Chính trị
Cần có những giải pháp căn cơ thúc đẩy phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2024
ĐNO - Ngày 26-10, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV tiến hành thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng thảo luận ở tổ số 11 cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Sơn La, Tây Ninh, Long An.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Chí Cường phát biểu. Ảnh: VŨ HƯNG |
Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cơ bản thống nhất báo cáo của Chính phủ và cho rằng, báo cáo trình bày khá đầy đủ và toàn diện về kết quả, tình hình kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng… của đất nước năm 2024; thể hiện sự quyết liệt của hệ thống chính trị cũng như điều hành của Chính phủ trong phát triển kinh tế - xã hội. Báo cáo chỉ ra được những điểm sáng của năm trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có những diễn biến phức tạp và ảnh hưởng của thiên tai.
Tuy nhiên, để đạt được GDP cả năm 7% như đề ra ban đầu thì quý 4-2024 phải đạt 7,8%. Vì vậy, cần có giải pháp nghiên cứu triển khai mạnh mẽ hơn, mà trước hết, có phương án nhằm bổ sung nguồn lực khắc phục cơn bão số 3. Qua thống kê, bão số 3 (Yagi) gây thiệt hại sơ bộ khoảng 80.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 0,8% GDP năm 2023 giá hiện hành).
Tuy nhiên, cũng cần xem xét tác động trong quá trình, cả thiệt hại hiện tại và hậu quả là các tác động lâu dài do đứt gãy sản xuất, cung ứng, xây dựng, giảm tiêu dùng, khan hiếm hàng hóa, lao động, việc làm; dịch chuyển, thâm hụt ngân sách…
Đại biểu đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nghị quyết của Chính phủ về việc hỗ trợ người dân, các hộ phát triển sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Đại biểu cũng đề nghị trong các giải pháp năm 2025, cần nghiên cứu đẩy mạnh hơn những chỉ tiêu có tác động, thúc đẩy phát triển kinh tế đúng theo xu hướng hiện nay, như đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, xã hội số, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu cho rằng vẫn chưa thấy chuyển biến đáng ghi nhận tại nhiều địa phương. Nguyên nhân, hạn chế hầu hết vẫn như những năm trước đây, chưa có chuyển biến tích cực, chưa khắc phục hiệu quả.
Vì vậy, cần có giải pháp quyết liệt để tháo gỡ, nhất là những rào cản về thể chế; qua đó tạo chuyển biến trong việc giải ngân vốn đầu tư công từ bộ, ngành đến địa phương.
Đại biểu đề nghị làm rõ 671 doanh nghiệp Nhà nước mức lãi có tiếp tục giảm so với năm 2023 (đã giảm so với năm 2022) hay không. 134 doanh nghiệp còn lỗ lũy kế, tổng cộng 115.270 tỷ đồng tới cuối năm 2023; mức lỗ lũy kế này gấp 1,7 lần so với ghi nhận cuối năm 2022 (gần 69.900 tỷ đồng).
Do đó, cần tính toán, xem xét, đánh giá chi tiết hơn về công tác cơ cấu lại các doanh nghiệp Nhà nước trong thời gian tới.
Đối với khu vực tư nhân, mặc dù có nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp đã được ban hành nhưng tính hiệu quả vẫn chưa cao. Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ tài chính với nguyên nhân chủ yếu là thủ tục phức tạp và thời gian xử lý kéo dài.
Bên cạnh đó, cần đánh giá hiệu quả các chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và trong giới trẻ; việc phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo, các vườn ươm khởi nghiệp, không gian làm việc chung và quỹ đầu tư mạo hiểm...
VŨ HƯNG – AN NHIÊN