Chính trị
Doanh nghiệp gặp khó khi tuyển dụng lao động
Các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang bước vào cao điểm sản xuất để đáp ứng tiến độ cho các đơn hàng cuối năm, song việc mất cân đối giữa cung và cầu lao động khiến việc tuyển dụng gặp nhiều khó khăn. Doanh nghiệp cần có chiến lược lâu dài để tìm lời giải cho bài toán ổn định nhân sự.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm để kết nối giữa người lao động với doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng. TRONG ẢNH: Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm. Ảnh: VĂN HOÀNG |
Nghịch lý khi tuyển dụng
Tại phiên giao dịch việc làm ở Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) trong ngày 26-7, anh Trịnh Xuân Thắng (quê Ninh Bình) được nhận thử việc khi đăng ký ứng tuyển vào một công ty trong Khu công nghiệp Hòa Khánh. Anh Thắng cho biết, công việc tự do rất thoải mái về thời gian nhưng không có tính ổn định và có nhiều hạn chế, do đó, anh muốn tìm công việc với mức lương khoảng 7 triệu đồng và có các chế độ phúc lợi của người lao động. Tuy nhiên, nhiều thông tin tuyển dụng trên internet không chính xác khiến anh gặp khó khăn để tìm công việc phù hợp. “Do chưa có kinh nghiệm nên tôi không biết công việc nào thích hợp, nếu được các công ty đào tạo nghề thì rất tốt. Tại phiên giao dịch, tôi được các tư vấn viên của công ty hướng dẫn cụ thể, chi tiết công việc và hỗ trợ khi vào làm việc, giúp bản thân có cái nhìn tổng quan nhất về công việc mới cũng như sự phù hợp với môi trường công ty”, anh Thắng chia sẻ.
Chị Trương Thị Quyên (quận Liên Chiểu) cho biết, trước đây chị từng làm nhân viên văn phòng trong thời gian dài, tuy nhiên, chế độ phúc lợi và tiền lương chưa tương xứng nên chị không tiếp tục gắn bó với công ty. Khi tìm kiếm công việc mới, chị rất quan tâm đến các chế độ của doanh nghiệp dành cho người lao động cũng như môi trường làm việc, an toàn lao động… Tại phiên giao dịch việc làm mới đây, có doanh nghiệp đăng tuyển vị trí nhân viên văn phòng nhưng chị đang tìm hiểu.
Ngoài ra, chị cũng muốn làm việc tại các công ty ở Khu công nghiệp Hòa Khánh vì gần nhà và thuận tiện cho việc di chuyển. Trong khi đó, anh Lê Văn Tấn Nhật (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) cho rằng, thời gian làm việc là một trong những yếu tố khiến người lao động quan tâm. Do không có nhiều thông tin về việc tăng ca liên tục, cách quản lý của doanh nghiệp trước khi ứng tuyển vào một công ty trong Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, anh Nhật đã nghỉ việc sau 2 tháng làm việc. Sự ràng buộc về thời gian tại công ty khiến anh không thoải mái nên anh đã làm công việc tự do để mưu sinh.
Ông Nguyễn Tuấn Linh, Trưởng phòng Tổ chức - Hành chính, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho hay, để đáp ứng tiến độ đơn hàng từ nay đến cuối năm, công ty tuyển từ 500 - 700 lao động phổ thông. Công ty sẽ đào tạo nghề trong 3 tháng và người lao động vẫn được trả lương theo sản phẩm và hỗ trợ trong thời gian này. Từ đầu năm đến nay, công ty chỉ tuyển được hơn 400 người, nhưng số lao động nghỉ việc xấp xỉ số lượng tuyển mới. Công nhân nghỉ việc đa phần vì nhiều nguyên nhân như về quê, chăm sóc con cái, thai sản… và không liên quan đến phúc lợi của công ty. Đây cũng là khó khăn chung hiện nay của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố trong tuyển dụng lao động.
Tăng tỷ lệ khớp nối “việc cần người - người cần việc”
Để bảo đảm hoạt động sản xuất, đáp ứng các đơn hàng, ông Linh cũng cho biết công ty luôn chú trọng thực hiện nhiều phương thức thu hút lao động. Trong đó, tích cực tham gia các phiên giao dịch việc làm lưu động của các đơn vị trên địa bàn thành phố tổ chức và các địa phương khu vực miền Trung.
Đồng thời, công ty bảo đảm các chế độ cam kết với người lao động khi tuyển dụng. Trong khi đó, bà Ngô Thị Diệp Linh, phụ trách công tác nhân sự, chi nhánh Công ty SCAVI Huế tại Đà Nẵng cho biết, công ty chú trọng nhiều chế độ, phúc lợi tốt để thu hút người lao động như ưu tiên đào tạo chuyên môn 1 tháng với mức lương 4,4 triệu đồng cho người chưa có kinh nghiệm, bảo đảm chế độ bảo hiểm, tiền chuyên cần, xăng xe, tiền thuê nhà… Công ty sẽ tạo điều kiện cho người lao động khi ứng tuyển và bổ sung hồ sơ còn thiếu sau khi vào làm việc.
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng, trong 7 tháng đầu năm 2024, có 483 đơn vị gửi thông báo tuyển dụng với 15.620 vị trí. Nhiều doanh nghiệp ngành điện, may mặc, thủy sản đăng ký tuyển dụng số lượng lớn lao động như Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước tuyển hơn 1.000 lao động; Công ty TNHH PI VINA Danang tuyển 600 lao động; Công ty TNHH Fujikura Automotive Việt Nam tuyển 500 lao động; Công ty TNHH MTV Kad Industrial S.A Việt Nam tuyển 469 lao động...
Trong phiên giao dịch việc làm định kỳ trong tháng 7-2024 (không tính phiên tại Trường Đại học Kinh tế), có 27 doanh nghiệp tham gia tuyển lao động trực tiếp và 227 đơn vị gửi thông báo tuyển dụng thường xuyên với 5.120 vị trí việc làm trống, trong đó nhiều nhất là lao động phổ thông với 2.564 người, công nhân kỹ thuật 2.180 người. Tính đến cuối tháng 7-2024, trung tâm đã tổ chức 28 phiên giao dịch việc làm, trong đó, 3 phiên di động, 11 phiên định kỳ trực tiếp và 14 phiên định kỳ online kết nối các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đà Nẵng Nguyễn Thanh Diệp cho biết, đơn vị đã hình thành mạng lưới cung cấp thông tin thị trường lao động thông qua zalo đến các phường, xã, tổ dân phố để người dân và người lao động nói riêng có nhu cầu tìm kiếm việc làm kịp thời nắm bắt. Trung tâm sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá sàn giao dịch việc làm bằng nhiều phương thức; mời gọi doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đăng ký tham gia các phiên giao dịch việc làm định kỳ, di động; tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm di động với các quận, huyện và các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng các phiên giao dịch việc làm, đặc biệt các phiên trực tuyến kết nối các địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên, qua đó, đưa lực lượng lao động có năng lực, trình độ, đáp ứng nhu cầu lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
VĂN HOÀNG - TRẦN TRÚC