Chính trị
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng
Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 26-11, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2024. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN |
Số vụ việc thụ lý tăng 7,73%, giải quyết tăng 8,4%
Trình bày báo cáo công tác của Tòa án nhân dân năm 2024, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết, năm 2024, Tòa án các cấp triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh số lượng các loại vụ việc phải thụ lý, giải quyết vẫn tiếp tục tăng với tính chất, mức độ ngày càng phức tạp, nhất là các tội phạm ma túy, vi phạm trật tự an toàn giao thông, xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm mạng...
Theo Chánh án Lê Minh Trí, các Tòa án vừa phải làm tốt công tác giải quyết, xét xử các loại vụ việc, vừa phải tiếp tục thực hiện tốt Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến; triển khai các nhiệm vụ cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; chuẩn bị các điều kiện để triển khai Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.
So với năm 2023, số vụ việc đã thụ lý tăng 7,73%; đã giải quyết tăng 8,4%. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,77%, thấp hơn năm trước 0,12% và đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Việc xét xử bảo đảm nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chưa phát hiện trường hợp kết án oan người vô tội. Đáng chú ý, đã xử lý nghiêm nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và Ban Chỉ đạo về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi chỉ đạo và các vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc trong xã hội.
"Các Tòa án đã áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với người chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ chiếm đoạt tài sản lớn của Nhà nước và có sự phân hóa các đối tượng trong vụ án đảm bảo vừa xử lý nghiêm minh, vừa nhân văn, thuyết phục, đúng quy định của pháp luật", Chánh án Lê Minh Trí cho biết.
Từ kết quả đạt được, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí khẳng định, năm 2025, hệ thống Tòa án sẽ tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật; quán triệt phương châm hành động “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó và hiệu quả" trong toàn ngành. Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án, vụ việc theo quy định; phấn đấu thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội.
Về một số kiến nghị, Chánh án Lê Minh Trí kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật và coi trọng công tác giải thích pháp luật để bảo đảm thống nhất nhận thức và áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử. Hoàn thành các dự án luật, pháp lệnh được phân công chủ trì soạn thảo đúng tiến độ, chất lượng. Tăng cường nghiên cứu, lựa chọn, phát triển án lệ.
Đồng thời tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, con người và các điều kiện cần thiết khác để triển khai các Tòa án chuyên biệt theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024; gắn với các hoạt động hợp tác quốc tế; trao đổi kinh nghiệm trong việc đào tạo Thẩm phán đối với các lĩnh vực kinh doanh thương mại, trọng tài quốc tế, sở hữu trí tuệ, phá sản, tư pháp người chưa thành niên... nhằm triển khai có hiệu quả các dự án Luật đã và đang được Quốc hội xem xét thông qua, ban hành tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8...
Thu hồi số tiền hơn 26.215 tỉ đồng từ các vụ án tham nhũng, kinh tế
Cũng tại phiên họp, trình bày báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, năm 2024, các chỉ tiêu quan trọng cơ bản của ngành Kiểm sát nhân dân đều đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Cụ thể: Thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 165.377 nguồn tin về tội phạm (đạt 100%). Ban hành 120.523 văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm; trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.877 cuộc tại Cơ quan điều tra; yêu cầu khởi tố 961 vụ án (tăng 21,6%)... Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 142.946 vụ/231.614 bị can (tăng 6,3% số vụ và 10,7% số bị can); kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ khi khởi tố; ban hành 102.584 bản yêu cầu điều tra (tăng 3,5%)...
Cùng với đó, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã áp dụng các biện pháp bảo đảm để thu hồi số tiền hơn 26.215 tỉ đồng…
Cũng theo Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến, hiện nay, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp, số lượng các vụ án, vụ việc tội phạm và vi phạm pháp luật tăng nhanh so với trước đây với nhiều tội phạm mới có tính chất phức tạp hơn.
Bên cạnh đó, ngành Kiểm sát thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ mới theo quy định của luật, khối lượng công việc tăng lên nhiều; cùng với đó yêu cầu về pháp luật và kỷ luật ngày càng cao nên ngành phải đối mặt với nhiều áp lực trong tình trạng thiếu biên chế, thiếu chức danh tư pháp (Kiểm sát viên các cấp) là chức danh bắt buộc phải có để thực hiện nhiệm vụ.
Do đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao bổ sung chức danh Kiểm sát viên các ngạch tạo điều kiện thuận lợi trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và hướng dẫn Kiểm sát viên sơ cấp thực hiện nhiệm vụ trong chỉ tiêu biên chế đã được giao...
Bên cạnh đó, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban, ngành nghiên cứu, tổng hợp các nguyên nhân, điều kiện dẫn đến các loại tội phạm gia tăng, diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, rà soát để phát hiện khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước trong mọi lĩnh vực; công tác giám định và định giá tài sản còn nhiều bất cập chưa đáp ứng được yêu cầu trong đấu tranh giải quyết các vụ án hình sự. Từ đó, xây dựng Chương trình tổng thể về phòng ngừa, đấu tranh tội phạm cho các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan tư pháp thực hiện tăng cường hợp tác quốc tế để phối hợp áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm công nghệ cao nói riêng.
Theo TTXVN