Chính trị

Phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài cho công cuộc phát triển thành phố

07:33, 28/10/2024 (GMT+7)

“Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, luôn mong muốn được đóng góp xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển, văn minh và giàu đẹp”. Đó là những lời chia sẻ đầy tình cảm, tự hào mình là người Việt Nam của ông Bảo Hòa (kiều bào Mỹ) và bà Cecile Lê Phạm (kiều bào Pháp).

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng (giữa) trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho bà Cecile Le Pham (thứ 2, bên phải sang) và ông Bảo Hòa (bên trái) vì đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ảnh: T.P
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Lê Thị Thu Hằng (giữa) trao bằng khen của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho bà Cecile Le Pham (thứ 2, bên phải sang) và ông Bảo Hòa (bên trái) vì đã có nhiều đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ảnh: T.P

Nguồn lực to lớn và quý giá

Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài khẳng định “Người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam”. Gần 15 năm trước, sau khi nghỉ hưu, ông Bảo Hòa quyết định về Đà Nẵng là nơi cội nguồn của mình định cư dài hạn và làm ăn ở quê hương. Năm 2013, ông thành lập Công ty Caracoli CRC, nay đã đổi thành Công ty Vinatech Connect.

Ông Hòa tâm sự: “Cộng đồng người Việt ở nước ngoài lúc nào cũng hướng về quê hương. Như bản thân tôi, hiểu cái gì, biết cái gì đều mong muốn đem về Đà Nẵng hoặc Việt Nam để hỗ trợ người Việt”. Ông Hòa cho biết, không có nơi nào khác ở Việt Nam có được những điều kiện tự nhiên về địa lý đẹp, hạ tầng cơ sở hoàn chỉnh cũng như sự phát triển năng động của thành phố Đà Nẵng.

Hiện nay, thành phố đang tập trung thu hút đầu tư nước ngoài trên lĩnh vực công nghiệp, công nghệ cao. Chính vì thế, năm 2023, ông Hòa kết nối, giới thiệu Công ty Intex Industries, Công ty TNHH Unitex Wan Guan Technology đầu tư vào Khu công nghiệp Hòa Khánh. Đồng thời, ông với vai trò là Phó Chủ nhiệm CLB doanh nghiệp kiều bào thành phố trở thành “cầu nối” chia sẻ thông tin, hiểu biết về kinh tế, thương mại và xã hội ở Đà Nẵng cũng như những kinh nghiệm đã trải qua đến với những kiều bào đang có ý định mở rộng hoạt động kinh doanh tại Đà Nẵng.

Với bà Cecile Lê Phạm, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dacotex, Phó Chủ tịch tổ chức ASSOR, sinh ra tại Cần Thơ nhưng lại dành nhiều tình cảm và yêu quý con người, mảnh đất Đà Nẵng. Bà kể, cơn bão lớn năm 1999 đổ bộ vào Đà Nẵng gây thiệt hại lớn. Bà cùng đoàn cứu trợ của tổ chức ASSORV (Pháp) đến Đà Nẵng để hỗ trợ vật chất, thuốc men. Từ lần giúp đỡ đó, bà đã cảm mến những con người nơi đây và quyết định gắn bó thành phố này. Năm 2002, bà thành lập Công ty TNHH Dacotex Đà Nẵng, hoạt động trong ngành may mặc. Công ty giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 100 công nhân, thu nhập ổn định.

Ngoài ra, công ty Dacotex còn có 2 chi nhánh tại tỉnh Quảng Nam và Thừa Thiên Huế, giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động. Bên cạnh kinh doanh lĩnh vực may mặc, bà còn đầu tư ở lĩnh vực khách sạn và mở Bảo tàng Mỹ thuật Cecile Le Pham tại thành phố Huế.

Cùng với đó, bà thành lập Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi Hoa Mai (quận Ngũ Hành Sơn). Đến nay, trung tâm hoạt động 22 năm, thắp sáng hàng ngàn ước mơ đến trường cho nhiều trẻ em mồ côi. Hằng năm, bà cùng Tổ chức ASSOR hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi tại Trung tâm với kinh phí hơn 1 tỷ đồng.

Nguồn lực kiều bào rất quan trọng cho sự phát triển của thành phố, đặc biệt là những chuyên gia, nhà khoa học, kỹ thuật viên trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI)... Hiện nay, thành phố đã từng bước huy động các chuyên gia, trí thức người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào các chương trình, dự án trong nhiều lĩnh vực, làm cầu nối thúc đẩy hợp tác quốc tế và phát triển quan hệ hữu nghị giữa thành phố với các địa phương nước ngoài.

Trong đó, một số trí thức kiều bào có những chương trình hợp tác với thành phố tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ như ông Nguyễn Đăng Khoa (kiều bào Mỹ) tư vấn hỗ trợ thành lập Trung tâm thiết kế vi mạch thành phố, GS.TS Lê Thành Nhân (kiều bào Pháp) triển khai các nghiên cứu ứng dụng công nghệ không dây LoRa, trí tuệ nhân tạo trong triển khai ứng dụng thông minh tại Đà Nẵng, GS.TS Nguyễn Trường Hải (kiều bào Mỹ) hỗ trợ giảng dạy các khóa huấn luyện cho kỹ sư phần mềm tại các doanh nghiệp công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố.

Thu hút kiều bào ở lĩnh vực mũi nhọn

Hiện Đà Nẵng có khoảng hơn 8.000 kiều bào, chủ yếu sinh sống tại Mỹ. Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Nguyễn Thúy Anh cho biết, thành phố chú trọng phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn, gồm: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp. Trong đó, tập trung thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo đầu tư vào thành phố.

Do đó, Sở Ngoại vụ chủ động, tích cực phối hợp các ngành mời kiều bào giữ các vị trí quan trọng tại Tập đoàn Intel, Tập đoàn Synopsys International Limited về nước, ký kết biên bản ghi nhớ với Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn (DASC) nhằm thúc đẩy hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo của thành phố. Lễ ký kết diễn ra tại sự kiện “Gặp gỡ Đà Nẵng - Meet Da Nang 2024” vào tháng 1-2024.

Sở Ngoại vụ cũng chủ động liên hệ, kết nối và tổ chức làm việc với một số hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài như Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Paris (Pháp), tập hợp những trí thức, chuyên gia cấp cao, và nhà khoa học uy tín trên nhiều lĩnh vực ở phạm vi toàn cầu. Giữa tháng 8-2024, đoàn đến thăm Đà Nẵng nhằm tìm hiểu các chiến lược, dự án của thành phố đang triển khai và những dự án kêu gọi đầu tư; chiến lược thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và định hướng của thành phố trong các lĩnh vực du lịch cao cấp kết hợp cảng, công nghiệp văn hóa sáng tạo, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, kết nối nguồn lực Đà Nẵng với quốc tế.

Cùng với đó, hợp tác chặt chẽ Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) do ông Trần Hải Linh (kiều bào Hàn Quốc) làm Chủ tịch hiệp hội. Qua đó, giới thiệu thành phố tham dự hội chợ xúc tiến thương mại tại thành phố Siheung (tỉnh Gyeonggi) năm 2024; tổ chức đoàn doanh nghiệp tỉnh Gangwon đến tại Đà Nẵng tìm hiểu môi trường đầu tư năm 2022.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, tháng 8-2022, lần đầu Sở Ngoại vụ thành phố phối hợp Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh  tổ chức thành công tọa đàm xúc tiến đầu tư vào Đà Nẵng hướng đến người Việt Nam ở nước ngoài  tại Thành phố Hồ Chí Minh. Qua đó kêu gọi Tập đoàn Foxlink (Đài Loan, Trung Quốc) đầu tư vào Khu Công nghệ cao Đà Nẵng thông qua sự hỗ trợ của bà Ngô Phẩm Trân (kiều bào Đài Loan, Trung Quốc). Dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại lễ công bố quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 vào tháng 11-2023.

Những năm qua, với việc kết nối rộng rãi với bà con kiều bào tại các nước trên thế giới cũng như việc chào đón, tư vấn, hỗ trợ, thiết lập quan hệ hợp tác, đầu tư của bà con kiều bào, thành phố có khoảng 60 doanh nghiệp có vốn đầu tư của kiều bào tại thành phố.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, thời gian tới, để tiếp tục thu hút nguồn lực kiều bào tham gia cho sự phát triển của thành phố, Sở Ngoại vụ tiếp tục tham mưu các cấp hoàn thiện các chính sách, pháp luật liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là lĩnh vực quốc tịch, nhà đất, đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; tham mưu thành phố tập trung minh bạch, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục, chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài để tăng cường sự tin tưởng, khả năng tiếp cận của kiều bào trong quá tình về nước đầu tư, làm việc, sinh sống; xây dựng và hoàn thiện dữ liệu về người Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục đẩy mạnh kết nối, giới thiệu các đoàn kiều bào trí thức, kiều bào đầu tư về hợp tác với thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, Sở Ngoại vụ phối hợp các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin tình hình kinh tế - xã hội, chủ trương, đường lối chính sách của thành phố đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

THANH PHƯƠNG

.