Chính trị
Đà Nẵng - Hàn Quốc: Hợp tác toàn diện, lâu dài, hiệu quả
Trên nền tảng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc, quan hệ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng với các địa phương Hàn Quốc đang có những bước phát triển ấn tượng trên nhiều lĩnh vực.
Trong chuyến thăm, làm việc tại Hàn Quốc từ ngày 7-7 đến ngày 13-7, Đoàn công tác thành phố do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (giữa) dẫn đầu có cuộc làm việc với Thị trưởng thành phố Busan, ông Park Heong Joon (thứ 6, bên trái sang) ngày 12-7-2024. Ảnh: HOÀN VŨ |
Hiệu quả và nhiều tiềm năng
Hàn Quốc hiện nằm trong top 5 đầu tư tại Đà Nẵng với tổng số vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 371 triệu USD, khoảng 278 dự án. Những năm gần đây, các đối tác Hàn Quốc đầu tư nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, công nghệ cao, tự động hóa tại Đà Nẵng.
Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố Nguyễn Xuân Bình, có thể nói mối quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng và các địa phương Hàn Quốc được thể hiện qua 3 đặc trưng: toàn diện trên các lĩnh vực, hiệu quả trong nhiều chương trình cụ thể và còn nhiều tiềm năng để thúc đẩy khai thác. Tại đề án “Hội nhập và hợp tác quốc tế thành phố Đà Nẵng đến năm 2030” do UBND thành phố ban hành ngày 26-12-2023, thành phố đã phân tích, đánh giá các lợi thế và tiềm năng hợp tác với đối tác Hàn Quốc; đồng thời, đưa ra các định hướng thúc đẩy hợp tác trong thời gian đến. Trên cơ sở đó, Sở Ngoại vụ tăng cường đẩy mạnh hợp tác toàn diện với các đối tác Hàn Quốc trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, khoa học - công nghệ cao, cảng biển và cảng hàng không, du lịch, logistics… Đây là những lĩnh vực trọng tâm mà thành phố đang thu hút, kêu gọi đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các đối tác Hàn Quốc.
Giữa tháng 7-2024, trong chuyến công tác tại Hàn Quốc, đoàn công tác thành phố do Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với các đối tác trong lĩnh vực vi mạch, bán dẫn như Bộ Năng lượng, Công nghiệp và Thương mại Hàn Quốc; Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hàn Quốc (KSIA), Tập đoàn Samsung; Pangyo Techno Valley. Đặc biệt, đoàn phối hợp Cơ quan Xúc tiến đổi mới sáng tạo thành phố Daegu tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư và kết nối doanh nghiệp công nghệ thông tin Đà Nẵng - Daegu. Tại hội thảo, hai địa phương ký kết 30 biên bản ghi nhớ, cam kết hợp tác liên quan đến phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin, giải pháp công nghệ trong xây dựng thành phố thông minh; giáo dục thông minh; bản sao số trong quản lý đô thị thông minh…
Ngay sau chuyến công tác này, ngày 29-7, thành phố Daegu khai trương không gian doanh nghiệp Daegu tại Đà Nẵng (Daegu Business Lounge in Da Nang). Thành công của chuyến công tác Hàn Quốc cho thấy, Đà Nẵng luôn chủ động nắm bắt cơ hội phát triển ngành công nghệ thông tin, công nghệ cao, vi mạch bán dẫn của thành phố. Qua đó, mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Đà Nẵng với các tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc.
Chia sẻ tại hội nghị triển vọng hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam do Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng tổ chức vào ngày 16-8, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch nhấn mạnh, Đà Nẵng đã dần trở thành địa điểm hấp dẫn, hội tụ các nhà đầu tư, nhà khởi nghiệp và các doanh nghiệp công nghệ thông tin, là địa phương dẫn đầu trong nhiều năm liền về chỉ số sẵn sàng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của cả nước. Hiện nay, thành phố tập trung xây dựng 3 nhóm giải pháp về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực và các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đầu tư tại Đà Nẵng trong lĩnh vực ICT.
Cũng tại hội nghị hợp tác đầu tư ICT Hàn Quốc - Việt Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng (DSAC) Lê Hoàng Phúc cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, DSAC đã mở 3 lớp bồi dưỡng thiết kế vi mạch với 39 sinh viên và 43 giảng viên được bồi dưỡng, đào tạo. Thành phố đặt mục tiêu đạt 5.000 kỹ sư vào năm 2030. Trong đó, có 2.000 kỹ sư thiết kế chip (IC); 3.000 kỹ sư và kỹ thuật viên đóng gói, kiểm thử. Đây là nguồn nhân lực chất lượng cao, vô cùng dồi dào nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Không chỉ sẵn sàng về nguồn nhân lực, Đà Nẵng chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng tại Khu Công viên phần mềm số 2 để phục vụ cho lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn. Hạ tầng đường truyền mạng cáp quang quốc tế, hạ tầng điện và giao thông, logistic, hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu của các nhà đầu tư về ICT, vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.
Tin vui với Đà Nẵng và là động lực thúc đẩy phát triển ngành công nghệ của thành phố đó là Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136/2024/QH15 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó, có các chính sách ưu đãi vượt trội trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vi mạch, trí tuệ nhân tạo như chính sách thu hút nhà đầu tư chiến lược; chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân; chính sách đào tạo, thu hút chuyên gia, phát triển nguồn nhân lực; chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách thử nghiệm có kiểm soát các công nghệ mới…
Những thành tựu nổi bật
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc được đánh giá đang trong giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 22-12-1992. Đặc biệt, tháng 12-2022, hai bên ra tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc lên Đối tác chiến lược toàn diện. Ông Nguyễn Xuân Bình bày tỏ, dựa trên nền tảng quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, hợp tác giữa Đà Nẵng và các đối tác Hàn Quốc trở thành một điểm sáng trong bức tranh hợp tác quốc tế nói chung của thành phố Đà Nẵng. Đến nay, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hợp tác với 4 địa phương của Hàn Quốc gồm: Changwon (1997), Daegu (2004), Hwaseong (2008), Jeju (2023) và triển khai hiệu quả nhiều chương trình hợp tác giữa hai bên. Hợp tác cấp địa phương giữa Đà Nẵng và Hàn Quốc còn được cụ thể hóa từ cấp thành phố đến cấp quận, huyện, ban, ngành. Điển hình như quận Hải Châu thiết lập quan hệ hợp tác với thành phố Uiwang, quận Sơn Trà hợp tác với quận Gurye, huyện Hòa Vang với huyện Yeongyang (Hàn Quốc).
Đến nay, huyện Hòa Vang đã đưa 1.593 người lao động đủ điều kiện sang làm việc tại huyện Yeongyang theo chương trình hợp tác tuyển chọn lao động giữa hai địa phương. Cùng với đó, nhiều chương trình giao lưu văn hóa với Hàn Quốc được duy trì tổ chức thường niên. Đặc biệt là Lễ hội Việt Nam - Hàn Quốc đã trở thành sự kiện văn hóa đối ngoại thường niên của thành phố với nhiều hoạt động đặc sắc, thu hút sự tham gia của nhiều địa phương Hàn Quốc, góp phần thắt chặt quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Đà Nẵng và các địa phương Hàn Quốc.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, quan hệ hợp tác giữa Đà Nẵng với các đối tác Hàn Quốc đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Hàn Quốc là thị trường xuất nhập khẩu lớn thứ 5 của thành phố. Hơn nữa, Hàn Quốc cũng là thị trường khách du lịch quốc tế hàng đầu tại Đà Nẵng. Ngay khi khởi động lại đường bay quốc tế từ tháng 3-2022 đến nay, có 11 hãng hàng không khai thác đường bay trực tiếp giữa Đà Nẵng với các thành phố lớn của Hàn Quốc, với tần suất 161 chuyến/tuần. Trong 5 tháng đầu năm 2024, tổng số khách Hàn Quốc đến Đà Nẵng đạt 781.192 lượt, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng Kang Boosung chia sẻ, năm 2023, kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước vượt 76,1 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc và Hàn Quốc hiện đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư lũy kế là 85,9 tỷ USD. Ông Kang Boosung khẳng định, Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại Đà Nẵng sẽ luôn hợp tác chặt chẽ với Đà Nẵng và nỗ lực hết sức để mở rộng phạm vi hợp tác sang các lĩnh vực mới như hợp tác công nghiệp công nghệ cao, thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa chính quyền địa phương của hai nước và củng cố vững chắc nền tảng cho sự phát triển hợp tác toàn diện Hàn Quốc - Việt Nam.
THANH PHƯƠNG