới và mong muốn đầu tư tại Đà Nẵng trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI). Đà Nẵng cần tiếp tục đẩy mạnh hơn cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy phép đầu tư; tập trung đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư vào thành phố.

Đại diện Công ty TMI (Nhật Bản) chia sẻ, Đà Nẵng là một trong những điểm đến đầu tư hàng đầu của các công ty Nhật Bản đang có ý định mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Bởi môi trường kinh doanh tốt, thành phố có nhiều chính sách ưu đãi, nhất là ưu đãi về chi phí thuê đất, nhà xưởng trong các khu công nghiệp. Chính quyền thành phố luôn hỗ trợ, hợp tác tích cực và tạo điều kiện thuận lợi với các doanh nghiệp. Hơn nữa, thành phố có nhiều cơ sở đào tạo nguồn nhân lực chất lượng trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin. Vậy nên các công ty, doanh nghiệp Nhật Bản hoàn toàn yên tâm về nguồn nhân lực tại Đà Nẵng. “Đà Nẵng không chỉ là thành phố đáng để đầu tư mà còn là thành phố đáng sống”, đại diện Công ty TMI bày tỏ.

Vừa qua, tại Hội nghị gặp gỡ Đà Nẵng - Nhật Bản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường cho biết, hội nghị với mục đích kết nối hợp tác, thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ thông tin, điện tử, vi mạch và bán dẫn, xúc tiến hợp tác nguồn nhân lực giữa Đà Nẵng và các đối tác Nhật Bản. Việc phát triển vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo, đây là 2 trong 5 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho thành phố.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố, Đà Nẵng đang tập trung phát triển 2 nhóm ngành này trên nhiều khía cạnh. Về nhân lực, thành phố đặt mục tiêu đạt 5.000 kỹ sư vào năm 2030. Về cơ sở hạ tầng, thành phố đã đưa vào hoạt động Khu công nghệ cao, công viên phần mềm số 1 và hiện đang triển khai xây dựng công viên phần mềm số 2. Về cơ chế, thành phố ban hành nhiều chính sách ưu đãi liên quan đến tiền thuê đất, chi phí sử dụng cơ sở hạ tầng… Đặc biệt, Quốc hội cho phép thành phố ban hành những chính sách đặc thù dành cho các nhà đầu tư chiến lược. Đây là tiền đề để Đà Nẵng sớm trở thành một trong những địa phương có môi trường đầu tư thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

THANH PHƯƠNG 

.