Chính trị
Đề nghị bãi bỏ quy định cơ sở khám, chữa bệnh phải ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội
ĐNO - Chiều ngày 31-10, khi thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đề nghị Quốc hội cần xem xét bỏ Điều 24 và Điều 25 của Luật Bảo hiểm y tế, tức là bỏ việc quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận. Ảnh: VŨ HƯNG |
Đại biểu Trần Chí Cường cơ bản thống nhất sự cần thiết và những nội dung của dự thảo luật, đồng thời góp ý thêm nhiều nội dung quan trọng.
Thứ nhất, tại dự thảo Luật sửa đổi, Điều 31 quy định về thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, có bổ sung thêm quy định về thanh toán trong trường hợp điều chuyển giữa các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và chi phí dịch vụ cận lâm sàng (khoản 4, 5).
Tuy nhiên, vấn đề thực tế đang diễn ra và được rất nhiều cử tri quan tâm là việc bệnh nhân khám chữa bệnh bảo hiểm y tế phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi bệnh viện không có thì sẽ được thanh toán như thế nào.
Mặc dù trước khi trình dự thảo luật, Bộ Y tế đã kịp thời ban hành Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế trực tiếp cho người có thẻ bảo hiểm y tế đi khám bệnh, chữa bệnh và có hiệu lực từ ngày 1-1-2025.
Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy thông tư này không giải quyết được vướng mắc vì tại khoản 1, Điều 2 của thông tư quy định thuốc thuộc phạm vi thanh toán phải thuộc danh mục thuốc hiếm ban hành kèm theo Thông tư số 26/2019/TT-BYT ngày 30-8-2019.
Tại Điều 2 của Thông tư số 26/2019/TT-BYT, danh mục thuốc hiếm chỉ có 443 lượt hoạt chất, trong khi số lượt hoạt chất được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định tại Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31-12-2022 là 1.096 lượt hoạt chất, chưa tính đến 578 loại thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền theo Thông tư số 05/2015/TT-BYT của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thuốc hiếm là rất thấp so với các loại thuốc thông thường. Như vậy, việc Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định chỉ thanh toán trực tiếp cho người bệnh chi phí mua các loại thuốc hiếm sẽ không thể giải quyết triệt để tình trạng thiếu thuốc như hiện nay, không bảo đảm tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 2 của Thông tư số 22/2024/TT-BYT quy định thiết bị y tế loại C hoặc D, trừ thiết bị y tế chẩn đoán invitro, thiết bị y tế đặc thù cá nhân, thiết bị y tế thuộc danh mục thiết bị y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành được mua, bán như các hàng hóa thông thường theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị định số 07/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.
Như vậy, Thông tư số 22/2024/TT-BYT chỉ phần nào giải quyết được những trường hợp bệnh nặng đặc thù (như đặt stent, phẫu thuật bắt nẹp vít). Thực tế, có nhiều thiết bị y tế loại A hoặc B thường xuyên được sử dụng và rất cần thiết trong công tác khám chữa bệnh như găng tay, dây truyền dịch, bơm kim tiêm các loại, kim luồn... lại không được thanh toán trực tiếp.
Ngoài ra, các quy định về điều kiện, thủ tục thanh toán quy định tại Thông tư số 22/2024/TT-BYT cũng có nhiều vướng mắc, khó khăn khi triển khai thực hiện.
Vì vậy, đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm một khoản quy định nội dung thanh toán cho bệnh nhân bảo hiểm y tế phải mua thuốc và vật tư y tế bên ngoài khi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có thuốc và vật tư y tế tại Điều 31 này, để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân khi đi khám, chữa bệnh theo chế độ bảo hiểm y tế.
Thứ hai, khoản 2, Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Điều 6 với quan điểm bảo đảm an sinh xã hội, quyền, lợi ích của người tham gia bảo hiểm y tế, từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của người tham gia bảo hiểm y tế.
Dự thảo luật đã bổ sung nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đi khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, đặc biệt là khi chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, giảm bớt thủ tục hành chính và tăng cường tiếp cận dịch vụ.
Tuy nhiên, trong dự thảo luật lần này cần quy định cụ thể lộ trình và xác định rõ thời hạn chậm nhất phải thực hiện liên thông và công nhận kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như kết quả xét nghiệm máu; kết quả chẩn đoán hình ảnh. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung quy định: “Thực hiện lộ trình liên thông và công nhận kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chậm nhất trước ngày 1-1-2026”.
Thứ ba, những nội dung sửa đổi, bổ sung của Luật Bảo hiểm y tế đã quy định rõ ràng, cụ thể hơn về đối tượng, phạm vi, định mức đóng và mức hưởng, trình tự, thủ tục thanh toán, danh mục, tiêu chí thuốc, vật tư y tế được thanh toán bảo hiểm y tế…
Bên cạnh đó, các cơ sở thực hiện khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện được quy định cụ thể theo Luật khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời, tại khoản 2 Điều 31 cũng đã quy định việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế cho cơ sở hoặc thanh toán trực tiếp cho bệnh nhân khám chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh không ký hợp đồng với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cần xem xét bỏ Điều 24 và Điều 25 của Luật Bảo hiểm y tế, tức là bỏ việc quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm xã hội, thay vào đó bổ sung thêm khái niệm cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thông báo với cơ quan bảo hiểm xã hội là đủ.
Việc bỏ Điều 24 và Điều 25 sẽ cắt giảm bớt thủ tục không cần thiết có thể gây khó khăn, phiền hà cho hoạt động khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện có hiệu quả chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính.
VŨ HƯNG - AN NHIÊN