Chính trị

Phải có giải pháp căn cơ, hiệu quả để phát triển đô thị và nhà ở xã hội

10:33, 12/12/2024 (GMT+7)

ĐNO - Sáng 12-12, thảo luận về Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 và Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, đại biểu Lê Tùng Lâm, Trưởng ban Đô thị (Tổ đại biểu HĐND quận Thanh Khê) và đại biểu Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Đô thị HĐND thành phố (Tổ đại biểu HĐND quận Hải Châu) đề nghị thành phố cần có giải pháp căn cơ để hai chương trình này phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Chủ tọa kỳ họp. Ảnh: NGỌC PHÚ
Chủ tọa kỳ họp. Ảnh: NGỌC PHÚ

Xây dựng và triển khai thực hiện tốt chương trình phát triển đô thị

Về kết quả Chương trình phát triển đô thị thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, đại biểu Lê Tùng Lâm, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, tính đến tháng 12-2024 cho thấy, một số chỉ tiêu chính rất khó hoàn thành, đạt được trong thời gian đến, đặc biệt là trong năm 2025.

Cụ thể, mật độ đường giao thông đô thị hiện nay là 4,49% (chỉ tiêu đến năm 2025 là 10%); tỉ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 3,08% (chỉ tiêu đến năm 2025 là 15%); diện tích cây xanh đô thị đạt 2,64 m2/người (năm 2025 là 5m2/người); diện tích nhà bình quân đầu người là 28,1m2/người (năm 2025 là 30m2/người)...

Do đó, đại biểu đề nghị cần xem chương trình phát triển đô thị là đầu mối dữ liệu thông tin quan trọng tích hợp nhiều nội dung, thông tin, số liệu liên quan đến nhiều chương trình, đề án, dự án quan trọng, ưu tiên cần triển khai thực hiện một cách tổng thể, đồng bộ; là công cụ quan trọng trong việc triển khai, theo dõi, giám sát, đánh giá công tác quản lý đầu tư phát triển đô thị một cách bài bản, đồng bộ và hiệu quả.

Việc xây dựng và triển khai thực hiện tốt chương trình phát triển đô thị sẽ góp phần bảo đảm phát triển đô thị đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, kiến trúc cảnh quan, phát triển đô thị bền vững.

Chương trình thực hiện tốt sẽ giúp việc triển khai, giám sát/kiểm soát tiến độ, chất lượng các dự án hạ tầng đô thị trong thực tế một cách tổng thể, đồng bộ, nhằm giải quyết, xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề bức xúc, nổi cộm về trật tự, an toàn, môi trường và mỹ quan đô thị.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị cần đánh giá định kỳ hàng năm về kết quả đạt được các chỉ tiêu đã đề ra; ban hành kế hoạch triển khai từng năm về triển khai chương trình phát triển đô thị để có cơ sở theo dõi, đôn đốc, đề ra nhiệm vụ ưu tiên trọng tâm từng năm, có cơ sở để các đơn vị, địa phương phối hợp thực hiện; phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp liên quan, triển khai các dự án ưu tiên, trọng điểm bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Lê Tùng Lâm thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ
Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Lê Tùng Lâm thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ

Thành phố cần rà soát, nghiên cứu và ban hành chương trình phát triển đô thị mới ngay trong năm 2025 theo tinh thần Nghị quyết số 06/BCT/2022 của Bộ chính trị, yêu cầu đã nêu tại Chương trình hành động số 148/CP/2022 của Chính phủ; bám sát mục đích, chỉ tiêu, nội dung, quy định mới của Nghi định số 35/CP/2023 của Chính phủ và Thông tư số 06/BXD/2023 của Bộ Xây dựng, làm cơ sở thực hiện đúng quy định, thực chất, hiệu quả chương trình phát triển đô thị trong giai đoạn tiếp theo.

Cùng với đó, tập trung, quyết tâm thực hiện tốt chương trình phát triển đô thị nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đã xác định tại quy hoạch thành phố, quy hoạch chung đã được phê duyệt, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đô thị; giải quyết xử lý kịp thời, hiệu quả các vấn đề nổi cộm mà cử tri, nhân dân đã quan tâm, kiến nghị nhiều lần trong thời gian qua.

Tập trung thực hiện tốt chương trình nhà ở xã hội

Thảo luận về Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, đại biểu Lê Văn Dũng, Phó trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho biết, chương trình  được HĐND thành phố thông qua tại Nghị quyết 77/NQ-HĐND năm 2022 thông qua Chương trình phát triển nhà ở thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 và UBND thành phố đã phê duyệt tại Quyết định số 3432/QĐ-UBND và ban hành Kế hoạch phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, đến năm 2025, thành phố sẽ đầu tư xây dựng khoảng 721.719 m2 sàn nhà ở xã hội, dự kiến hoàn thành khoảng 504.060 m2 sàn; khoảng 9.792.296 m2 sàn nhà ở thương mại, dự kiến hoàn thành khoảng 7.186.330 m2 sàn.

Về nhà ở xã hội đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước, hiện nay, thành phố có khoảng 12.000 căn hộ, chiếm hơn 80% so với cả nước (cả nước có khoảng 15.000 căn). Qua đó đã giải quyết một phần nhu cầu nhà ở của các đối tượng khó khăn về nhà ở, góp phần quan trọng vào công tác bảo đảm an sinh xã hội theo chương trình “5 không”, “3 có” của thành phố.

Tuy nhiên, về kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở thành phố giai đoạn 2021-2025 kết quả đạt được còn thấp so với kế hoạch đề ra. Tính đến tháng 11-2024, về nhà ở xã hội, đã chấp thuận chủ trương đầu tư 4 dự án với tổng diện tích sàn 437.308m2 và đã hoàn thành 96.974m2, đạt 19,3% so với kế hoạch; về nhà ở thương mại, hoàn thành 514.188m2, đạt 7,1% so với kế hoạch.

Đại biểu kiến nghị thành phố ban hành kế hoạch triển khai từng năm về chương trình phát triển nhà ở để theo dõi, đôn đốc, đề ra nhiệm vụ ưu tiên từng năm; xem xét, đánh giá định kỳ hàng năm kết quả đạt được để có chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời.

Đồng thời, rà soát các khu đô thị mới, các dự án nhà ở thương mại chưa dành 20% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội để xác định vị trí, quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch phát triển; khuyến khích nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đồng bộ các thiết chế công đoàn theo quy hoạch để phục vụ người lao động trong quá trình hình thành các khu công nghiệp; rà soát xử lý triệt để các trường hợp bố trí, thuê, mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng.

Việc triển khai đề án thí điểm bán nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước đang bố trí thuê cần tiếp tục nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng hưởng chính sách về nhà ở xã hội được mua nhà ở xã hội ổn định cuộc sống; thành phố có thêm nguồn kinh phí để tái đầu tư các dự án nhà ở xã hội bằng nguồn vốn ngân sách.

Cùng với đó, phát triển nhà ở thương mại theo dự án, gắn với phát triển đô thị và kế hoạch phát triển nhà ở; khuyến khích đầu tư phát triển nhà ở chung cư cao tầng hiện đại, thân thiện với môi trường góp phần nâng cao chất lượng nhà ở, bảo đảm kết nối và đồng bộ hệ thống hạ tầng.

Phó trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Lê Văn Dũng thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Lê Văn Dũng thảo luận. Ảnh: NGỌC PHÚ

Đặc biệt, đại biểu đề nghị nghiên cứu tinh giảm, rút gọn các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội; chủ động làm việc, hỗ trợ các nhà đầu tư nhà ở thương mại tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, khắc phục các thiếu sót trước đây, hoàn thành các thủ tục để sớm triển khai các dự án; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế hỗ trợ về thủ tục, nguồn lực để các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án nhà ở xã hội, thương mại.

Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch đối với quỹ đất được quy hoạch đầu tư bãi đỗ xe, tránh tình trạng chuyển đổi đất bãi đỗ xe thành các loại đất khác; có chế tài, xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm theo quy định.

Thành phố cần tổ chức lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại theo quy định; đẩy mạnh phát triển đô thị tại các khu vực dự kiến phát triển đô thị; hình thành các khu đô thị mới, khu đô thị dạng vệ tinh tạo điểm nhấn kiến trúc, mang tính biểu tượng.

NGỌC PHÚ

 

 

.