Chính trị

Chú trọng nội dung phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

08:19, 21/11/2024 (GMT+7)

Chương trình, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên hiện nay đã chú trọng xây dựng các chuyên đề gắn với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nhằm trang bị những nội dung cơ bản về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên về công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực, lãng phí trong giai đoạn hiện nay.

Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khảo sát Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng đạt chuẩn mức 1. Ảnh: NGỌC PHÚ
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khảo sát Trường Chính trị thành phố Đà Nẵng đạt chuẩn mức 1. Ảnh: NGỌC PHÚ

Thực trạng chương trình đào tạo, bồi dưỡng

Trong thời gian qua, các chương trình, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên đã chú trọng xây dựng các chuyên đề gắn với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng như: chuyên đề “Phòng chống tham nhũng, lãng phí” trong chương trình Trung cấp lý luận chính trị; chuyên đề “Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý Nhà nước” trong chương trình bồi dưỡng quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính. Đây là một trong những điều chỉnh phù hợp, là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên, tăng cường sức đề kháng chống các căn bệnh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Mục tiêu của các chuyên đề giúp học viên hiểu rõ hơn tình hình tham nhũng, lãng phí cũng như các quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở Việt Nam. Qua đó, nâng cao ý thức và trách nhiệm của học viên trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại đơn vị, địa phương, ngành mình công tác. Đồng thời “tăng cường sức đề kháng” để cán bộ, đảng viên phản bác các quan điểm chống phá của các thế lực thù địch đối với quyết tâm của Đảng trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Với những mục tiêu quan trọng đó, việc tiếp cận nghiên cứu, giảng dạy các chuyên đề này cần có sự đổi mới cả về nội dung, phương pháp đảm bảo chiều sâu lý luận và các vấn đề thực tiễn quan trọng nhằm nâng cao nhận thức, sức chiến đấu cho cán bộ, đảng viên trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Nâng cao hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng

Đối với công tác tuyên truyền, giảng dạy các nội dung này, để nâng cao hiệu quả cần chú trọng đến một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, xác định mục tiêu hợp lý và nghiên cứu kỹ đối tượng học viên. Đây là cách thức để xác định các nội dung cần truyền đạt gắn với thực tế công tác của học viên, để các nội dung giảng dạy sát với người học; cũng là yêu cầu quan trọng giúp cho các giảng viên xác định các nội dung trọng tâm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí gắn với vị trí, đối tượng học viên đang công tác; xây dựng và thiết kế bài giảng hợp lý, dẫn chứng sát với người học.

Hai là, đẩy mạnh công tác giới thiệu, tuyên truyền nội dung các tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng;bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm và định hướng trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Ban Chi đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.  

Ba là, phân tích làm rõ và có sự so sánh những điểm mới trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong một số nội dung: so sánh Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trước đây khi trực thuộc Chính phủ, do Thủ tướng làm trưởng ban và hiện nay khi trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm trưởng ban để thấy rõ được sự khác biệt; so sánh Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005 và Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 để giúp học viên thấy được những điểm mới và sự điều chỉnh phù hợp với sự thay đổi của thực tiễn; hệ thống hóa các văn bản quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, giúp học viên nhận diện rõ các biểu hiện của tham nhũng, tiêu cực trong quản lý Nhà nước: tiêu cực thông qua lợi ích nhóm, tiêu cực thông qua công tác cán bộ, tiêu cực thể hiện qua tình trạng tham nhũng vặt… và hệ thống các văn bản về quy định mới của Đảng và pháp luật của Nhà nước để kiểm soát quyền lực, xây dựng hệ thống cơ chế chặt chẽ để “nhốt quyền lực trong lồng cơ chế” qua đó hiện thực hóa mục tiêu làm cho cán bộ, đảng viên “không thể tham nhũng”.

Bốn là, nâng cao nhận thức và tăng cường “sức đề kháng” để học viên có thể nhận diện được các luận điệu chống phá của các thế lực thù địch về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng. Trách nhiệm của giảng viên đó là làm nổi bật các kết quả trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí của Đảng với nỗ lực “không có vùng cấm” trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; cung cấp các luận chứng, luận cứ khoa học để làm cơ sở quan trọng để bác bỏ các luận cứ không đúng sự thật của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Đây là sứ mệnh quan trọng của giảng viên trong việc góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

Có thể thấy, trong thời gian qua công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí ngày càng được đổi mới, tăng cường cho đội ngũ cán bộ, đảng viên góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong công tác này. Qua đó, góp phần đưa ra khỏi bộ máy, tổ chức những cán bộ, đảng viên sai phạm liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí;  giúp cho cán bộ, đảng viên “tự soi, tự sửa” và có những nhận thức sâu sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

TRƯỜNG CHÍNH TRỊ THÀNH PHỐ

.