Chính trị

Dân là gốc trong công tác của cán bộ Mặt trận

07:18, 12/08/2024 (GMT+7)

Lấy tư tưởng “dân là gốc” làm nền tảng cốt lõi cho hoạt động của công tác Mặt trận ở các cấp, những cán bộ Mặt trận đầy tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy, gắn bó mật thiết với cộng đồng, với người dân, giúp xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Chương trình văn nghệ gây quỹ “Mân Thái - một miền thương” được bà Lê Thị Hồng Phấn triển khai từ năm 2017 đến nay, tạo nguồn thu khoảng 150 triệu đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” của phường. Ảnh: H.N
Chương trình văn nghệ gây quỹ “Mân Thái - một miền thương” được bà Lê Thị Hồng Phấn triển khai từ năm 2017 đến nay, tạo nguồn thu khoảng 150 triệu đồng cho Quỹ “Vì người nghèo” của phường. Ảnh: H.N

Đội ngũ cán bộ Mặt trận thời gian qua đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng và triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với Chương trình “thành phố 4 an”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”... Trong đó, nhiều cán bộ làm công tác Mặt trận ra sức tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc tại địa phương để phát huy sức mạnh, chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững.

Bà Dương Thị Lệ, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang cho biết, hằng năm, Mặt trận phối hợp các cấp, các ngành tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện và đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào Cơ tu hưởng ứng, tham gia thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, nhất là trong việc tang, việc cưới và phục dựng, bảo tồn các lễ hội, văn hoá truyền thống của đồng bào. Qua đó khôi phục được nghề dệt thổ cẩm, điêu khắc, múa cồng chiêng, múa tung tung za zá, múa sạp, lễ dựng nêu, lễ mừng lúa mới...

“Chúng tôi áp dụng đa dạng các hình thức tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân; phát huy vai trò của người tiêu biểu trong các giới, các tôn giáo, dân tộc trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân; duy trì việc tổ chức thăm hỏi đồng bào các dân tộc, chức sắc, chức việc các tôn giáo và đồng bào có đạo nhân dịp Tết và các ngày lễ; động viên đồng bào chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình an sinh, xã hội. Nhờ đó, nhân dân đoàn kết, chung sức đồng lòng thực hiện nhiều chương trình do Mặt trận khởi xướng”, bà Lệ chia sẻ.

Mặt trận xã Hòa Nhơn triển khai các mô hình “Dân vận khéo” như: “10 ngàn - vạn yêu thương”, “Vận động toàn dân treo ảnh Bác Hồ”, “Thôn văn hóa, văn minh sống tốt đời, đẹp đạo”, “Tộc họ tiên tiến, thôn xóm bình yên, gia đình hạnh phúc”, “5 không trong đám tang”, “Khu dân cư thân thiện môi trường”, “Làm đẹp bia chiến tích Phước Thái”, “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”… thu hút nhân dân quan tâm tham gia triển khai thực hiện. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Nhơn Nguyễn Đình Thu cho biết, việc  tập hợp quần chúng tạo nên động lực cũng như kết quả của các phong trào. Nhờ đó, nửa đầu năm 2024, Mặt trận xã vận động Quỹ “Vì người nghèo” gần 342 triệu đồng, hỗ trợ xây mới 1 nhà, sửa chữa 6 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ khó khăn đột xuất cho người dân.

“Thời gian làm việc của cán bộ Mặt trận phần nhiều ở các thôn, các khu dân cư, nhờ đó nắm bắt kịp thời các tâm tư, nguyện vọng, đẩy mạnh công tác an sinh xã hội. Mới đây chúng tôi thành lập mô hình “Giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ thanh - thiếu niên vi phạm pháp luật trên địa bàn xã Hòa Nhơn năm 2024” vận động, giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ từng thanh - thiếu niên, nhằm kịp thời kết nối, hỗ trợ các em trong việc định hướng nghề nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm”, ông Thu cho hay.

Bà Lê Thị Hồng Phấn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Mân Thái, quận Sơn Trà, cho rằng “thương hiệu” của người làm công tác mặt trận là xáp vào những trường hợp yếu thế trong xã hội để hỗ trợ, giúp đỡ. “Người ta nói cán bộ nào, phong trào đó, tôi được cái “miệng nói tay làm”, trận nào cũng có mặt, phong trào nào cũng tham gia, gần gũi với anh em ở cơ sở và cán bộ khu dân cư. Mình hết lòng vì công việc nên khi phát động các mô hình được nhân dân tích cực hưởng ứng, hiệu quả mang lại khá cao”, bà Phấn bộc bạch.

Hiện nay phường Mân Thái có khoảng 15 mô hình công tác xã hội, trong đó có 5 mô hình hiệu quả như “Khu dân cư chung một tấm lòng” của khu dân cư Mân Lập Đông 2, “Xe đẩy phân loại rác thải”, “Bếp ăn 0 đồng” của khu dân cư Tân Thuận..., các mô hình hướng đến hỗ trợ hộ nghèo, hộ khó khăn hay gặp tình huống khẩn cấp. Sau gần 10 năm bà Phấn đảm nhiệm chức Chủ tịch Mặt trận phường, Mân Thái có đội ngũ cán bộ Mặt trận khu dân cư được trẻ hóa, người trẻ nhất sinh năm 1992; nữ giới tăng lên với 7/15 người; có 8 trưởng ban công tác Mặt trận là đảng viên, tiến tới đạt 90% cán bộ Mặt trận là đảng viên vào năm 2025.

Ông Bùi Nam Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang cho rằng, ở đâu có cán bộ Mặt trận tâm huyết, nhiệt tình với công việc, ở đó phong trào phát triển vững, mạnh. Do đó cần lựa chọn và xây dựng đội ngũ cán bộ Mặt trận có đủ năng lực, phẩm chất, sáng tạo, tâm huyết, bản lĩnh, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, giỏi dân vận và có khát vọng cống hiến, nói đi đôi với làm, gần gũi với nhân dân, qua đó vận động, tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân để cùng chung tay xây dựng đất nước.

HOÀNG NHUNG

.