Chính trị
Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố lấy ý kiến góp ý dự thảo 3 dự án luật
ĐNO - Ngày 8-10, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi).
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Nguyễn Duy Minh chủ trì hội nghị góp ý các dự thảo luật. Ảnh H.N |
Góp ý dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, các đại biểu cho rằng cần khấu trừ tính thuế đối với một số mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt đầu vào để không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đầu ra, hoàn lại phần thuế đã nộp thuế đầu vào nguyên liệu, áp dụng với một số mặt hàng như bia rượu, thuốc lá.
Về vấn đề đối tượng chịu thuế và không chịu thuế, dự thảo luật bổ sung thêm đối tượng chịu thuế với mặt hàng nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml theo tiêu chuẩn Việt Nam để bảo vệ sức khỏe nhân dân và khuyến cáo của các tổ chức y tế về thực tế bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường, tuy nhiên việc áp dụng này cần có lộ trình để doanh nghiệp thực hiện.
Về phương án tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, các đại biểu phân tích và ủng hộ cả hai phương án. Theo đó, phương án 1 là năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 5% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 10% so với năm 2025. Một số ý kiến cho rằng nên điều chỉnh tăng chậm để doanh nghiệp chuyển đổi, phù hợp với thực tế; cũng như cho rằng trong cách tính thuế, phương pháp tăng thuế theo lộ trình ngắn sẽ giảm thiểu tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
Phương án 2 là năm 2026, khi tăng thuế suất cao hơn 15% quy định hiện hành thì giá bán các sản phẩm sẽ tăng 20% so với năm 2025. Một số ý kiến đồng tình phương án này vì cho rằng tăng thuế nhiều không ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp, phù hợp đời sống xã hội, giảm tiêu thụ khi giá tăng cao và có thể giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia. Với thiết bị bay không người lái, nên không áp thuế nếu thiết bị dùng cho an ninh - quốc phòng; phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn và phục vụ trong nông nghiệp; còn thiết bị mua dùng cho cá nhân thì phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việt Nam hiện có 11 mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, bao gồm: Thuốc lá điếu và xì-gà, rượu các loại, bia các loại, ôtô dưới 24 chỗ ngồi, xăng và chế phẩm tạo xăng, điều hòa nhiệt độ 90.000 BTU trở xuống, bài lá, vàng mã, hàng mã, xe gắn máy trên 125 cm3, tàu bay và du thuyền.
Góp ý dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, các đại biểu cho biết dự thảo chỉ còn 18 mục chi phí không được trừ, giảm hàng chục chi phí và khắc phục những điểm bất hợp lý so với luật hiện hành. Về thuế suất áp dụng cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thực hiện theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự thảo luật đã dùng cơ chế thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Song, nếu lấy quan điểm này để áp dụng cơ chế ưu đãi về thuế, bên cạnh yếu tố doanh thu cần quan tâm yếu tố vốn đầu tư của doanh nghiệp để áp dụng.
Về dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng, các đại biểu cho biết dự thảo nâng mức doanh thu không chịu thuế của người kinh doanh lên 150 triệu, đề nghị tăng lên 200 triệu đồng; đối với mặt hàng phân bón, từ không chịu thuế sang chịu thuế 5%, là mức thuế suất thấp nhất. Các đại biểu phân tích, nếu thuế đầu vào chịu 5-10%, thuế đầu ra 5%, thì doanh nghiệp sẽ được khấu trừ thuế đầu vào, bảo đảm xác định lại giá thành sản xuất có thể thấp hơn trước, giải quyết lợi ích cho Nhà nước, doanh nghiệp.
Dự thảo luật thuế này còn đưa trách nhiệm của cơ quan thuế vào luật để dễ theo dõi, tổ chức thực hiện và tuyên truyền cho người nộp thuế.
Một số ý kiến tại hội nghị cho rằng, thành phố Đà Nẵng đang thí điểm xây dựng khu thương mại tự do, lãnh đạo thành phố hứa sẽ ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào đây, cụ thể là ưu đãi một số chính sách, trong đó có thuế. Nhưng hiện nay luật chỉ mới áp dụng cho khu phi thuế quan, chưa có chính sách thuế đối với khu thương mại tự do. Các đại biểu nêu ý kiến cơ quan soạn thảo luật, Quốc hội nên quan tâm đến vấn đề này, đón đầu chính sách khi khu thương mại tự do hình thành và đưa vào hoạt động.
H. NHUNG