Chính trị
Chuyển đổi số góp phần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
Tại Đà Nẵng, chuyển đổi số đã thúc đẩy mạnh mẽ công tác cải cách hành chính, công khai, minh bạch hoạt động hành chính nhà nước, nâng cao mức độ hài lòng của người dân. Qua đó, góp phần tích cực nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) của thành phố.
Trung tâm Thông tin và Giám sát điều hành thông minh thành phố (IOC) cung cấp cho 95 cơ quan của thành phố với 400 tài khoản; dữ liệu của 16 nhóm, lĩnh vực để có kịp thời các chỉ tiêu, số liệu và xử lý. Ảnh: MAI QUẾ |
Một số ứng dụng chuyển đổi số tiêu biểu trong PCTNTC như sau:
Tăng cường tính minh bạch
Thành phố triển khai, cung cấp thông tin công khai, minh bạch thông tin các dịch vụ công của các cơ quan, địa phương trên Cổng dịch vụ công thành phố Đà Nẵng (dichvucong.danang.gov.vn dưới dạng web và app mobile trên điện thoại di động) giúp giảm thiểu cơ hội tiếp xúc giữa người dân và cán bộ, công khai thông tin trên mạng góp phần giảm thiểu cơ hội tham nhũng có thể phát sinh.
Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố được thiết kế, xây dựng dưới dạng “lõi”, bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật để nâng hầu hết các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) lên toàn trình; thiết lập nhanh DVCTT khi thủ tục hành chính (TTHC) mới hoặc sửa đổi. Toàn bộ thông tin về trạng thái, tình hình xử lý hồ sơ thủ tục hành chính đều được công khai, minh bạch trên hệ thống và thông qua các tiện ích zalo, SMS, Tổng đài 1022, chatbot...
Theo đó, tỷ lệ DVCTT toàn trình (DVCTT ở mức cao nhất) của Đà Nẵng cao nhất cả nước với 95% (trung bình toàn quốc 55%); tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 65% (trung bình toàn quốc 17%). Đà Nẵng được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn là mô hình điểm để tổng kết, nhân rộng toàn quốc tại hội nghị chuyên đề “Nâng cao hiệu quả cung cấp và sử dụng DVCTT” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào ngày 31-8-2024.
Từ năm 2015, thành phố xây dựng ứng dụng Góp ý Đà Nẵng ((dichvucong.danang.gov.vn dưới dạng web và app mobile trên điện thoại di động, Zalo 1022; kết hợp với số điện thoại tiếp nhận *1022) cho phép tổ chức, công dân gửi phản ánh, góp ý đến cơ quan chính quyền thành phố trên mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.
Ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát hoạt động công vụ
Thành phố áp dụng các công cụ giám sát tự động, phân tích dữ liệu lớn, cảnh báo sớm các bất thường có thể xảy ra trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, giúp ngăn chặn, PCTNTC có thể xảy ra.
Số liệu thu thập, phân tích, cảnh báo sớm từ Trung tâm Thông tin và Giám sát điều hành thông minh thành phố (IOC) cung cấp cho các cơ quan thành phố (hiện có 95 cơ quan, với 400 tài khoản; dữ liệu của 16 nhóm, lĩnh vực) để có kịp thời các chỉ tiêu, số liệu và xử lý. Trung tâm cũng thực hiện việc giám sát độc lập, nhắc hoặc đốc thúc đầu mối các cơ quan xử lý kịp thời các trường hợp bất thường, công việc gần đến hạn hoặc trả, bổ sung hồ sơ nhiều lần, đặc biệt là về cung cấp TTHC.
Từ ngày 1-1 đến ngày 10-10-2024, IOC gửi cảnh báo thông báo sớm đối với 100% hồ sơ TTHC (82.050 hồ sơ) sắp tới hạn trả kết quả đến các cơ quan, đơn vị để biết thông tin, chủ động xử lý kịp thời, giảm thiểu hồ sơ trễ hạn tại các đơn vị. Thông tin cảnh báo qua nhiều kênh: trên hệ thống, nhắn tin SMS, điện thoại từ Tổng đài 1022. Việc triển khai công cụ giám sát, cảnh báo sớm giúp giảm tỷ lệ hồ sơ trễ hạn hơn 12 lần so với trước khi triển khai (từ 3,1% hồ sơ trễ hạn của 9 tháng đầu năm 2023 xuống còn 0,25% hồ sơ trễ hạn trong 9 tháng đầu năm 2024).
Hoạt động giám sát xử lý văn bản đến của từng cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức thông qua Hệ thống văn bản điều hành (theo dõi luồng của từng công việc từ khi văn bản đến và kết thúc công việc); có chức năng công cụ theo dõi công việc đến, xử lý trong hạn, sắp trễ hạn của từng bộ phận, từng cán bộ, công chức, viên chức; giám sát thực thi nhiệm vụ do UBND thành phố giao các sở, ngành, địa phương và sở, ngành, địa phương giao từng phòng, đơn vị và xử lý văn bản đến thông qua Hệ thống theo dõi công việc thành phố.
Thanh tra thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) đơn thư và thường xuyên kiểm tra việc cập nhật dữ liệu tại các đơn vị, địa phương, bảo đảm phục vụ việc quản lý đồng bộ về công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên toàn địa bàn thành phố.
Đến nay, đã có 306 cơ quan, đơn vị (khối hành chính, sự nghiệp: 226 cơ quan, đơn vị; khối đảng: 80 cơ quan) trên địa bàn thành phố sử dụng phần mềm Hệ thống CSDL phục vụ quản lý tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại cơ quan, đơn vị mình; với số lượng 805 tài khoản đăng ký sử dụng phần mềm Hệ thống CSDL.
Việc sử dụng phần mềm Hệ thống CSDL giúp cho các cơ quan, đơn vị trong việc quản lý, theo dõi quá trình xử lý, kết quả xử lý, đơn thư trễ hạn, quá hạn, xác định được vai trò trách nhiệm trong việc xử lý; dữ liệu liên thông từ các cấp phường,xã và quận, huyện, sở, ban, ngành và các cơ quan khối đảng trên địa bàn thành phố, từ đó góp phần thống nhất quy trình điều hành xử lý và công tác tổng hợp báo cáo, đảm bảo chính xác, kịp thời.
Giảm phiền hà, nâng cao sự hài lòng của người dân
Thành phố triển khai các giải pháp công nghệ số, dữ liệu số kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố Đà Nẵng với Nền tảng công dân số, Kho kết quả TTHC số và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành để tái cấu trúc quy trình, sử dụng dữ liệu số, thay thế thành phần hồ sơ giấy phải nộp; sử dụng kho dữ liệu cá nhân, kho dữ liệu kết quả TTHC số để giảm 180 TTHC cấp lại, chiếm gần 10% tổng TTHC thành phố.
Các cơ quan, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp truyền thông, hướng dẫn người dân sử dụng DVCTT thông qua mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng; Tổng đài 1022 ; các cuộc thi, hội thi tìm hiểu trực tuyến về DVCTT, chuyển đổi số; tuyên truyền lưu động; đài truyền thanh cơ sở... Thành phố triển khai các chính sách khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp, người dân sử dụng DVCTT như chính sách giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến đến 50% so với xử lý hồ sơ trực tiếp; giảm phí, lệ phí khi sử dụng DVCTT; hỗ trợ chi phí khi chuyển phát trả kết quả qua bưu điện; hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; cung cấp nhiều tiện ích trước, trong và sau xử lý, cấp kết quả giải quyết TTHC.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố đạt 99,9% (79.481 ý kiến hài lòng /79.560 ý kiến tham gia khảo sát).
Để tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả trong công tác PCTNTC, thành phố cần đẩy mạnh những giải pháp chuyển đổi số cụ thể và đồng bộ sau:
Một là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý: kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật để phù hợp với sự phát triển của công nghệ số; đặc biệt là về kiểm soát tài sản, thu nhập liên quan đến tài sản số, tiền điện tử, NFT,…
Hai là, đào tạo, nâng cao năng lực: Tiếp tục tổ chức các buổi tập huấn thường xuyên cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao năng lực khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm Một cửa điện tử, Hệ thống CSDL phục vụ quản lý công tác tiếp công dân, xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, cần tập trung vào việc đào tạo các kỹ năng mềm như giao tiếp, lắng nghe, xử lý tình huống, nhằm nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ba là, phát triển các ứng dụng công nghệ gắn liền với CSDL phục vụ cho quản lý đô thị bảo đảm tính đúng dắn của dữ liệu, bảo đảm công tác quản trị thông minh dựa trên dữ liệu; xây dựng các tiêu chuẩn trong việc số hóa dữ liệu bảo đảm tính thống nhất trong công tác số hóa và quy hoạch đô thị.
Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các ứng dụng đã triển khai liên quan đến thanh tra, kiểm tra, PCTNTC (Cổng dịch vụ công, CSDL cán bộ, công chức, viên chức, Hệ thống CSDL đơn, thư, CSDL đất đai,…). Chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng số dùng chung để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích hợp và liên thông các hệ thống, triển khai hiệu quả Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập tại Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 28-3-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Sở Nội vụ tiếp tục hướng dẫn các cơ quan, địa phương thực hiện quy trình số hóa toàn bộ hồ sơ, tài liệu phát sinh trong hoạt động công vụ theo đúng quy định, giảm thiểu việc thay đổi, sửa chữa hồ sơ. Xây dựng, hoàn thiện Kho lưu trữ số thành phố Đà Nẵng, phục vụ công tác lưu trữ hồ sơ điện tử của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.
Bốn là, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích của chuyển đổi số và cách thức sử dụng các DVCTT đóng vai trò quan trọng, là yếu tố then chốt để quá trình này diễn ra thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Do đó, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân về lợi ích của chuyển đổi số, hướng dẫn chi tiết cách thức sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, Cổng góp ý Đà Nẵng, qua đó nâng cao hiệu quả công tác PCTNTC của thành phố.
NGUYỄN QUANG THANH
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông