Chính trị

Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (1945 - 2024)

Dấu ấn Đà Nẵng trong tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945

06:25, 02/09/2024 (GMT+7)

Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 tại Đà Nẵng là sự kiện lịch sử quan trọng, góp phần cùng cả nước làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi, giành độc lập dân tộc. Những dấu ấn của sự kiện này đang được lưu giữ tại Bảo tàng Đà Nẵng với các hiện vật và tư liệu lịch sử giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về quá trình đấu tranh của cha ông.

Các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng liên quan đến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 tại Đà Nẵng.  Ảnh: TRỌNG HUY
Các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng liên quan đến cuộc khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 tại Đà Nẵng. Ảnh: TRỌNG HUY

Theo sách Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Hòa Vang (giai đoạn 1928-1975), đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra lệnh Tổng khởi nghĩa: “Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi…”. Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Quảng Nam cũng được thành lập ngay hôm đó. Ở Hòa Vang lúc này còn có lính Nhật đóng ở một số nơi như Phước Tường, Đà Sơn, Cẩm Lệ và huyện lỵ cũ (lúc này còn đóng sâu trong thành phố Đà Nẵng), cho nên theo kế hoạch, Ban khởi nghĩa sẽ lãnh đạo cướp chính quyền ở các tổng, xã trước, huyện lỵ sẽ tiến hành sau cùng. Do lực lượng vũ trang và hậu cần của quân Nhật vẫn nguyên vẹn, chúng đóng chốt ở những khu vực trọng điểm, ta phải làm thế nào để phân hóa chúng, tránh đổ máu không cần thiết mà mục tiêu cuối cùng là vẫn giành được chính quyền. Đứng trước thời cơ “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Ban khởi nghĩa huyện, nhân dân Hòa Vang đã kiên quyết vùng lên thực hiện nhiệm vụ trọng đại của mình.

Cuộc khởi nghĩa trong toàn huyện được phát động từ ngày 15-8-1945 thì đến ngày 21-5-1945 về căn bản và các tổng, xã đã hoàn thành thắng lợi. Chính quyền cách mạng đã được thiết lập ở các vùng xung yếu về kinh tế, chính trị như Hòa Giáo, Thái Hòa, Bà Nà…; việc cướp chính quyền cũng đã được giải quyết nhanh gọn. Ngày 22-8-1945, Ban bạo động huyện quyết định thừa thắng, khẩn trương cướp chính quyền huyện lỵ Hòa Vang. Ngày 24-8-1945, Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Hòa Vang làm lễ ra mắt đồng bào bằng một cuộc mít-tinh lớn ở sân vận động Cẩm Toại, tổng An Phước, có tới 5.000 người từ các tổng về dự. Đặc biệt có đoàn đại biểu của đồng bào dân tộc ít người ở vùng Phú Túc, Ô Rây vũ trang bằng cung nỏ, giáo mác cũng về dự. Đồng chí Nguyễn Xuân Nhĩ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam, thay mặt cơ quan lãnh đạo tỉnh, công nhận Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời huyện Hoà Vang.

Sách Địa chí Quảng Nam-Đà Nẵng ghi, trong cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945, ngày 22-8-1945, sau khi huyện Hòa Vang thuộc vành đai của Đà Nẵng đã thuộc về tay nhân dân, thành phố Đà Nẵng, nơi lực lượng phát xít Nhật và tàn quân Pháp tập trung đông nhất, lúc này thực sự đã lọt vào giữa vòng vây của vùng chính quyền cách mạng, là địa bàn cuối cùng của Quảng Nam còn bị giặc khống chế. Uy thế của cách mạng từ bên ngoài dội vào, cộng với tinh thần và khí thế của các tầng lớp nhân dân nội thị, đã khiến cho bọn tay sai lo sợ. Nhiều tên tìm đến cơ sở cách mạng để mong được che chở. Viên tư lệnh quân Nhật ở Đà Nẵng tìm cách liên hệ với lực lượng Việt Minh. Nhờ sách lược phân hóa và trung lập quân Nhật, việc giành chính quyền ở Đà Nẵng diễn ra tương đối thuận lợi. 8 giờ sáng ngày 26-8-1945, tiếng còi tầm vang lên báo hiệu chính quyền cách mạng đã hoàn toàn làm chủ thành phố. Ở các công sở như Tòa án, Kho bạc, Sở Liêm phóng, Sở Công chánh, Sở Hỏa xa đã được đại diện chính quyền cách mạng tiếp quản.

Tại Tòa Đốc lý thành phố, đồng chí Lê Văn Hiến nhân danh Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, được lực lượng vũ trang và quần chúng hộ tống tiến vào cổng chính, tiếp nhận việc đại diện chính quyền bù nhìn Nguyễn Khoa Phong trao lại cho chính quyền cách mạng. Lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên thay thế là cờ quẻ ly trên cột cờ Tòa Đốc lý, là thời điểm xác định thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã hoàn thành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 28-8-1945, tại sân vận động Đà Nẵng (Chi Lăng), một cuộc mít-tinh đông gần 3 vạn người tham dự lễ ra mắt của Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời thành phố, do ông Lê Văn Hiến làm chủ tịch. Ngày 2-9-1945, lễ ra mắt Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời tỉnh Quảng Nam, do ông Nguyễn Xuân Nhĩ làm chủ tịch, một phó chủ tịch và 7 ủy viên được tổ chức trọng thể tại Hội An, có sự tham dự của đoàn đại biểu các huyện trong tỉnh.

Bảo tàng Đà Nẵng hiện còn lưu giữ, trưng bày một số hiện vật liên quan đến cuộc nổi dậy, giành chính quyền của nhân dân thành phố trong cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945. Đó là mũi giáo của ông Phạm Văn Mùi (cha ông Phạm Văn Thanh), trong kháng chiến chống Pháp, tham gia hoạt động tại cơ sở cách mạng ở chợ Mới - Hòa Vang do ông Phạm Văn Nhỏ (bí danh Phạm Bửu) phụ trách. Để chuẩn bị cho việc cướp chính quyền trong Cách mạng tháng 8-1945, cơ sở cách mạng này đã rèn mã tấu, giáo mác... để làm vũ khí. Sau khi tham gia cướp chính quyền tại huyện Hòa Vang, cơ sở đã giao số vũ khí trên cho ông Phạm Văn Mùi cất giữ cho đến ngày nay, ông Phạm Văn Thanh - con ông Phạm Văn Mùi hiến tặng cho bảo tàng.

Đó là mã tấu của ông Huỳnh Quang Vinh, chồng bà Ngô Thị Hiển. Ông Vinh đã dùng mã tấu này tham gia cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Bàu Năng, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam -Đà Nẵng (nay là thành phố Đà Nẵng). Sau đó, trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946 - 1954), ông Vinh tiếp tục dùng mã tấu này khi đi tuần tra canh gác bảo vệ thôn xóm và tham gia cùng đồng đội đánh Pháp ở trận Bàu Năng năm 1953.

Hay mã tấu của ông Trần Tác, dùng mã tấu này cùng với nhân dân địa phương xuống đường, tham gia đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8-1945 của tỉnh nhà. Sau Cách mạng tháng 8-1945, ông Tác dùng mã tấu này tham gia tuần tra, canh gác, bảo vệ chính quyền cách mạng. Đó là mã tấu của ông Hà Ngộ ở xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ), trong kháng chiến chống Pháp, dùng mã tấu này cùng với nhân dân địa phương xuống đường, tham gia đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng tháng 8-1945. Sau đó, ông dùng mã tấu này tham gia tuần tra, canh gác, bảo vệ chính quyền cách mạng…

Ngoài ra, tại Bảo tàng Đà Nẵng còn trưng bày một số hiện vật như đề án nghị quyết Đại hội Quốc dân; truyền đơn của Mặt trận Việt Minh kêu gọi toàn dân không nộp thóc gạo cho Nhật; biểu tình đòi phát gạo, đanh chẹn xe lương, phá kho thóc đồng thời tống cổ giặc Nhật khỏi Việt Nam; Thông cáo của Ủy ban Vận động Cứu quốc Việt Minh ra thông báo ngày 19-8-1945, thông báo kể từ 6 giờ ngày 18-8-1945, Cách mạng đã giành toàn thắng trong phạm vi toàn tỉnh; Lời kêu gọi của Ủy ban Cứu quốc Việt Minh kêu gọi tất cả đồng bào ủng hộ Cách mạng Việt Nam bằng tiền bạc, thóc gạo, giấy mực, thuốc men… kẻ ít, người nhiều góp gió thành bão, hãy nhiệt tâm ủng hộ Việt Minh để mau bước đến con đường toàn thắng…

Hiện nay, các hiện vật, sự kiện, địa chỉ liên quan các sự kiện khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8-1945 và Quốc khánh 2-9-1945 trên địa bàn thành phố không nhiều. Việc sưu tầm, trưng bày hiện vật liên quan sự kiện lịch sử nói trên là rất cần thiết, để trở thành địa chỉ đỏ giúp các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau có dịp tìm hiểu, nắm rõ hơn quá trình giành độc lập lịch sử của dân tộc Việt Nam nói chung và của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng.

TRỌNG HUY

.