Chính trị
Chính quyền đô thị Đà Nẵng: Từ thí điểm đến chính thức
Mô hình chính quyền đô thị ở Đà Nẵng được thí điểm thực hiện với nhiều cơ chế, chính sách được thể nghiệm. Tại kỳ họp thứ 7, khóa XV, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, cho phép thành phố triển khai chính thức chính quyền đô thị từ ngày 1-1-2025 cùng với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động của chính quyền đô thị và áp dụng một số cơ chế chính sách đặc thù để phát triển thành phố. Nghị quyết số 136/2024/QH15 là văn kiện quan trọng để thành phố Đà Nẵng phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực, tạo đột phá phát triển trong giai đoạn tới.
Nghị quyết số 136/2024/QH15 tạo cơ hội để Đà Nẵng phát triển năng động. TRONG ẢNH: Đô thị thành phố nhìn từ trên cao. Ảnh: X. SƠN |
Bài 1: Phù hợp với yêu cầu phát triển
Chính quyền đô thị được hình thành và tổ chức hướng đến mục tiêu là một bộ máy chính quyền tinh gọn, tự chịu trách nhiệm nhằm phát huy tính tự chủ cũng như tối đa mọi tiềm năng của đô thị để phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp.
Sự lựa chọn đúng đắn
Thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường, từ tháng 4 năm 2009, thành phố Đà Nẵng là một trong 10 địa phương của cả nước được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chọn làm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Trong điều kiện đó, với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, HĐND thành phố đã cụ thể bằng chương trình công tác hằng năm để tổ chức thực hiện, quyết định những vấn đề quan trọng của thành phố; đồng thời, việc tổ chức các kỳ họp, các hoạt động giám sát, phối hợp tổ chức tiếp xúc cử tri, tiếp dân, giải quyết các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp..., bảo đảm ngày càng tốt hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan dân cử.
Báo cáo của Sở Nội vụ cho biết, qua thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, UBND các cấp chủ động, xây dựng và ban hành một số giải pháp chủ yếu thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội bảo đảm duy trì được sự ổn định và phát triển tương ứng như thời kỳ còn HĐND cùng cấp.
Thành phố Đà Nẵng luôn thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu và có chỉ số tốt về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin; chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh; chỉ số cải cách hành chính so với toàn quốc. Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND cấp trên đối với cấp dưới xuyên suốt, cụ thể hơn, bảo đảm sự điều hành trực tiếp, nâng cao tính chủ động của cơ quan hành chính và trách nhiệm người đứng đầu.
Theo thống kê, số lượng cung cấp công bố các quyết định, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến nhân dân tại các quận, huyện, phường tăng lượt niêm yết, công khai từ 5.729 (năm 2006) lên 49.424 (năm 2009), tăng 8,6 lần. Đây là ưu điểm vượt trội của mô hình tổ chức cơ quan hành chính khi không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.
Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học - Nghệ thuật Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2004-2011, cho biết khi thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, tính trực tiếp trong chỉ đạo của thành phố đến cơ sở rất rõ, do không qua trung gian; quận ủy, đảng ủy phường tập trung chức năng vào việc thực hiện nghị quyết của HĐND, UBND nên mạnh hơn, nhanh hơn, kịp thời hơn.
Theo Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, UBND do HĐND cùng cấp bầu lên, nên ngày 25-4-2009, lần đầu tiên huyện Hoàng Sa có chủ tịch UBND do chủ tịch UBND thành phố công bố, chức danh này được giao cho giám đốc Sở Nội vụ kiêm nhiệm. Nhờ có tính hợp pháp này mà rất nhiều sự kiện được tổ chức nhằm khẳng định căn cứ pháp lý của quần đảo Hoàng Sa, trong đó có việc thành phố xây dựng Nhà trưng bày Hoàng Sa.
Tuy nhiên, dù có tổ đại biểu HĐND thành phố để kết nối với các địa phương, nhưng theo ông Tiếng, tổ đại biểu mới tập trung tiếp xúc cử tri nhiều hơn, đậm hơn nhưng ai cũng bận việc chuyên môn, làm đại biểu kiêm nhiệm nên chưa thể thay cho HĐND cấp dưới, chưa kịp thời trong lắng nghe và giải quyết kiến nghị của cử tri, vẫn có khoảng cách giữa cử tri và HĐND thành phố.
Tháng 6-2015, Quốc hội thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đầu năm 2016, Nghị quyết số 26/2008/QH12 tạm thời dừng thực hiện, bộ máy nhân sự của HĐND các cấp phục hồi, chức danh chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa trở nên hết hiệu lực. Vấn đề đại biểu chuyên trách và chức danh chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa được khắc phục tại lần thí điểm chính quyền đô thị thứ hai khi Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị lần hai.
Theo quan điểm của PGS, TS Nguyễn Tấn Phát, Giám đốc Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh, các thành phố lớn ở Việt Nam chính là các trung tâm kinh tế, tài chính, nhân lực chất lượng cao, công nghiệp, khoa học công nghệ... nên đóng góp phần lớn tổng sản phẩm quốc nội, ngân sách Nhà nước, tạo việc làm, đổi mới sáng tạo để phát triển đất nước.
Chỉ tính Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và một số thành phố như Hải Phòng, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, thì tỷ trọng tổng sản phẩm quốc nội và ngân sách đạt ngưỡng 50% cả nước. Do đó, sự thay đổi mô hình quản trị công theo hướng chính quyền đô thị sẽ là chìa khoá vàng mở ra cơ hội rộng lớn đầu tư hạ tầng đô thị, dịch vụ, tài chính theo hướng đô thị thông minh, thu hút đầu tư và công nghệ mới xứng tầm, tạo lực hút về vốn, khoa học, tài chính và chất xám để phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước (trích Kỷ yếu hội thảo Mô hình chính quyền đô thị ở Việt Nam hiện nay - Thực tiễn thành phố Đà Nẵng).
Theo Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng là phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý đô thị, là cần thiết để thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên, có sức phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp ngân sách chung của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết số 43-NQ/TW.
Kết quả thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị thời gian qua tại Đà Nẵng cho thấy sự đồng thuận của nhân dân và các cấp chính quyền. Đây là tín hiệu tích cực trong việc hoàn thành mục tiêu từng bước đổi mới mô hình tổ chức chính quyền đô thị nhằm giải quyết những đòi hỏi thực tiễn của quá trình phát triển và yêu cầu quản lý Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng và chính quyền đô thị trên cả nước nói chung.
Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thành phố ngày càng được nâng cao năng lực chuyên môn, chuyên nghiệp. TRONG ẢNH: Giao dịch tại bộ phận “Một cửa” Trung tâm Hành chính thành phố. Ảnh: T. HUY |
Nhiều kết quả tích cực
Từ ngày 1-7-2021, thành phố triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đánh giá của Chính phủ cho biết, sau 3 năm triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị, với sự quyết tâm chính trị của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp của thành phố Đà Nẵng đã lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên trong việc chủ động, kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 và Nghị định số 34/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết và biện pháp thi hành nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội.
Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, qua 3 năm thực hiện thí điểm tổ chức chính quyền đô thị theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, thành phố được những kết quả tích cực, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thủ tục hành chính được cắt giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân. Tính năng động trong hoạt động điều hành của chính quyền, trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu UBND quận, phường được nâng cao. Việc phân cấp, ủy quyền cho cấp dưới và cơ quan chuyên môn được đẩy mạnh và thực hiện toàn diện trên tất cả các lĩnh vực đã bước đầu phát huy tính ưu việt của chính quyền đô thị, bảo đảm phát huy quyền làm chủ của người dân, góp phần quan trọng trong phát triển thành phố Đà Nẵng.
Ông Đồng cho biết, thực hiện cơ chế công chức phường liên thông, thuộc biên chế công chức quận và do UBND quận quản lý, sử dụng. Đây là cơ chế, chính sách mới tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa đội ngũ công chức phường theo hướng chuyên nghiệp, tạo sự chủ động, linh hoạt, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyên, điều động cán bộ giữa quận - phường và ngược lại.
Đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết số 119/2020/QH14, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Sơn Trà cho rằng, việc thực hiện thí điểm cho thấy những kết quả tích cực. Bộ máy chính quyền quận, phường gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn, cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương, góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, đem lại sự hài lòng cho người dân.
Theo Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Nguyễn Hòa, với việc ban hành và tổ chức thực hiện Quy chế làm việc của UBND quận, phường bước đầu phát huy vai trò chủ động, trách nhiệm, sáng tạo của UBND quận, phường trong quá trình phục vụ người dân một cách tốt nhất, đáp ứng sự hài lòng của tổ chức, cá nhân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quận nói riêng, góp phần vào sự phát triển của thành phố nói chung, đặc biệt trong bối cảnh tình hình Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn.
Ngày 30-8-2023, phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 năm của UBND thành phố về thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng đánh giá cao kết quả thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng, đồng thời đề nghị thành phố cần rà soát, xem xét và kiến nghị áp dụng các nghị quyết, nghị định, quy định của Trung ương theo hướng có lợi nhất để thực hiện.
Trong đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý một số nội dung như quy định số lượng cơ quan chuyên môn của quận, tăng đại biểu chuyên trách HĐND thành phố, tính liên thông của cán bộ phường xã (khối Đảng, mặt trận, đoàn thể). Tiến đến giảm dần số lượng người hoạt động không chuyên trách, tăng tỷ lệ công chức cấp xã. Thành phố sớm hoàn thiện hồ sơ bản đồ địa giới hành chính các cấp để đồng bộ, vì liên quan đến công tác tổ chức chính quyền, ranh giới, địa giới.
“Ghi nhận tất cả các kiến nghị, đề xuất của Đà Nẵng, Bộ Nội vụ sẽ trình cấp thẩm quyền, để làm sao đạt mục tiêu tổ chức chính quyền, tổ chức bộ máy tinh gọn, nhưng phải gắn với hiệu lực, hiệu quả chứ không chỉ tinh gọn theo cơ học. Hiệu lực, hiệu quả phải gắn với việc phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng nói.
H.NHUNG - T. HUY - T.HÙNG - N. PHÚ